1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

lundi 21 mai 2007

Chuyện quan chức nói dối ở Trung Quốc

Chuyện quan chức nói dối ở Trung Quốc
21.05.2007 03:30



Nguyên bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thành Khắc Kiệt ra tòa vì tội tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ

TT - Mở miệng là nói dối đang trở thành “căn bệnh trầm kha” của nhiều quan chức Trung Quốc hiện nay, đe dọa lòng tin của xã hội. Từ năm 2001-2003, trong số mấy chục ngàn vụ án tiêu cực bị đưa ra xét xử ở Trung Quốc, có đến 60% vụ là do khai man, làm giả số liệu thống kê, báo cáo láo...Mới đây, đề tài quan chức nói dối đã được Nhân Dân Nhật Báo đưa lên diễn đàn trên mạng, được đông đảo công chúng tham gia bày tỏ ý kiến về “căn bệnh” này.


Kỳ 1: “Nói dối không chớp mắt”

Chuyên mục “Diễn đàn nhân dân Trung Quốc” (thuộc hệ thống Nhân Dân Nhật Báo) hồi tháng 2-2007 trong ba số liên tục đã triển khai cuộc thảo luận trên mạng về chủ đề “hiện tượng nói dối trong các quan chức”. Diễn đàn thu hút đông đảo công chúng tham gia, phân tích đằng sau hiện tượng nói dối của nhiều quan chức chính là hành vi tham nhũng, là động cơ thăng quan tiến chức để mưu cầu lợi riêng.

Khi đoàn kiểm tra đi khỏi

Tham gia diễn đàn, các cư dân mạng nhắc lại một thiên phóng sự truyền hình trên chương trình truyền hình “Bàn luận tiêu điểm” của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) năm 2006 nhan đề “Sau khi đoàn kiểm tra đi khỏi”. Phóng sự đưa tin vào tháng 11-2005, Cục Giám sát an toàn Trung Quốc đến kiểm tra tình hình an toàn hầm mỏ ở thị trấn Nam Dương, thành phố Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam thì phát hiện hầu như các hầm mỏ nhỏ mà họ được đưa đến thị sát đều đã đóng cửa.

Tuy nhiên, một ngày sau quay lại, họ phát hiện các hầm mỏ vẫn hoạt động bình thường. Phó thị trưởng Lý Minh từng phát biểu trên truyền hình sẽ thẳng tay trừng trị những trường hợp vi phạm, chủ tịch thị trấn Nam Dương Đàm Ai Dân cho biết thị trấn đã tăng cường tuần tra, phó bí thư Nam Dương Cốc Ngoại Văn một mực phủ nhận tin các hầm mỏ hoạt động trở lại, giám đốc Sở Tài vụ Nam Dương Tư Bích Hằng cho biết ông “ngày đêm tuần tra nhưng không phát hiện được gì”...

Hầu như tất cả các quan chức từ trên xuống dưới ở Nam Dương đã “nói dối không chớp mắt”. Lý do là trong mắt họ, thành tích trước mắt quan trọng hơn lợi ích lâu dài, lợi ích kinh tế quan trọng hơn tính mạng người dân, họ chỉ chịu trách nhiệm với chính mình, còn tính mạng người dân đều không quan trọng.

Trên diễn đàn, cư dân mạng đã kể 1.001 câu chuyện về sự nói dối của nhiều quan chức. Chẳng hạn như ông Diệp Đại Xuyên - phó thị trưởng Lục Bàn Thủy (tỉnh Quí Châu) - từng báo cáo Quốc hội Trung Quốc rằng ở thành phố Lục Bàn Thủy không có doanh nghiệp khai thác than, trong khu bảo vệ nguồn nước cũng không có nhà máy nào, chất lượng không khí trong lành nhất tỉnh Quí Châu.

Nhưng thực tế điều tra cho thấy trong thành phố có đến 30 doanh nghiệp hoạt động trong ngành hóa công, hồ nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hay chuyện một tỉnh yêu cầu huyện sửa chữa hồ chứa nước, kinh phí dự toán 700-800 triệu nhân dân tệ, trong khi mỗi năm huyện chỉ thu vào 500 triệu nhân dân tệ, vừa đủ để phát lương cho công chức. Ông bí thư huyện quyết định làm báo cáo láo gửi cấp trên, đối phó tình thế để được cấp kinh phí.

Từ ngày 1 đến 9-5-2005, tại Trung Quốc liên tục xảy ra năm vụ tai nạn hầm mỏ làm 13 người chết. Một vị quan chức ngành than được đài truyền hình phỏng vấn đã không hề có một chút thương tiếc hay ân hận, ông ta thao thao bất tuyệt về cách ông đến cơ sở kiểm tra tình hình, mở lớp tập huấn về an toàn hầm mỏ. Nhưng thợ mỏ trong khu vực cho biết ông ta quả thật có đến cơ sở, nhưng chỉ đến để... thu tiền, uống rượu mà thôi, năm nay chưa đến ngày thu tiền nên chưa thấy ông ta đến!

Những lời có cánh

Cư dân mạng từ các địa phương tham gia diễn đàn cho biết nhiều quan chức còn nói dối “có sách” nữa! Bằng chứng là ở tỉnh Hồ Nam có một chuyên viên có tên là Tằng Cẩm Thành khi được biết lãnh đạo tỉnh Hồ Nam sắp đề bạt mình lên chức giám đốc sở giao thông tỉnh, Tằng liền viết một bức “huyết thư” gửi lên lãnh đạo, với lời lẽ xúc động, hứa trung thành với Đảng và nhân dân. Nhưng sau khi ngồi vào ghế giám đốc sở, bức “huyết thư” chưa ráo mực thì Tằng bị phát hiện nhận hối lộ 300.000 nhân dân tệ.

Hãy nghe dưới đây một số quan chức đã “nói dối có quai” như thế nào:

- Nguyên bí thư tỉnh Quí Châu Lưu Phương Nhân thời tại vị còn cao đạo: “Phải lấy đức trị quốc, triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng đến cùng”. Nhưng sau đó ông lại bị xử tù chung thân vì nhận hối lộ 6,6 triệu nhân dân tệ.

- Nguyên tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lý Gia Đình từng “tâm huyết”: “Uớc nguyện của tôi là trong vòng năm năm đem lại cuộc sống ấm no cho 1,6 triệu dân nghèo”. Chưa đầy năm năm sau, ông bị xử tử hình vì nhận hối lộ 18 triệu nhân dân tệ.

- Nguyên bí thư Thành ủy Bắc Kinh, nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Tây Thành Khắc Kiệt từng “thao thức”: “Khi nghĩ đến tỉnh Quảng Tây có hơn 7 triệu dân chưa thoát nghèo, tôi làm chủ tịch đây cũng không sao chợp mắt”. Không lâu sau, ông bị tử hình vì nhận hối lộ hơn 20 triệu nhân dân tệ.

- Nguyên bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ thì đanh thép: “Công tác chống tiêu cực không thể lơ là một giây một phút nào”. Chỉ nửa tháng sau, ông bị cách chức vì dính líu vụ án chiếm đoạt mấy tỉ nhân dân tệ của quĩ bảo hiểm xã hội...

Giấu đầu lòi đuôi

Nhiều trang web của các chính quyền và cơ quan nhà nước địa phương trở thành nơi để các quan chức báo cáo láo. Trang web của chính quyền huyện Phụng Đài (tỉnh An Huy) báo cáo tình hình giáo dục trong huyện như sau: “Huyện ta thuộc mười huyện giỏi của tỉnh, 100 huyện giỏi của toàn quốc. Mỗi năm có 1.180 học sinh tốt nghiệp, hai trường công lập mỗi năm tuyển 1.550 học sinh trung học, cao hơn các trường trong nội thành. Do được đầu tư ngân sách hợp lý, hiện có hàng chục ngàn học sinh được hưởng giáo dục miễn phí”. Chuyên mục Chính hiệp trên trang web trên cho biết huyện có đến 12 trường dân lập với hàng ngàn học sinh theo học. Trong khi đó, chuyên mục giáo dục lại đưa tin: “Các khó khăn của huyện ta là thiếu giáo viên, thiết bị nghèo nàn, đội ngũ giáo viên đang lão hóa. Nguyên nhân là do nguồn đầu tư ngân sách quá ít, không đáp ứng nhu cầu ngân sách giáo dục tăng 1,2% như qui định”.

Sau khi đọc xong ba thông tin chõi nhau trên cùng một website, người dân không khỏi thắc mắc: Tại sao con em nông dân không vào trường công để học miễn phí mà phải học trong trường dân lập? Điều đó chỉ có thể chứng minh các quan chức ở huyện đã báo cáo thành tích ảo. Qua đó đủ thấy “huyện giỏi” của An Huy đã không chú trọng nghĩa vụ giáo dục, chất lượng trường công không bằng trường tư.


CẢNH CHÁNH - NGUYỄN THÀNH TUỆ tổng hợp
(Tân Hoa xã, Quang Minh Nhật Báo, Bắc Kinh Nhật Báo)

CẢNH CHÁNH - NGUYỄN THÀN (Theo Tuổi Trẻ)

Aucun commentaire: