1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

mardi 22 mai 2007

cs: BÁC HỒ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Chủ Tịch Hồ Chí Minh thăm tặng hoa cho các diễn viên đoàn văn công Nam bộ sau buổi biểu diễn (18/03/1967)

BÁC HỒ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN ĐỒNG NAI

T.S HUỲNH VĂN TỚI(*)

Các vĩ nhân thường để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của quốc gia, dân tộc. Nhưng, hiếm có lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Người đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của mọi người Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam tạc tượng Bác Hồ kính yêu trong lòng mình "Hơn tượng đồng phơi những lối mòn "(Tố Hữu). Hình ảnh Bác Hồ là nơi gặp gỡ, thống nhất niềm tin của cộng đồng các dân tộc; nhưng mỗi nơi, mỗi vùng, mỗi cộng đồng có cách nghĩ, cách hiểu của mình mang màu sắc phong tục tập quán của địa phương.

Nhân dân miền Nam không được may mắn đón Bác vào thăm. Dù chưa được tiếp kiến, dù ít có hiện vật lưu niệm, nhưng đồng bào miền Nam đã có trái tim, lòng tin và trí tưởng tượng đến với Người. Ở đây hình ảnh của Người thật lung linh, đẹp đẽ. Về mối quan hệ giữa Bác Hồ với miền Nam và miền Nam với Bác Hồ, sách báo viết đã nhiều; nhiều nhưng chưa đủ, chưa thỏa lòng. Có một niềm sâu thẳm trong tâm linh của người miền Nam hướng về Bác còn ít được biết đến.

Riêng đối với người Đồng Nai cũng vậy, Đồng Nai là máu thịt của miền Nam, có cùng tấm lòng và niềm tin của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ, trong đó cũng có những dáng nét riêng của vùng đất "Miền Đông gian lao mà anh dũng" cần được lưu ý.

Cộng đồng người Việt hình thành ở Đồng Nai cách đây khoảng 300 năm, do nhiều đợt di dân từ miền Bắc, miền Trung Việt Nam và Hoa Nam Trung Quốc. . . . với nhiều lý do khác nhau. Cuộc sống tha hương ở vùng đất mới, luôn phải đấu tranh với tự nhiên, với giặc ngoại xâm, khiến con người phải nương tựa nhau, cùng tìm chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống. Người ta tin tưởng và thờ cúng tất cả những ai đem lại lợi ích, bình an cho cộng đồng: từ những vị phiếm thần, các “mẹ sanh mẹ độ” đến những anh hùng dũng sĩ mang theo từ cố hương hoặc nảy sinh từ bổn xứ. Cuộc sống nô lệ quá dài, quá khổ bởi thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ thôi thúc người Đồng Nai tìm đến một biểu tượng chung để mà tin mà sống và chiến đấu. Những Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Trương Định v.v... đã thất.bại trong kháng Pháp, nhân dân địa phương thương tiếc lập đền thờ nhưng lòng vẫn uất ức không nguôi và mong đợi một hình bóng khác có thể nương tựa, tin tưởng. Cho nên, khi xuất hiện hình ảnh Bác Hồ, người Đồng Nai vừa bắt gặp một lãnh tụ tài giỏi để mà theo, vừa chọn được một “nhân thần” để gởi gắm lòng tin. Khó mà phân biệt rạch ròi thái độ của người dân Đồng Nai đối với Bác Hồ; một mặt là sự tận hiến về vật chất theo lệnh của lãnh tụ để giải phóng dân tộc, một mặt là sự “nạp vào” những năng lượng tinh thần để xác lập niềm tin và những chuẩn mực giá trị mới trong đời sông tinh thần của mình: một bên là tư duy duy lý, một bên là tín ngưỡng dân gian. Hai mặt thúc đẩy, bồi đắp cho nhau thành sức mạnh lớn hơn khả năng hiện có.

Người dân Đồng Nai coi Bác Hồ là biểu tượng tinh thần không phải bắt nguồn từ mệnh lệnh, quyền uy mà xuất phát từ tấm lòng. Trước hết từ tấm lòng của Bác. Sự quan tâm, đồng cảm của Người khiến cho người Đồng Nai xúc động và từ đó khơi dậy những động lực tinh thần. Khi xa Tổ quốc, Người vẫn thấu hiều hoàn cảnh của phu làm muối ở Bà Rịa, cảm thông, chia sẻ “nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ” (1). Để bảo vệ lợi ích và danh dự của nhân dân Biên Hòa, Người vạch trần thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp trong việc xây “Đài Kỷ niệm” gọi là “tưởng niệm các chiến sĩ vong thân vì mẫu quốc Đại Pháp”.

Đêm 31/10/1964, quân dân Đồng Nai lập chiến công vang dội ở sân bay Biên Hòa, mười hai ngày sau, Bác có bài viết và thơ chung vui đăng báo Nhân dân:

… Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tung cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng

Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu

Những nghĩa cử ấy chứng tỏ Bác Hồ vẫn luôn bên cạnh người Đồng Nai, rất gần gũi và cụ thể; trái tim Người hòa nhịp cùng niềm vui, nỗi lo của đồng bào. Tấm lòng của một lãnh tụ như vậy được nhân dân Đồng Nai trân trọng và sẵn sàng đền đáp. Người làm muối ở Bà Rịa luôn có bàn thờ Bác trong nhà kể cả lúc chiến tranh ly tán. “Đài Kỷ niệm” Biên Hòa do Pháp xây dựng vì mục đích mị dân được nhân dân bảo vệ, tôn tạo di tích để tưởng nhớ sự quan tâm của Người; bốn câu thơ “Uy danh lừng lẫy năm châu... " được nhũ vàng lấp lánh trên Tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa như đã khắc sâu vào tâm trí mọi người.

Do không có điều kiện giao tiếp với Bác, nhất là trong hai cuộc kháng chiến, hình ảnh Bác Hồ tồn tại trong lòng người Đồng Nai chủ yếu qua lòng tin và trí tưởng tượng. Từ một số bức ảnh hiếm hoi trên báo, trên tín phiếu, từ lời kể của một ít người may mắn được gặp Bác, nhân dân Đồng Nai hình dung Bác Hồ là một “ông già tiên” với những đặc điểm ngoại hình đẹp nhất và hoàn hảo nhất. Thói quen thần thánh hóa nhân vật anh hùng của nhân dân đã dành cho Bác Hồ vẻ đẹp vừa “nhân tính” (ông già) vừa "thánh tính" (tiên), vừa thiêng liêng vừa gần gũi. Sách vở, tư liệu về Bác đến với người Đồng Nai chậm hơn con đường truyền khẩu. Những chuyện kể có thật về Bác được truyền khẩu, được dân gian hóa, được óc tưởng tượng của người bình dân thêu dệt thành những truyện kể, truyền thuyết khiến nhiều người thuộc lòng hình ảnh của Người, từ việc “ăn cháo bẹ rau măng” ở hang Pắc Bó đến thái độ ân cần đối với các anh hùng dũng sĩ và các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết. Trong chiến khu hoặc ở vùng địch tạm chiếm, truyện kể về Bác Hồ luôn là một món quà quý báu. Khi kể chuyện về Bác cũng là khi người ta truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và chí hướng theo con đường của Bác.

Nhân dân miền Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng thường bị địch khủng bố, xuyên tạc, cách ly với Cộng sản cho nên thông tin lý luận về cách mạng, về đấu tranh giải phóng dân tộc... nhiều khi mơ hồ, không đầy đủ. Những lúc ấy, hình ảnh Bác Hồ trong tim thay cho tất cả. Người như có mặt ở khắp mọi tấm lòng, trong mọi phút mọi giây, trong ngục tù, giữa pháp trường, bên công sự, bên bãi pháo... Những bà mẹ anh hùng xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) tiễn chồng con đi tòng quân, lý lẽ rất đơn giản: đi theo Cụ Hồ là đi với cái đúng, không tiếc gì hết! Một chiến sĩ du kích ở chiến khu Đ bị lính Pháp mổ bụng vẫn không ly khai Cụ Hổ. Một em bé giao liên xã Lạc An (huyện Tân Uyên) bị bắn thả trôi sông tay vẫn ghì chặt ảnh Bác Hồ. Rất nhiều tấm gương hy sinh, trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn hô vang tên Bác. Ở xă Xuân Mỹ (huyện Long Khánh), có một con đường mòn dân gian gọi là đường Hồ Chí Minh bởi vì những chiến sĩ cách mạng qua con đường này đến bãi bắn thường gọi vang tên Người; đồng chí Ngô Bá Cao - Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa bị kết án tử hình năm 1959, chuẩn bị lên máy chém bằng niềm tin mãnh liệt ở Người:

Lời Bác còn đây dạ sắt son

Còn dân, còn Đảng còn non nước

Con vẫn bên cha mãi mãi còn...

(Nhớ Bác khi lãnh án tử hình)

Nhiều hình ảnh xả thân vì Tổ quốc, trung thành với lãnh tụ như thế kể ra không hiếm: đời nào, ở đâu cũng có. Điều đáng lưu ý ở đây là hình ảnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành động lực bên trong để thúc đẩy con người hành động. Thực tế hình ảnh Bác Hồ từ cuộc đời thực đã đi vào sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Đồng Nai một cách tự nhiên và sinh động, chính ở đây mới thấy rõ nhất lòng dân đối với Bác Hồ.

Trong tâm thức của người Đồng Nai, Bác là hiện thân của cái đúng, cái đẹp, cái cao quý. Bác luôn ở phía trước để vươn đến nhưng cũng luôn ở bên cạnh để chia sẻ, bày tỏ. Bác vừa gieo ân đức cho gia đình (được thờ trong nhà), vừa là vị cứu tinh của dân tộc (được thờ cúng ở cộng đồng). Sự xa cách về không gian khiến cho người Đồng Nai trân trọng, thành tín đối với bất cứ hiện vật gì liên quan đến Bác Hồ. Chiếc đồng hồ Bác tặng đồng chí Lê Ngọc Bạch năm 1959 không chỉ là vật lưu niệm riêng của gia đình mà trở thành bảo vật của cộng đồng được rước vào lưu giữ trang trọng tại nhà Bảo tàng Đồng Nai. Thơ chúc Tết của Bác được các cụ già chép cẩn thận đặt ở án thờ. Thiếp chúc Tết có in thơ Bác năm 1968 và ảnh Bác. In trên báo từ năm 1949 được bác nông dân Nguyễn Văn Dực (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cất gia và xem đó quý hơn sinh mạng của mình. Má Nguyễn Thị Hầu ( xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) “thờ sống Cụ Hồ” bằng một tờ tín phiếu có ảnh Bác. Tín phiếu cách mạng phát hành năm 1949 có in ảnh Bác được nhân dân Đồng Nai tin dùng, đến mức “còn sợi râu Cụ Hồ cũng xài”.

Bàn thờ Bác trong nhà là hiện tượng phổ biến. Gia đình của người Việt ở Đồng Nai có tập quán thờ ông bà và những vị thần có liên quan đến bổn mạng của mình: Táo quân bảo trợ việc bếp núc, các nữ thần là mẹ sanh mẹ độ, ông địa , thần tài phụ trợ việc làm ăn... Từ khi Bác mất, nhiều gia đình có thêm bàn thờ Bác với ý nghĩa Bác vừa là Cha già, vừa là người đem hạnh phúc cho gia đình. Để tránh tai mắt địch, bàn thờ thường đặt ở giữa nhà như là thờ tổ tiên, có người dùng tín phiếu làm ảnh thờ như má Hầu - Phước An, có nhà viết tên Bác bằng chữ Hán vào bài vị để kín đáo đâu đó trên bàn thờ, đa phần thay hình ảnh tên tuổi bằng chữ Phước (Hán tự ) ngầm hiểu Bác Hồ bảo trợ cho phước đức của mọi người. Gia đình của một số ngụy quân cũng thờ và hương khói cho Bác. Có một hiện tượng dễ thấy: nhiều tên địch hống hách, ngổ ngáo réo tên cả quan thầy của chúng ra chửi , nhưng không hề dám xúc phạm đến tên tuổi Bác Hồ; có kẻ cúi đầu trước bàn thờ truy điệu Bác một cách thành kính. Sau ngày miền Nam giải phóng, việc thờ cúng Bác được công khai, ảnh Bác Hồ thường được treo trang trọng phía trên bàn thờ chính trong nhà.

Trong sinh hoạt cộng đồng, người Việt ở Đồng Nai có thờ cúng những người có công lớn, đem lại lợi ích thiết thực cho dân làng. Ở đình thờ thành hoàng bổn cảnh, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ... tuởng niệm những người đã khuất tuy khuyết danh nhưng có công với mảnh đất dân làng đang sống. Những anh hùng dũng sĩ có công đánh giặc, diệt thú dữ cũng được đưa vào thờ trong đình. Với quan niệm như thế, Bác Hồ vị cứu tinh của dân tộc rất xứng đáng được cộng đồng thờ cúng. Những năm chiến tranh việc thờ cúng Bác Hồ ở cộng đồng khó khăn hơn ở gia đình. Nhưng một số đình chùa vẫn kín đáo dành nơi trang trọng thờ Bác Hồ. Đình Long Thọ miếu Cây Vạn (huyện Nhơn Trạch) thờ Bác Hồ dưới hình thức bàn thờ Tiên sư. Chùa Bửu Phong (Biên Hòa) thờ Bác tượng trưng ở bàn thờ hậu tổ. Đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) có sáng kiến độc đáo, tạo 3 bức hoành phi với nội dung:

Hồ nhiên nhi thiên

Chí vọng thâm ân

Minh hoài hậu đức

Ba bức hoành phi này treo rời nhau ở chính điện, dân địa phương đọc 3 chữ đầu câu ngầm hiểu tưởng niệm Bác Hổ, nhưng ngụy quyền đến tế thân hàng năm chẳng thể phát hiện. Sau ngày thống nhất đất nước, việc thờ cúng Bác ở đình miếu được nhân rộng. Năm 1982, đình Hắc Lăng (huyện Châu Thành) làm lễ rước vong linh Bác Hồ và liệt sĩ đưa vào điện thờ, thờ cùng với các thần thánh bổn địa. Cách làm ấy được các đình khác học tập. Hiện nay, nhiều đình lập bàn thờ Bác Hồ ở chính điện xem như là một trong nhiều vị thần được phụng thờ.

Ở đền thờ Hùng Vương (Biên Hòa), Bác Hồ được thờ ở tiên điện như là vị Hùng Vương thứ 19. Ngày lễ chính của đền này là ngày 10/3 âm lịch (giỗ Tổ) và 19/5 dương lịch (sinh nhật Bác). Trong ngày lễ hội tại đền, trước bàn thờ Bác Hồ và Quốc tổ Hùng Vương có đủ thành phần: Đảng viên cộng sản, chính quyền địa phương, phật tử, giáo dân, có cả các chức sắc của Thiên chúa giáo và Phật giáo... Ở đây mối quan hệ đoàn kết toàn dân có chung hạt nhân là Quốc tổ, trong đó mặc nhiên Bác Hồ như là vị Quốc tổ thứ 19.

Người Việt gốc Hoa làm nông nghiệp tại Phú Hòa (Định Quán), Tân Phong (BiênHòa) sau ba mươi năm nghèo khó, từ năm 1990 mới vươn lên khấm khá, tổ chức được lễ cầu an theo phong tục cổ truyền. Lễ cầu an không phụ thuộc vào đình miếu, chùa chiền, không định kỳ, khi sung túc mới thực hiện nhằm tạ ơn thánh thần và cầu được mùa, phát đạt. Trong buổi lễ, cần có một chủ vương ngự ở chánh điện để chứng kiến và làm nhịp cầu nối những tấm lòng thành của dân với các đấng thần linh. Những lần trước, chủ vương được chọn là ông trời (Hoàng Thiên) hoặc Quan Thánh đế. Từ năm 1990, vị chủ vương được chọn là Bác Hồ. Ảnh Bác được rước vào chính điện, đặt ở ngôi chủ vương, hai bên là bài vị của 28 vị thần khác. Lý do chọn Bác Hồ làm chủ trương thật dễ hiểu: Chỉ có con đường của Bác Hồ mới dẫn đến đời sống khấm khá chưa từng có hôm nay.

Trong tâm trí của một số chức sắc phụ trách chùa Phật và nhà thờ Thiên chúa giáo ở Đồng Nai, lúc nào cũng có Bác Hồ bên cạnh giáo dân và phật tử Khi Bác mất, thông cáo của Hội nghị liên tịch giữa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam và các tổ chức nhân dân được truyền đi, nhiều đình chùa ở Đồng Nai hưởng ứng, tổ chức truy điệu Bác bằng cầu siêu, cầu hồn ở chùa, nhà thờ thánh thất. Lễ cầu siêu ở chùa Long Thiền (tổ đình của Phật giáo ở Đồng Nai) có hàng nghìn người đến dự. Hòa thượng Thích Huệ Thành cho rằng: Bác Hồ có cốt cách và đức từ bi của Phật. Ni sư Huệ Hương (trụ trì chùa Bửu Phong) xem Bác Hồ như là một trong “những Giáo chủ của Phật giáo” và luôn nhang khói cho Người. Với linh mục Nguyễn Kim Đoan (giáo xứ Bùi Thượng) Bác Hồ có đức độ gần với Chúa sáng thế, ông luôn có ảnh Bác Hồ trên bàn làm việc và thường trích dẫn lời Bác Hồ để giáo huấn con chiên. Thực hiếm thấy một nhân vật lịch sử cùng được tôn vinh ở các tầng lớp nhân dân và ở các tôn giáo như vậy.

H. T

(*) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

http://www.dongnai-industry.gov.vn/bacho/main_so24.html

Aucun commentaire: