Những Tên Tôi Tớ Cho Ngọai Bang
Dương Thu Hương
Từ khoảng hơn một tháng nay, khởi đầu là báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là một vài báo khác dấy lên một chiến dịch thoá mạ chửi rủa tôi, nhà văn Dương Thu Hương. Với tôi, không có gì mới lạ. Từ hơn một thập kỷ trước, tháng 4 năm 1991, khi họ bắt tôi; họ cũng đã chẳng tuyên bố trịnh trọng trên mọi phương tiện truyền thông, báo, radio, télévision ... rằng tôi là gián điệp, bán tài liệu bí mật của quốc gia cho ngoại quốc, sống đồi truỵ, làm tình trên cạn dưới nước với Việt kiều Bùi Duy Tâm ... Lần này, sự vu khống và bôi nhọ cũng không có gì mới lạ hơn, nó vẫn là những thủ thuật quen thuộc của Nhà Nước Cộng Sản. Vả chăng, trong lịch sử bốn ngàn năm (Cứ tạm cho là điều đó có thật) hoặc cứ giả định một con số khiêm tốn hơn : Ba ngàn sáu trăm năm chẳng hạn, triều đình Cộng sản là triều đình duy nhất cho tới nay, dạy cho con gái con dâu vu khống bố hiếp dâm, dạy con trai chỉ vào mặt bố "đả đảo thằng bóc lột", dạy cho láng giềng tố cáo điêu chác, đâm chém, dày xéo mồ mả của nhau ... vào những năm 1953, 1954 và kéo tới mùa Xuân năm 1955. Tất cả những ai chưa hoàn toàn quên lãng, hẳn hiểu rõ điều đó. Khi con người đã đủ can đảm vu khống, nhục mạ ngay bố mẹ đẻ của mình thì họ thừa sự nhẫn tâm để làm những điều ác gấp ngàn lần như thế với tha nhân, huống chi với tôi, người đấu tranh cho chế độ dân chủ, đương nhiên tôi là kẻ thù nằm ngay trên bia ngắm của họ. Một số người hỏi tôi :
- Tại sao bài báo "Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen" đã được phát tán trong nước, đưa lên internet, in ở báo ngoại kiều từ ba năm trước mà bây giờ chúng nó mới đánh cô ?
Xin thưa:
- Tôi không phải là kẻ cầm quyền nên tôi không thể trả lời đích xác động cơ hành động của họ. Nhưng theo suy đoán, việc này nhằm hai mục đích. Thứ nhất, sau đám tang Tướng quân Trần Ðộ, dư luận dấy lên một làn sóng bất bình, làn sóng này càng lan truyền rộng lớn đến cả những người còn đang bảo vệ Ðảng Cộng Sản, còn giơ tay tán thành kỷ luật anh Trần Ðộ cũng phải lên tiếng chửi rủa nhà cầm quyền là kẻ đểu cáng, táng tận lương tâm. Vì thế, việc tạo ra một cái bia mới để chuyển mục tiêu công luận, lái sự chú ý của đám đông sang hướng khác là việc họ tính đến trước tiên. Thứ hai là, sau vụ bắt Nguyễn Vũ Bình, dư luận xôn xao vì những người đấu tranh cho dân chủ ngày càng trẻ (Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn đều thuộc những thế hệ đi sau thế hệ của tôi). Ðặc biệt là khả năng phê phán quá khứ một cách triệt để của họ (Nguyễn Vũ Bình vốn là nhà báo, biên tập viên, làm việc tại tạp chí Ðỏ nhất Việt Nam: Tạp chí Cộng Sản (Sự Thật cũ), chắc hẳn nhà cầm quyền cảm thấy những đợt sóng rung rinh xung quanh họ, họ thấy nhất thiết phải biểu thị uy thế như một hình thức Răn Ðe và họ chọn tôi để Dương oai diễu võ (chứ không Diễu võ dương oai như thông lệ).
Bài "Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen", lẽ ra, họ phải đăng lên một cách đàng hoàng, đầy đủ rồi sau đó muốn mổ xẻ, băm vằm, chửi rủa kiểu gì cũng được ... Nhưng theo thói quen trùm chăn đánh lén của chính quyền Cộng sản, họ trích đoạn, xào xáo xiêu vẹo, theo kiểu tay kéo của người dựng phim nhằm tạo nên một hiệu quả theo chủ ý. Nhưng thôi, đòi hỏi Nhà Nước CHXHCN Việt Nam chơi đàng hoàng đúng luật biết tự trọng và liêm sỉ thì cũng hoang tưởng như tin chủ nghĩa cộng sản khoa học của ông Lênin vậy. Bây giờ, tôi xin trở lại vấn đề chính:
Ai ? ... Họ là ai ? ... Những tên tôi tớ cho ngoại bang ? ...
Trước hết chúng ta phải thẩm định danh từ : Tôi tớ. Có hàng chục danh từ họ hàng gần gũi với quan niệm này, nhưng tựu trung, một ý nghĩa giản đơn mà mọi người đều hiểu rằng tôi tớ là lớp người phải thực hiện những công việc mà người trả tiền cho họ yêu cầu. Thế nên tôi tớ của chủ đất thì phải cày bừa gặt hái; ô-sin chốn thị thành phải quét dọn, cơm nước, chợ búa; bồi phòng thì phải thay ga, trải đệm, lau giường ... Ðó là một lớp ngưòi cần phải kiếm sống bằng những lao động chân tay giản đơn, họ cần xã hội và xã hội cũng cần tới họ. Theo nghĩa thứ hai, có tính tiêu cực (négatif) tôi tớ là loại người không được quyền nghĩ, không được quyền nói theo ý mình, nhất nhất mọi thứ phải xử sự theo ý chủ, và vì sống trong tương quan đó, họ thường có thói quen săn đón ý chủ, nịnh bợ ton hót chủ và dèm pha những đồng nghiệp - những người cạnh tranh miếng cơm với họ. Nói vắn tắt: Ðối với những kẻ có tâm hồn tôi tớ, chủ là Thượng đế. Bởi Thượng đế ban phát cho họ chức tước hoặc tiền và tất thảy những thiết yếu có thể mua bán được với hai giá trị cá cược ấy.
Theo kiểu nhào trộn cả hai ý nghĩa trên, và cố lùa ghép cho vừa lòng những kẻ đã gọi tôi là Tôi tớ, thì rất có thể tôi sẽ là tôi tớ cho hai người. Một người Việt. Một người Áo. Cả hai đều đã chết. Vậy tôi là tôi tớ của hai hồn ma.
Hồn ma thứ nhất, ông Dương Ðình Châu, bố tôi. Bố tôi dạy tôi là: "Con người có thể mất hết mọi thứ, kể cả mạng sống, trừ danh dự. Danh dự bao gồm tinh thần trách nhiệm, lòng chung thuỷ và sự trung thực". Bố tôi cho tôi vào cõi người năm Bính Tuất, năm nay gần sáu mươi tuổi, tôi vẫn sống trong quỹ đạo của nguyên tắc ấy. Chỉ có điều tiêu chí của nó đã được tôi thay đổi. Xưa kia, bố tôi cho rằng : "Bỏ chồng là điểm nhục gia phong ..." thế nên bằng mọi cách ông bắt ép tôi phải quay về với người chồng cũ. Và dù tôi đã thành nhân, đã có hai đứa con, đã thành người viết văn, đã kiếm được tiền để thêm vào nuôi ông và gia đình, bởi lương hưu của ông rất thấp, bố tôi vẫn bắt tôi quỳ gối quay mặt vào tường, rồi làm kiểm thảo đọc trước mặt ông và họ hàng ... những cuộc kiểm thảo kéo dài hơn hai năm, liên miên, không mệt mỏi. Phải qua một thời gian tranh đấu quyết liệt với tất cả mọi người, tôi mới tìm thấy tiêu chí của tôi: "Sống dưới một chế độ bạo tàn ngu muội mà cam tâm ngậm miệng ăn tiền cúi đầu quỳ gối là điểm nhục gia phong, là kéo lê một sinh tồn vô nghĩa".
Như vậy, tôi giữ nguyên nguyên tắc chỉ đạo (principe directeur) và thay đổi tiêu chí (devise). Tôi là tôi tớ 2/3 hay 1/2 theo nghĩa tôi tớ đối với bố tôi.
Hồn ma thứ hai, Karl Raimund Popper. Tôi chưa có điều kiện để đọc toàn bộ tác phẩm của ông. Tôi mới chỉ đọc hai cuốn :
- Tương lai rộng mở. (L'avenir est ouvert - Conversation au coin du feu entre Konrad Lorenz et Kert Raimund Popper) - Bản tiếng Pháp
- Biện chứng là gì ? - Tiếng Việt, dịch từ bản tiếng Nga.
Và mới đọc gần đây, nhưng ngay lập tức, tôi hiểu chúng đã cho tôi những tư tưởng cốt lõi mà bất cứ muốn làm khoa học hay nghệ thuật đều phải coi như điểm tựa:
Popper viết : "... Chúng ta cần phải hiểu rằng chúng ta hầu như chưa biết gì hết về thế giới và về con người ..."
Và : "... Không một lý thuyết nào có thể đóng vai trò thiết lập trật tự thế giới, chuẩn bị cho con người đi tới những sự kiện tương lai hoặc thu hút sự chú ý của chúng ta vào những sự kiện mà nếu không có lý thuyết ấy, chúng ta không thể nào học được cách quan sát chúng cả."
Ngay tức khắc, các ý tưởng trên cho tôi thấy thảm hoạ của những ý thức hệ gieo rắc cho loài người. Ở nơi nào, những hệ tư tưởng tự cho phép chúng là kim chỉ nam cho tương lai nhân loại, là thứ duy nhất đúng để dẫn dắt "con người tới một ngày mai tươi sáng" ... ở đó, cuộc sống đích thực của con người phải diệt vong. Vậy, tôi có thể tự nhận là tôi rất sùng bái các ý tưởng trên. Bởi tôi nghĩ các ý tưởng đó phải xuất phát từ một ý thức trách nhiệm cao cả trước sinh mệnh của nhân quần. Và tính thận trọng, sự khiêm nhường trong các tư tưởng ấy phản chiếu một tâm hồn thánh thiện ...
Thôi được, cứ cho tôi là tôi tớ của Popper, vậy những người đặt cho tôi cái biệt danh Tôi tớ ấy, đã có lúc nào tôi hỏi: liệu họ có phải là Tôi tớ cho kẻ ngoại bang nào đó, cũng mắt xanh mũi lõ như Popper nhưng còn rậm râu hơn ?. Và họ đã tự nguyện làm Tôi tớ cho ngoại bang từ trước tôi rất lâu, đám Tôi tớ ngu ngơ hoặc láu cá trung thành với ông chủ râu xồm đã hơn một nửa thế kỷ, mở mồm ra là phun đầy ông Các, ông Lê nhưng trong thực tiễn thì chẳng hiểu hai ông thánh tông đồ râu xồm trán hói ấy viết gì cả ? (Tiện đây, xin nói rằng ông Kiến Giang cùng Tướng quân Trần Ðộ đã nhiều lần nói chuyện với tôi về thứ Chủ nghĩa Mác-Lênin nhãn bò Levis ấy. Cả miền Bắc XHCN may lắm có chừng 5 hay 6 người đủ kiên trì và đầu óc để đọc trọn bộ các tác gia đó - trong đó, ông Kiến Giang là một. Bởi ông là một trong những người say mê CNCS và lại lãnh đạo một nhà xuất bản của Ðảng. Còn tất thảy những bộ sách đã in ra là để trang trí cho thư viện và tủ sách của các quan lớn. Xin cứ thử kiểm tra. Nhiều cuốn còn chưa rọc).
Nền văn minh chung của nhân loại là một đại lộ mênh mông, không ngừng xáo động. Bất cứ dân tộc nào không muốn bị rớt lại phía sau cũng phải tìm cách hội nhập vào đó. Tích hợp với nền văn minh chung và đồng thời gìn giữ sắc thái riêng của văn hoá dân tộc mình, ấy là hành trình tất yếu của mọi quốc gia. Tôi chỉ e rằng, có những xứ sở mà kẻ lãnh đạo cố tìm mọi cách trấn ải những lối rẽ vào đại lộ của nền văn minh chung, để giam cầm dân chúng trong sự ngu dốt lẻ loi, để nhét vào đầu họ những thứ lý thuyết lỗi thời đã bị thải vào bãi rác quá khứ, duy trì dân chúng trong sự sợ hãi, và tình trạng cô lập tinh thần, và với tất cả những yếu tố ấy, để chúng mặc sức bóc lột họ và tàn phá tài nguyên quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đã thống kê: ở những xứ nghèo đói, dưới các thể chế độc tài, những hầm mỏ, rừng rú, thềm đại dương ... là những nơi tiềm chứa tài nguyên thường bị phá huỷ một cách có tính toán và thành hệ thống để cướp bóc vội vã những khoản tiền lớn chuyển ra nước ngoài.
Bây giờ, tôi xin trở lại chủ đề chính : Những kẻ tôi tớ.
Ðể minh hoạ cho đề tài này, tôi xin kể vắn tắt một sự kiện, bởi người Việt không ưa tư duy trừu tượng, họ thích những hình ảnh cụ thể, những chi tiết có thể cảm nhận dễ dàng.
Năm 1989, Ðại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại Hội trường Ba Ðình. Trước khi họp chính thức, có hai ngày họp thử. Ngày thứ nhất họp đảng viên. Ngày thứ 2, các nhà văn ngồi nghe huấn thị. Trong các bậc rường cột quốc gia lên dạy dỗ đám trí thức mặt mũi xanh xao kia, có Trung tướng Dương Thông. Như nhiều người biết ông Dương Thông là biểu tượng của quyền lực Cộng sản, của một Nhà nước công an trị. Một tay ông Dương Thông tống bao nhiêu nhân mạng vào trại tù (cho cả 2 phong trào: Nhân văn giai phẩm và Xét lại cũng như những nhóm nhỏ lẻ bị tình nghi là: Không trung thành ...). Một tay ông Dương Thông lên danh sách bao nhiêu văn nhân tài tử làm mouchard làm chỉ điểm cho Tổng cục 1, từ loại nhận quà hàng năm tới loại được cấp lương theo tháng và theo quý ? ... Chỉ Trời mới biết. Vào ngày đó, ông lên dạy bảo các văn nhân rất nhiều điều: Tình hình thế giới, tình hình trong nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, sau rốt ông răn đe: Ðã có nhiều biểu hiện tha hoá trong đám văn nghệ sĩ, và chúng tôi biết đã có kẻ nhận tiền của Việt kiều. Lực lượng an ninh sẽ không dung thứ v.v... Tới đó tai tôi ù lên vì tức giận. Tôi bảo mấy người ngồi cạnh :
- Ðứng lên hỏi lão ta xem đích danh ai là kẻ nhận tiền của Việt Kiều ? ... Lão không thể đứng trên bục mà xỉa xói cả 500 con người như vậy ... Nếu không trả lời được thì anh em ném guốc dép lên.
Tất cả đám lắc đầu quầy quậy.
Sẽ có người hỏi :
- Tại sao chính bà không đứng lên hỏi mà lại ngồi dưới xui kẻ khác ?
Tôi xin đáp :
- Nếu vậy, hẳn là mọi sự đã kết thúc chóng vánh dễ dàng. Tôi sẽ đứng lên chất vấn đối đáp và trả lại miếng đòn xỉ nhục tức khắc rồi hạ hồi ra sao thì sẽ tính sau ... Nhưng tiếc thay lúc ấy tôi đang ăn bánh gateau. Tôi đói. Chúng tôi rủ nhau tán gẫu qua bữa cơm trưa. Và thế là tôi đành mang bánh ngọt vào hội trường ... Lúc ấy xui mọi người không được, tôi chạy ra phía sau nơi đặt thùng nước uống để chiêu miếng bánh. Xong việc chạy vào, Tướng Dương Thông đã xuống bục, lui vào phía sau hội trường.
Giờ giải lao, những nhà văn già ứa nước mắt bảo tôi :
- Chúng tôi đã đánh mất cả cuộc đời đi đánh Pháp. Ðánh bọn thực dân da trắng mũi lõ để rồi để bọn thực dân nội địa, da vàng mũi tẹt nó nhục mạ bây giờ.
Những nhà văn già héo hắt ấy tôi nhớ nguyên dáng vẻ và những khuôn mặt vừa đau đớn, vừa khiếp nhược của họ tới tận bây giờ
Sau hội nghị Nhà văn, tôi tìm cách báo thù. Vô cùng khó. Tôi không biết đánh nhau, không biết bắn súng, không được dạy dỗ để trở thành thích khách. Năm 1990, tôi gặp ông Bùi Duy Tâm, do một sự tình cờ như trời xui đất khiến. Ông Tâm nói với ông Trần Văn Thuỷ rằng vào ngày hai người có hẹn, ông sẽ phải tới nhà ông Dương Thông để ăn cơm, rằng gia đình ông đi Ðồ Sơn tắm biển và ông Dương Thông sẽ cho xe riêng đón họ trở về, bởi thế cái hẹn đành hoãn lại. Trong giây lát tôi hiểu ông Bùi Duy Tâm là cơ hội trời cho tôi, giúp tôi trả thù cho một đám đông bị nhục mạ - và những người gọi là trí thức XHCN thường được nếm sự nhục mạ như thế dưới mọi dạng thức, trong một chế độ mà dù tuyên bố hay lặng im họ cũng chỉ coi Trí thức như Cục cứt - theo định nghĩa của người cầm lái vĩ đại họ Mao.
Ðoạn sau là :
Trời đã giúp tôi thành công. Trong chuyến đi chơi Sông Ðà với các ông Bùi Duy Tâm và Bùi Duy Tuấn, tôi đã mất 3 cuốn băng ghi toàn những chuyện ba hoa, hươu vượn. Nhưng vào đoạn chót của cuốn băng thứ 4 ông Tâm đã thú nhận :
... ồ, Anh đã cho Dương Thông rất nhiều tiền. Anh đã cho Dương Thông rất, rất nhiều tiền ...
Sau chuyến đi đó chừng vài ngày, họ bắt tôi. Trong thời gian ấy tôi đã kịp sao băng ghi âm ra vài bản, gửi ra 3 nước : Pháp, Tiệp và Mỹ.
Do sự can thiệp của chính phủ Pháp, đặc biệt là bà Daniel Mitterand và phong trào nhân quyền thế giới, ngày 20/11 họ buộc phải tha tôi ra, sau gần 8 tháng giam giữ không xét xử. Lúc đó ông Bùi Thiện Ngộ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Ngộ cử thiếu tá Sơn tới gặp tôi :
- Theo đúng pháp luật thì chị có quyền kiện Nhà nước. Nhưng Bộ trưởng muốn tìm một khả năng mềm dẻo hơn có lợi cho cả 2 bên.
Tôi cười. Tôi hiểu cái sự kiện tụng ở xứ sở này ra sao. Tôi yêu cầu cuộc thanh toán với Dương Thông. Bộ Nội vụ chấp thuận.
Vào mùa Xuân năm 1992, đại diện của Bộ Nội vụ là ông Bùi Quốc Huy (tức Năm Huy) - Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, tiếp tôi có sự tham gia của Ðại tá Nguyễn Công Nhuận, người ký lệnh bắt và phụ trách nhóm người tra hỏi tôi trong nhà giam. Trong cuộc gặp này, tôi nói :
- Tôi hiểu rất rành rọt tôi đang chơi trò trứng chọi đá. Bởi thế, lúc nào tôi cũng chuẩn bị cho cái chết của tôi. Tuy nhiên, tôi lại không ưa chết một mình. Nên tôi cũng trù liệu để sau cái chết của tôi, ít nhất cũng phải có dăm bảy đứa khác phải chết theo để tiếp tục chiến đấu dưới âm phủ, nếu không dưới đó rất buồn. Tôi có vũ khí của tôi. Trong tay tôi có 2 cuộn băng ghi âm. Cuộn thứ nhất liên quan tới một trong những kẻ tạo dựng ra Nhà nước này, sư tổ của những người như ông. Nó tố cáo nhân cách một trong các bậc lương đống của triều đình chỉ là loài đểu giả, tâm tính hiểm ác, vô luân. Cuốn thứ 2, chắc ông cũng đoán được, ghi lại cuộc nói chuyện của ông Bùi Duy Tâm với tôi, trong đó ông Tâm khẳng định là đã cho ông Dương Thông rất, rất nhiều tiền. ấy hẳn là món thù lao cho việc ông Dương Thông đã 2 lần cứu ông Tâm ra khỏi trại giam, thêm nữa, đón rước ông Tâm đi tới tất thảy những lầu cao thềm rộng từ dinh cơ bà Tướng Nguyễn Thị Ðịnh tới Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng, từ nhà riêng các vị chóp bu Nhà nước xuống tới đám quan chức kề cận, để bàn định những đại sự như bán kho vũ khí Long Bình, bán dầu thô và những nguyên liệu khác ... Như vậy tôi có trong tay bằng chứng về người tiền nhiệm của ông, gương mặt tiêu biểu cho quyền lực của chế độ này. Hai băng ghi âm đó đã được chuyển tới 3 nước: Pháp, Tiệp, Mỹ. Nếu các ông đủ lực xin cứ việc truy tìm. Nhưng tôi không tin điều ấy. Các ông không có tiền. Nhân viên sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đơn thuần là bọn buôn lậu, quay cuồng trong cơn lốc cóp nhặt đô la. ở nước ngoài, các ông bất lực. Còn ở đây, các ông có thể. Giờ các ông có thể tiếp tục tổ chức tai nạn xe máy để kẹp chết tôi, có thể đầu độc tôi, có thể làm bất cứ một điều gì khác nữa nhưng vào thời điểm tôi chết, chắc chắn phải có kẻ đồng hành. Không tức thời, nhưng sớm hay muộn cũng sẽ có. Và thêm nữa, những người thân của tôi ngoài biên giới sẽ lần lượt công bố các cuốn băng kia.
Cả 2 người đàn ông lặng thinh rồi một người mở chai nước, một người mời tôi ăn nho. Họ hỏi tôi về sức khoẻ, con cái, nhà cửa ... làm như là một cuộc tán gẫu giữa mấy người hàng xóm. Tuy nhiên, tôi chẳng phải là một đứa bé nên tôi hiểu cái thái độ người thường gọi là: đánh trống lảng ... ấy. Bất cứ kẻ đạo đức giả nào cũng sợ sự thật. Tất thảy mọi quốc gia, mọi thể chế đều có bọn đạo đức giả. Nhưng chắc chắn, không ở đâu con người buộc phải trở thành đạo đức giả như ở đây, một xứ sở mang xiềng xích của 2 thể chế : Phong kiến và Cộng sản.
Trước khi về, tôi nói thêm :
- Xin nhắc lại rằng, tôi đứng trước guồng máy của các ông chỉ là trứng chọi đá. Nhưng vì đã dấn thân vào cuộc chơi này, tôi bắt buộc phải học lấy vài món nghề của các ông. Vậy, các ông theo rõi tôi, tôi cũng theo rõi lại các ông. Tôi biết ông (Năm Huy) thường uống rượu ở đâu, chơi gái ở đâu. Trong hội Quý Mùi (những người sinh năm 1943) ông vẫn tụ họp với những ai và đem theo loại rượu nào. Thành thực mà nói, trên phương diện này, đôi khi trứng còn mạnh hơn đá. Các ông rất nhiều tiền, các ông thèm khát sống, thèm uống rượu Tây, thèm chơi gái, thèm xây nhà lầu ... Tôi là kẻ phá sản, tôi không uống rượu, cũng không chơi điếm, tôi có thứ sức mạnh mà sư tổ của các ông thường vẫn gọi "sức mạnh của giai cấp vô sản". Riêng về luận điểm này, tôi thấy Mác đúng. Bởi vì, nói một cách sòng phẳng, với tất cả những thèm muốn ấy các ông sợ chết hơn tôi.
Ðó cũng là lời giã biệt. Sau đấy, tới cuộc gặp mặt giữa tôi và Dương Thông. Họ không xuất hiện nữa. Chỉ có người phục vụ mang tới một đĩa nho và mấy chai nước. Vẫn trong căn phòng 15 Trần Bình Trọng ...
Tôi không kể lại cuộc thanh toán giữa tôi với Trung tướng Dương Thông. Thực chất, đó chỉ là một trận nhục mạ kẻ vốn thường quen nhục mạ nhiều đám đông khác, một cơn giải toả tâm lý. Với tôi, thế là ổn. Tuy nhiên, tôi ghi băng cuộc gặp gỡ đó, đem về cho vợ chồng ông Kiến Giang nghe. Ông Kiến Giang là một trong những nạn nhân của chế độ, đã ngồi tù hơn một thập kỷ vì Xét Lại ... Ông ấy cần được nghe để xoa dịu phần nào những năm tháng đau khổ. Vợ ông ấy cùng cần nghe để bớt chút căm hận vào những năm tháng nuôi con một mình. Ông Dương Thông là thủ phạm trực tiếp của hàng trăm gia đình như thế, nhưng tôi không có khả năng làm công tác tuyên truyền. Sự việc dừng ở đó, vào mùa Xuân năm 1992.
Từ đó tới nay hơn một thập kỷ đã qua. Tôi vẫn được bình yên, phải chăng nhờ ơn phước của hai cuốn băng ghi âm kia ? ... Dẫu sao người ta cũng phải cố vá víu tấm màn che sân khấu.
Giờ đây, thời gian đã đủ hiệu lực. Nhân dịp người ta thoá mạ tôi, gọi tôi là kẻ tự nguyện làm tôi tớ cho ngoại bang, tôi công bố sự thật thứ nhất, tôi cung cấp cho công luận một ví dụ hết sức tiêu biểu cho cái hình ảnh tôi tớ cho ngoại bang: Ông Bùi Duy Tâm tuy không mắt xanh, mũi lõ nhưng là công dân Mỹ, sống ở nước Mỹ, tiêu tiền Mỹ. Với những nắm đô-la, ông Tâm đã sai khiến được Trung tướng Dương Thông làm những việc khó khăn hơn ngàn lần những công việc tôi tớ như giặt ga giường, cọ toilettes ... Ông Tâm rất biết làm ông chủ và Trung tướng Dương Thông cũng là kẻ làm tôi tớ cho ngoại bang một cách hào hứng và xuất sắc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, không chỉ có những tên tôi tớ đơn độc, tôi tớ trên danh nghĩa cá nhân. Còn có những đám tôi tớ, thứ tôi tớ tập thể, tôi tớ bầy đàn, một thứ tôi tớ chung lưng đấu cật để làm những trọng trách tôi tớ. Vì là một số đông nên những tên tuổi chen chúc trong sự chật trội, nhù nhoà, những gương mặt chồng chéo lên nhau để tạo ra một mớ hỗn độn, những hình ảnh chập trùng, xáo trộn, để tạo ra một mù mờ khối lớn - vừa hù doạ người khác vì thể tích kềnh kàng, vừa bất khả duy danh.
Lãnh đạo tập thể, làm chủ tập thể và tập thể làm chủ.
Thật đúng là trò chơi chữ, đánh tráo khái niệm của kẻ gian manh.
Người dân Việt Nam hẳn đã quá đủ trải nghiệm để hiểu rằng: tập thể làm chủ có nghĩa rằng không ai làm chủ thực sự hết, không một cá nhân nào chịu trách nhiệm thực sự trước toàn thể dân chúng cũng như trước lịch sử mai sau. Bởi thế, người ta có thể nhân danh làm chủ tập thể để tàn phá tài sản quốc gia, để bán đất đai mồ mả của xứ sở, để đẻ ra những công trình vô hiệu lực nhằm hớt lấy những món tiền khổng lồ rót vào những tài khoản riêng ở các ngân hàng ngoài nước. Rồi sau đó, để cho cái tập thể làm chủ kia chịu hầu toà. Nhưng cả cái làm chủ tập thể lẫn cái tập thể làm chủ kia đều vô danh vô tính vô dạng vô hình. Chúng chỉ là thứ trò chơi chữ để đánh tráo các khái niệm, tạo ra một thứ mê cung để hù doạ đám người có chữ và lừa mị dân đen.
Vì vậy, tôi xin trở lại với lối nói dân gian, với một tính cách đậm đà bản sắc dân tộc. Người nhà quê xứ Việt có câu : "Ăn cơm muối, sờ đầu gối, nói thật"
Tôi không hay ăn muối mà ăn nước mắm và không cần phải làm dấu phép sờ đầu gối, tôi cũng có thể dễ dàng nói lên một sự thật. Một sự thật hiện diện từ 3 năm nay, khoảng trên dưới một ngàn ngày, ngự trị trong đời sống tinh thần của hơn 70 triệu người dân Việt Nam như một cơn ác mộng kéo dài, như một nỗi đau không giải thoát, như căn bệnh hiểm ác không phương cứu chữa. Ðó là cơn ác mộng - là nỗi đau phải che giấu - là nỗi nhục nhã phải ghìm nén - là mối căm thù phải nguỵ trang - của một dân tộc bị tước đoạt, một dân tộc một lần nữa chấp nhận thân phận chư hầu dâng cống đất đai cùng lãnh hải cho Vương triều phương Bắc.
Có những cái tên giờ đây vang lên trong lòng người dân như tiếng tù và âm u xa xôi của lịch sử, như tiếng gươm khua giáo động ngàn năm vọng lại: thác Bản Giốc, suối Phi Khanh, hang Pắc-bó và hàng trăm các địa danh các bản làng chạy dọc theo biên thuỳ Tổ Quốc. Bản Giốc, ấy là một danh lam. Nước Việt mai sau muốn mở mang du lịch thì phải có các danh lam. Suối Phi Khanh, ấy là con suối huyền thoại vì tương truyền nó khởi nguồn từ những dòng nước mắt ly biệt của cha con Phi Khanh - Nguyễn Trãi, một kỷ niệm được biểu tượng hoá củng cố cái lâu đài ký ức về tinh thần yêu nước của người Việt. Bây giờ, nói như ông Trần Dũng Tiến, một trong những người lính già Quyết tử quân giữ thành Hà Nội trong cuộc chiến tranh chống Pháp năm 1946: Bây giờ muốn nhìn thấy suối Phi Khanh thì phải sang Tàu ...
Vậy thì, kẻ Tôi tớ cho ngoại bang nào đã cắt đất, cắt biển của non sông (không gấm vóc mà nghèo khổ lầm than nhưng là non sông của chúng ta, xương cốt của Tổ Tiên ta đắp lên bao nhiêu tầng trên mỗi tấc đất biên thuỳ). Kẻ Tôi tớ nào đã cắt đất đai, lãnh hải để dâng lên Vương triều phương Bắc ?...
Cái tập thể làm chủ nào vậy ?
Cái tập thể làm chủ ấy bao gồm 11 hay 13 nhân mạng, 11 hay 13 súc thịt khoác complet và thắt cravate, 11 hay 13 đôi giầy đen bóng nhoáng dưới chân, 11 hay 13 khuôn mặt vuông tròn, dài ngắn, nhăn nheo hay bự mỡ, lưỡi cày hay quả trám, 11 hay 13 cái đầu đen, bạc hay hoa râm ...
Một khối hình ảnh nhập nhoạng mù mờ, một khối nói cười nham nhở, một khối quan dạng lấm lét ...
Một tập thể Tôi tớ cho ngoại bang.
Người Việt vốn ưa sự cụ thể, vì chưa có thói quen tư duy trừu tượng. Tôi đã làm một việc cụ thể là cung cấp cho bạn đọc 2 ví dụ về khái niệm Tôi tớ cho ngoại bang. Mai sau khi dạy dỗ con cháu chúng ta về tinh thần yêu nước, sách giáo khoa có thể cho thêm 2 ví dụ điển hình cho thời đại này :
- Một kẻ có danh tính rõ ràng là Trung tướng Dương Thông.
- Một Tập thể tôi tớ được gộp chung trong cái danh từ mơ hồ này: Bộ Chính trị - Vì những kẻ bán mình cũng phải có thứ chính trị của nó.
Người đọc có thể sẽ hỏi tôi :
- Còn cuốn băng ghi âm thứ 2, cái sự thật thứ 2 ?
Tôi xin trả lời:
- Theo quy luật chương hồi, nó còn phải ẩn mình trong bóng tối.
Dương Thu Hương
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2002.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire