1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

lundi 14 mai 2007

Hoàng-Sa và Trường-Sa là lãnh-thổ của Việt-Nam

Hoàng-Sa và Trường-Sa là lãnh-thổ của Việt-Nam

1-5-2007

Trang số:10

Trương Nhân Tuấn


LTS : Nhân việc tuần qua Trung-Quốc lên tiếng cảnh-cáo Việt-Nam về vấn-đề đặt ống dẫn gaz tại vùng biển Đông, gần quần đảo Trường-Sa; Trung-Quốc cho rằng Việt-Nam đã “xâm-phạm chủ-quyền của Trung-Quốc”. Tòa-soạn Tổ-Quốc quyết định trích đăng lại tài-liệu sau đây nhằm mục-đích cho mọi người thấy sự lên tiếng của Trung-Quốc là hoàn-toàn sai-trái, không căn-cứ. Thực-tế Trung-Quốc không có thẩm-quyền gì ở vùng biển Đông thuộc chủ-quyền của Việt-Nam. Trung Cộng đã chỉ thành-công trong việc đặt chân tại vùng này (Trường-Sa) phần lớn là do các lãnh-đạo CSVN trong quá-khứ và hiện-tại.

Tài-liệu này trích từ chương thứ 6 của quyển « Biên-Giới Việt-Trung 1885-2000 » của tác-giả Trương Nhân Tuấn. Nguyên-bản là tập tài-liệu bằng Pháp-ngữ có tựa đề « Les Archipels Hoang-Sa et Truong-Sa Territoire Vietnamien » do Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam phát-hành 1981, lưu-trữ tại Trung-Tâm Văn-Khố Hải-Ngoại Pháp (CAOM, Aix-En-Provence, Pháp-Quốc) dưới mã-số Br 14.279.

( Tiếp theo Tổ Quốc số 15 )

- Theo Ðại-Nam Thực-Lục Chính-Biên, lịch-sử của nhà Nguyễn, viết năm 1848, Trương Phúc Sĩ là Ðội-Trưởng, sau khi lãnh sứ mệnh đi Hoàng-Sa để lấy địa-hình thì trở về có tâu lên vua Minh-Mệnh rằng Hoàng-Sa “được kết-tạo do những dải cát ở ngoài khơi và kéo dài vô-định”.[1]

Những bộ sách khác viết dưới thời nhà Nguyễn như Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821), Hoàng-Việt Ðịa-Dư Chí (1833), Việt-Sử Cương Giám Khảo Lược (1876) đều diễn-tả Hoàng-Sa với những chi-tiết tương-tự.

Vì biết rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa có nhiều hải-sản quí-giá và nhiều hàng-hóa do những thuyền buôn bị đắm trôi dạt vào, cho nên các triều-đại của Việt-Nam từ thời xa xưa ấy đã tổ-chức để gây huê-lợi các nơi đây, biểu-lộ vì thế tính chủ-quyền của quốc-gia Việt-Nam tại các nơi đó. Có nhiều sách về lịch-sử và địa-dư của Việt-Nam đã ghi-nhận một cách rất rõ-rệt việc tổ-chức và cách-thức sinh-hoạt của các công-ty Hoàng-Sa có nhiệm-vụ làm huê-lợi tại các đảo này.

- Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư (thế-kỷ 17) có viết đại-ý:

“Mỗi năm vào tháng cuối của mùa Ðông, chúa Nguyễn gởi ra Bãi Cát Vàng một đội thuyền gồm 18 chiếc để thu-nhặt hàng-hóa, vì thế có được một số-lượng vàng, bạc, tiền, súng-ống và đạn dược.”

- Phủ-Biên Tạp Lục (1776) ghi đại-ý:

“Thời nhà Nguyễn có thành-lập công-ty Hoàng-Sa gồm có 70 người, thuộc làng An-Vĩnh, tuyển theo lối luân-phiên. Mỗi năm, vào tháng 3, công-ty được lệnh chuẩn-bị lương-thực trong 6 tháng, gồm 5 chiếc thuyên giong buồm đi ra đảo. Phải mất 3 ngày 3 đêm đi thuyền mới đến. Ở đây đi săn và đi đánh cá thỏa-thuê. Công-ty thu-nhặt những hàng-hóa của những thương-thuyền bị đắm gồm có: dao-kiếm, tiền-bạc, vòng-kiền bạc, đồ-vật bằng đồng, những thỏi kẽm, chì, súng, ngà voi, sáp vàng, đồ sứ, vải-vóc bằng len cũng như vãy rùa, vỏ đồi-mồi, hải-sâm, những hạt trai ở trong loại sò-ốc có màu sắc rực-rỡ. Ðến tháng 8 cùng năm thì đoàn thuyền trở về cập bến Cửa Eo để giao những phẩm-vật thu được vào thành Phú-Xuân. Những hàng-hóa sau khi cân-lượng, khảo-sát và định-giá và xếp loại tùy theo giá-trị. Sau đó người ta có thể bán để lấy tiền. Riêng những phẩm vật như hải-sâm, đồi-mồi, sò-ốc, nhận giấy chứng-nhận và được trở về nhà...”

“Nhà Nguyễn cũng cho thành-lập công-ty Bắc-Hải nhưng không xác-định công việc của công-ty này. Người ta tuyển người làng Tu-Chính thuộc phủ Bình-Thuận, hoặc ở làng Cảnh-Dương. Những người tình-nguyện khi đã nhận được lệnh công-tác thì được miễn các thứ thuế. Những người này xuống thuyền để đi về Bắc-Hải, những đảo Côn-Lôn, những đảo thuộc vùng Hà-Tiên, để đánh bắt rùa, đồi-mồi, bào-ngư, hải-sâm. Chỉ-huy trưởng công-ty Hoàng-Sa cũng là chỉ-huy trưởng của công-ty Bắc-Hải”.

- Ðại-Nam Thực-Lục Chính Biên (1844) viết đại-ý:

“Trong những ngày đầu trị-vì, nhà Nguyễn đã thành-lập công-ty Hoàng-Sa gồm 70 người, tuyển từ dân làng An-Vĩnh. Mỗi năm, vào tháng thứ ba, những người này xuống thuyền giong buồm ra khơi. Phải mất ba ngày ba đêm mới đến nơi. Họ thu nhặt hàng-hóa, đến tháng tám thì trở về và giao nộp những hàng-hóa này. Cũng có công-ty Bắc-Hải tuyển người ở làng Tu-Chính, thuộc phủ Bình-Thuận, hay ở làng Cảnh-Dương. Công-ty này giong thuyền ra Bắc-Hải, Côn-Lôn để thu-nhặt hàng-hóa. Công-ty này cũng được đội-trưởng của công-ty Hoàng-Sa điều-khiển.”

- Sau thời chúa Nguyễn, nhà Tây-Sơn mặc dầu bận-rộn với sự quấy-nhiểu liên-tục của nhà Thanh và Xiêm-La, cũng nhận thấy sự hữu-dụng ở các đảo nên vẫn giữ nguyên các công-ty Hoàng-Sa. Trong những tài-liệu tìm thấy được, người ta có thể nhắc đến lệnh đại-khái sau đây của quan Thượng Tướng Công:

“Lệnh cho Hồi Ðức Hầu thuộc công-ty Hoàng-Sa dẫn 4 thuyền ra Hoàng-Sa và những đảo khác để thu-nhặt những đồ vật bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng và những khẩu đại-bác lớn nhỏ cũng như các loại rùa có vảy, đồi-mồi, các loại cá quí sau đó đem những phẩm-vật này về kinh-đô như tập-tục ngày trước.”

Vì thế dưới thời Tây-Sơn, chính-quyền nước Việt-Nam tiếp-tục thâu-hoạch huê-lợi tại Hoàng-Sa va thiết-lập chủ-quyền của Việt-Nam tại đó.

- Từ khi lên ngôi năm 1802 cho đến khi ký hiệp-ước bảo-hộ với Pháp 1884, những vị hoàng-đế nhà Nguyễn liên-tục có nhiều hành-động để củng-cố chủ-quyền của Việt-Nam tại Hoàng-Sa và Trường-Sa.

Năm 1815 hoàng-đế Gia-Long phái Phạm Quang Ảnh cầm đầu công-ty Hoàng-Sa lãnh sứ-mạng tìm hiểu lộ-trình hàng-hải đi ra Hoàng-Sa. [2]

Năm 1816 hoàng-đế Gia-Long ra lệnh cho thủy-binh và công-ty Hoàng-Sa đi ra đảo Hoàng-Sa để nghiên-cứu lộ-trình đi đến Hoàng-Sa. [3]

Năm 1833 hoàng-đế Minh-Mệnh ra lệnh cho bộ Công chuẩn-bị thuyền-bè và người để ra Hoàng-Sa vào năm tới nhằm xây một đền thờ, dựng một bia và trồng cây.[4]

Năm 1834 hoàng-đế Minh-Mệnh gởi ra Hoàng-Sa đội thủy-quân gồm khoảng 20 người, đội-trưởng là Trương Phúc Sĩ để làm công-tác lấy địa-hình.[5]

Năm 1835 hoàng-đế Minh-Mệnh ra lệnh cho Ðội-Trưởng thủy-quân Phạm Văn Nguyên đem quân và nhân-công thuộc hai tỉnh Quảng-Ngãi và Bình-Ðịnh ra đảo Hoàng-Sa cùng với vật-liệu để nhằm xây-dựng tại đó một ngôi đền. Một tấm bia được dựng phía bên trái và một tấm chắn gió dựng phía trước ngôi đền.[6]

Năm 1836 hoàng-đế Minh-Mệnh chấp-thuận một đề-nghị của bộ Công, ra lệnh cho Ðội-Trưởng thủy-quân Phạm Hữu Nhật đem một số chiến-thuyền ra Hoàng-Sa để làm công việc trắc-địa. Công-tác này được ghi lại qua Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên đại ý như sau:

“Tất-cả những hải-đảo được thăm viếng, dầu là đảo nhỏ hay dải cát, đều được thám-hiểm và được mô-tả chính-xác chiều dài, chiều rộng, diện-tích và chu-vi, độ sâu của vùng biển chung-quanh, những khó-khăn hay dễ-dàng lúc tàu bè gặp phải lúc cặp bến. Tất cả được đo-đạc và được trình bày trên bản-đồ. Mặt khác, cũng phải ghi rõ bến khởi-hành, phương-hướng và chiều dài ước-lượng bằng dặm. Ðồng thời phải định-vị các đảo đã cặp bến so với bờ trên đất liền bằng cách xác-định tên, tọa-độ, phương-hướng của phủ, huyện đối-diện hay ở kế bên và ước-lượng độ dài của đảo đối với bờ trên đất liền bằng dặm. Tóm lại, tất cả đều được ghi-chép, mô-tả chi-tiết tỉ-mỉ để trình lên hoàng-đế.”

Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên cũng ghi rằng những cột mốc gỗ do Ðội-Trưởng Phạm Hữu Nhật đem theo để cắm trên các đảo được viết những chữ có ý-nghĩa như sau:

“Vào năm Bính-Thân, tức triều Minh-Mệnh thứ 17(1836), Ðội-Trưởng Phạm Hữu Nhật lãnh chiếu-chỉ ra đảo Hoàng-Sa để phụ-trách việc lấy trắc-địa, đến nơi đây để cắm mốc nầy để ghi-nhớ muôn đời”.[7]

- Những hoàng-đế nhà Nguyễn không những chỉ để ý về chủ-quyền và lợi-lộc của Hoàng-Sa và Trường-Sa mà còn lo-ngại cho sự an-ninh của thuyền-bè các nước khác đi ngang qua vùng biển này. Năm 1833 hoàng-đế Minh-Mệnh ra chiếu lệnh cho bộ Công, có nội-dung như sau: Lãnh-hải đối-diện vùng tỉnh Quảng-Ngãi là những đảo Trường-Sa trải dài bao-la mút mắt mà nơi đó bầu trời lẫn-lộn với nước biển có chung một màu, người ta không biết được mực nước tại đây nông hay sâu. Thời-gian gần đây có nhiều thương-thuyền bị đắm. Vì thế bắt đầu từ bây giờ chuẫn-bị thuyền lớn để vào năm tới “gởi người đến đó để trồng cây. Cây-cối khi lớn lên trở thành rừng, cho phép những nhà hàng-hải trông thấy dễ-dàng vùng đá ngầm nầy và tránh xa. Ðây là một công-việc mà các thế-hệ tương-lai sẽ hưởng được kết-quả.”[8]

Ðây chắc-chắn là một hành-động biểu-lộ trách-nhiệm của vị chủ-tể quốc-gia về lãnh-thổ của nước mình đối với các thương-thuyền ngoại-quốc. Việc này cho thấy đích-thực Hoàng-Sa và Trường-Sa hiển-nhiên là một phần lãnh-thổ của Việt-Nam.

Những bộ cổ-sử và địa-chí của Việt-Nam cũng như những lời ghi-nhận của các nhà hàng-hải hay truyền-giáo Tây-Phương ghi trên, cho thấy rằng từ lâu, và trải dài nhiều thế-kỷ, từ triều-đại nầy sang triều-đại khác, quốc-gia Việt-Nam đã làm chủ một cách liên-tục hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Sự có mặt đều-đặn của của công-ty Hoàng-Sa do nhà-nước thành-lập tại hai quần-đảo này để thi-hành công-việc trong thời-gian 5, 6 tháng mỗi năm, là một bằng-chứng không thể phản-biện việc hành-sử chủ-quyền của quốc-gia Việt-Nam tại hai quần-đảo nầy. Việc quốc-gia Việt-Nam chiếm-hữu cũng như khai-thác huê-lợi hai quần-đảo nầy chưa bao giờ gặp sự chống-đối của bất-kỳ một nước nào, kể cả nước Trung-Hoa. Việc này cũng là một bằng-chứng cho thấy đã từ lâu, Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc lãnh-thổ nước Việt-Nam.


Trương Nhân Tuấn




[1] Quyển 122, kỳ 2.
[2] Quyển 50, kỳ 1.
[3] Quyển 52, kỳ 1.
[4] Quyển 104, kỳ 2.
[5] Quyển 122, kỳ 2.
[6] Quyển 154, kỳ 2.
[7] Quyển 165, kỳ 2.
[8] Quyển 104, kỳ 2.

Trang Nhà

Trang số :
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

Aucun commentaire: