1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

vendredi 25 mai 2007

Bản Ghi Nhớ: Chu Ân Lai - Kissinger 1972

Ở Mỹ, sau 30 năm, các tài liệu mật sẽ được giải mật (công bố cho công chúng). Dưới đây là biên bản ghi cuộc gặp gỡ giữa cố vấn an ninh của Tổng Thống Mỹ Henry Kissinger và Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nhân cuộc viếng thăm Hoa Lục của Tổng Thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Người dịch Trần Bá Hợi, một phi công khu trục của Không Lực VNCH. Ông chuyển dịch 10 trang chót (từ trang 27-37), phần quan trọng liên hệ tới Việt Nam. Theo người dịch, đoạn in đậm chứng tỏ ý định Mỹ muốn bỏ rơi VNCH, do vậy số phận của Nam Việt Nam đã được quyết định từ tháng 6 năm 1972.

Nguồn nguoi-viet.com


Bản Ghi Nhớ

Tòa Bạch Ốc

Hoa Thịnh Ðốn

Tối Mật/Nhậy

Chỉ Ðể Xem Mà Thôi

Bản Ghi Nhớ Cuộc Ðàm Thoại

Những nhân vật tham dự:

Thủ Tướng Chu Ân Lai
Ch'iao Kuan-hua, Phó Tổng Trưởng Ngoại Giao
Chang Wen-Chin, Phụ Tá Tổng Trưởng Ngoại Giao
Tang Wen-sheng, Chao-chu, Thông Dịch Viên
Hai nhân viên ghi chú biên bản
Tiến Sĩ Henry A. Kissinger, Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia
Winston Lord, Nhân Viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia
John D. Negroponte, Nhân Viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia

Ngày và Giờ: Thứ Ba, ngày 20 tháng 6 năm 1972, 2:05 - 6:05 chiều

Ðịa Ðiểm: Ðại Sảnh Ðường Nhân Dân, Bắc Kinh

Dưới đây là cuộc thương lượng và trả giá giữa Henry A. Kissinger Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai về tương lai VNCH.

Từ trang 27

Tiến Sĩ Kissinger: Ðó không phải là ý định của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định thành lập một chế độ công quản - nó đòi hỏi một hoàn cảnh khác thường để chúng tôi thực hiện điều này. Không phải là ý đồ của chúng tôi để tạo ra một chế độ công quản. Chúng tôi thực có ý định tạo dựng một bức tường ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng, dù về chính trị hay là thực thể vật chất. Ðiều khiến chúng tôi quan ngại nhất là khi cường quốc khai thác những xung đột địa phương cho mục đích riêng của họ.

Thủ Tướng Chu: Trong những phản đối của Nga Sô về bản thông cáo giữa chúng tôi với quý quốc hình như họ đặc biệt bày tỏ sự phản đối về nguyên tắc chung: “Không bên nào nên làm bá chủ.” Họ có nghĩ là điều đó nhắm vào họ không?

Tiến Sĩ Kissinger: Họ không nói, nhưng hình như họ nghĩ rằng điều đó có thể nhắm vào họ. Chúng tôi cho rằng nó nhắm vào những quốc gia muốn tạo chế độ công quản. Tôi có một thắc mắc lý thú từ Ấn Ðộ - không biết Thủ Tướng có nghĩ vậy không. Họ nói rằng khi Á Châu - Thái Bình Dương không bao gồm Ấ Ðộ, vậy những gì chúng tôi nói tức là chúng tôi thỏa thuận để Trung Hoa công quản Ấn Ðộ (cười).

Nên tôi nói với họ là không đúng. Tôi mong Thủ Tướng không phật ý.

Thủ Tướng Chu: Ấn Ðộ là một quốc gia hết sức mập mờ. Ðó là một quốc gia rất to lớn. Nhiều khi họ làm ra vẻ một quốc gia lớn, nhưng nhiều khi họ có mặc cảm tự ti.

Tiến Sĩ Kissinger: Họ bị khống chế bởi ngoại bang qua gần hết lịch sử của họ.

Thủ Tướng Chu: Vâng, đó có thể là một trong những nhân tố lịch sử. Và một nhân tố nữa là quá nhiều cạnh tranh vĩ đại trên thế giới.

Bây giờ chúng ta sang tới vấn đề Ðông Dương - Tôi muốn nghe ông trình bày.

Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng có nói ông có vài nhận định muốn nói với tôi. Có lẽ chúng ta nên đổi vị trí để Thủ Tướng phát biểu trước.

Thủ Tướng Chu: Có những vấn đề cần tranh luận, và chúng tôi muốn nghe ông trước để biết giải pháp của ông cho vấn đề.

Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng muốn gợi ý là sau khi nghe tôi trình bày tôi sẽ thuyết phục được khiến mọi tranh luận sẽ biến mất, và sẽ không còn điều gì thêm để Thủ Tướng phải nhận định?

Thủ Tướng Chu: Tôi không có những dự tính đó, nhưng tôi thực sự mong sẽ giảm thiểu được những tranh luận.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi sẽ trình bày sự thẩm định thật vô tư của chúng tôi. Tôi biết không hợp với ý Thủ Tướng, nhưng tôi nghĩ dù sao nó cũng ích lợi để Thủ Tướng hiểu quan điểm của chúng tôi về hiện tình. Và tôi sẽ trình bày tình hình từ khi Bắc Việt bắt đầu vụ tấn công ngày 30 tháng 3.

Tôi tin rằng tôi đã giải thích vói Thủ Tướng những mục tiêu tổng quát của chúng tôi ở Ðông Dương. Hiển nhiên không phải mục tiêu của chính phủ này là sẽ duy trì vĩnh viễn những căn cứ tại Ðông Dương hoặc tiếp tục chính sách khởi xướng bởi vị tổng trưởng ngoại giao đã từ chối bắt tay Thủ Tướng. Không phải như vậy... chúng ta đang ở một giai đoạn lịch sử khác. Chúng tôi tin rằng tương lai quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh quan trọng vô biên cho tương lai của Á Châu hơn là những gì xảy ra tại Phnom Penh, tại Hà Nội hoặc ở Sài gòn.

Chắc Thủ Tướng còn nhớ khi Tổng Thống Johnson đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam ông biện minh rằng vì một phần những gì xảy ra tại Ðông Dương đã được kế hoạch tại Bắc Kinh và là một phần của âm mưu thôn tính toàn cầu. Dean Rusk đã diễn đạt như vậy trong một bản tuyên bố. Rồi quý quốc tiến hành cuộc Cách Mạng Văn Hóa và không, với những gì tôi đọc, nhấn mạnh đến phiêu lưu ra ngoại bang.

Với thực tế chúng ta đang ngồi họp trong phòng này đủ thay đổi nền tảng mục đích của cuộc can thiệp đầu tiên tại Ðông Dương. Là người thừa hưởng cuộc chiến vấn đề của chúng tôi là tìm cách thanh toán nó với một phương thức không ảnh hưởng đến uy tín toàn cầu của chúng tôi và - đây không phải là mối quan tâm chính của Thủ Tướng - để ổn định nội bộ tại Hoa Kỳ. Nên chúng tôi đã chân thành cố gắng để chấm dứt chiến tranh, và Thủ Tướng có thể biết hoặc không biết, tôi đã đích thân khởi xướng thương lượng với Bắc Việt năm 1967 khi tôi còn ở ngoại biên của chính quyền khi không được quần chúng ưa thích, vì tôi tin rằng phải có một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến.

Rồi từ khi chúng tôi nắm chính quyền chúng tôi đã cố gắng chấm dứt cuộc chiến. Và chúng tôi hiểu, như tôi đã thưa với Thủ Tướng trước đây là, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nhân tố vĩnh viễn trên bán đảo Ðông Dương và có thể là một thực thể mạnh nhất. Và chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ. Sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi sẽ triệt thoái xa 12 ngàn dậm. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn chỉ cách Sài gòn 300 dậm.

Ðó là một thực tế mà họ có vẻ không hiểu.

Thủ Tướng Chu: Ðiều mà họ quan tâm tới là vụ gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh của quý quốc.

Tiến Sĩ Kissinger: Nhưng họ có một sự thiếu tự tin kỳ lạ. Chúng tôi đã cố gắng làm gì? Chúng ta hãy quên... họ là bậc thầy về phân tích những điểm khác nhau nhưng quên những khái niệm toàn bộ. Chúng tôi đã cố gắng tách rời hậu quả quân sự ra khỏi hậu quả chính trị để rút ra khỏi vùng và để những thế lực địa phương tự xếp đặt tương lai của họ. Thật rất kỳ lạ, phía Bắc Việt đã cố níu chúng tôi ở lại để chúng tôi giải quyết vấn đề chính trị cho họ. Thí dụ như ngày 30 tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị là chúng tôi sẽ triệt thoái tất cả lực lượng nếu có sự ngưng bắn và hoàn trả các tù binh. Ðúng là ngày 31, không phải 30. Phía Bắc Việt sẽ ở đâu ngày hôm nay nếu họ đã chấp thuận dề nghị này. Tại sao? Vì họ muốn chúng tôi lật đổ chính quyền và đặt để chính quyền của họ vào. Chúng tôi không thương lượng. Tôi cố gắng giải thích điều chúng tôi suy nghĩ. Hậu quả thực tế của những đề nghị của chúng tôi vẫn là để chúng tôi triệt thoái; hậu quả thực tế của những đề nghị của họ là giữ chúng tôi ở lại.

Họ có hỏi chúng tôi và có một đòi hỏi họ đưa ra mà chúng tôi đã không đáp ứng, không thể đáp ứng và sẽ không đáp ứng, dù phải trả với giá nào với những quan hệ khác, và đó là chúng tôi lật đổ những nhân vật chúng tôi vẫn thường giao thiệp và cũng là những người tin tưởng ở chúng tôi, đã có một hành động nào đó. Ðây không phải là sự ưa thích cá nhân của một nhân vật nào đó đối với những nhân vật liên hệ. Không phải vì chúng tôi muốn có một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn. Tại sao chúng tôi lại muốn một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn khi chúng tôi có thể sống với những chính quyền không thân Mỹ tại các quốc giato lớn hơn nhiều ở Á Châu? Vì rằng một quốc gia không thể bị đòi hỏi để ràng buộc vào một hành động phản bội to lớn và coi đó như một nền tảng của chính sách đối ngoại.

Thủ Tướng Chu: Ông nói triệt thoái những lực lượng. Ông muốn nói triệt thoái toàn bộ Lục quân, Hải quân, Không quân, các căn cứ và tất cả?

Tiến Sĩ Kissinger: Năm ngoái khi tôi ở đây, Thủ Tướng đã hỏi tôi điều này. Tôi đã trình Thủ Tướng chúng tôi muốn lưu lai một số cố vấn. Rồi Thủ Tướng có nói một câu rất hay về hậu quả của cái mà Thủ Tướng gọi là “để cái đuôi ở lại.”. Phần lớn do lời nói đó, chúng tôi, trong vòng một tháng, đã thay đổi đề nghị của chúng tôi nên bây giờ bao gồm luôn việc triệt thoái toàn bộ cố vấn trong những loại Thủ Tướng nêu lên bây giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị triệt thoái tất cả lực lượng.

Thủ Tướng Chu: Còn về quân lực của quý quốc ở Thái Lan?

Tiến Sĩ Kissinger: Chúng tôi chưa chuẩn bị di chuyển quân lực của chúng tôi ra khỏi Thái Lan, nhưng với những điều kiện của ngưng bắn chúng tôi đồng ý sẽ không sử dụng lực lượng này trong cuộc chiến ở Việt Nam. Và tất nhiên sẽ giảm thiểu xuống mức độ trước cuộc tấn công nếu hòa bình đạt được.

Ðể giải thích điều tôi muốn nói về hành động phản bội này, dù tôi biết điều này có phần nhức nhối, thưa Thủ Tướng, nhưng tôi muốn giải thích: Nếu khi tôi tới đây lần đầu vào tháng 7 Thủ Tướng nói, “Chúng tôi không thương lượng với quý quốc cho tới khi quý quốc lật đổ Tưởng Giói Thạch và thay thế bằng một nhân vật nào đó chúng tôi chấp nhận được,” thì, dù tận tụy với quan hệ Trung Hoa - Hoa Kỳ như tôi, chúng tôi cũng không thể thỏa mãn được. Việc sẽ không thể xảy ra. Bí quyết của quan hệ giữa chúng ta là chúng ta chuẩn bị mở đầu một tiến trình mà Thủ Tướng đã bày tỏ với nhiều tin tưởng. Hành động như vậy sẽ hoàn toàn làm ô danh chúng tôi và biến chúng tôi thành một người bạn vô dụng của quý quốc, vì nếu chúng tôi hành xử như vậy với một cộng sự viên thì chúng tôi sẽ hành xử như vậy với tất cả.

Nhưng để trở lại vấn đề Thái Lan. Trong mọi quyết định quan trọng chúng ta đã bàn thảo, tối thiểu có hai khía cạnh, quyết định và xu hướng. Trong buổi tiệc hôm nọ với năm người Hoa Kỳ Thủ Tướng có viện dẫn đến trường hợp năm 1954. Và vào năm 1954, dù việc gì đã xảy ra, dù chúng tôi ký kết tài liệu gì, sự thực là Tổng Trưởng Dulles đã tìm những lý do để can thiệp, vì ông ta tin rằng Trung Cộng đã có âm mưu thôn tính Á Châu. Chúng tôi đang tìm những lý do ngược lại.

Thủ Tướng Chu: Hậu quả của chính của chính sách Dulles đã kết thúc với một số thương thuyết và ký kết Hiệp Ðịnh, nhưng bây giờ ông muốn tuân thủ những Hiệp Ðịnh này. Như vậy có nghĩa là duy trì chính sách của ông ta?

Tiến Sĩ Kissinger: Duy trì ở một mức độ. Nhưng về phía khác, khi chúng ta thỏa thuận về vụ Ðông Dương, chúng ta sẽ tạo một quan hệ mới. Nếu chúng tôi tạo được quan hệ mới với Bắc Kinh tại sao chúng tôi không tạo được với Hà Nội? Hà Nội có làm gì chúng tôi đến độ khiến chúng tôi không, giả tỉ trong mười năm, tạo một quan hệ mới?

Thủ Tướng Chu: Nếu sau khi quý vị triệt thoái và các tù binh đã hồi hương, nếu sau đó, nội chiến tái phát ở Việt Nam, quý quốc sẽ hành sử ra sao? Có thể vấn đề khó khăn cho ông để trả lời.

Tiến Sĩ Kissinger: Vấn đề có khó cho tôi trả lời một phần vì tôi không muốn khuyến khích để sự việc xảy ra. Nhưng để tôi trả lời với nhận định tốt nhất của tôi. Thí dụ, nếu đề nghị ngày 8 tháng 5 của chúng tôi được chấp thuận, tức có 4 tháng để triệt thoái và 4 tháng để trao đổi tù binh, nếu vào tháng thứ năm chiến tranh tái phát, diều này có thể khiến chúng tôi cho rằng đây chỉ là một xảo thuật nhằm đẩy chúng tôi ra và chúng tôi không thể chấp nhận được.

Nếu Bắc Việt, về phía khác, tiến hành nghiêm chỉnh sự đàm phán với miền Nam, và nếu sau một thời gian dài sự việc bùng nổ trở lại sau khi chúng tôi đã hoàn toàn tách rời, ý kiến riêng của tôi là rất khó có thể khiến chúng tôi trở lại, rất khó có thể.

Thủ Tướng Chu: Năm ngoái ông cũng nói như vậy.

Tiến Sĩ Kissinger: Năm ngoái nếu họ đã chấp nhận đề nghị của chúng tôi thì bây giờ đã được một năm. Nếu Bắc Việt có thể thay đổi...

Thủ Tướng Chu: Ông có nói năm ngoái sau khi quý ông triệt thoái và lúc đó những tù binh đã được trao trả rồi những gì xảy ra lúc đó là việc của họ. Trên nguyên tắc ông có nói vậy.

Tiến Sĩ Kissinger: Trên nguyên tắc chúng tôi đang có ý chuyển... nó, tất nhiên, tùy thuộc vào mức độ các quốc gia bên ngoài can thiệp. Nếu có ai chuyển được từ một cuộc xung đột quốc tế trong đó có nhiều thế lực lớn tham dự thành một cuộc cuộc xung đột địa phương, thì tôi nghĩ những gì Thủ Tướng nói có thể xảy ra. Nhưng đây là ý định của chúng tôi và khi chúng tôi sẽ thực hiện chính sách đó, đó là vài bảo đảm.

Hiện tại, điều khó khăn là, với những lý do dễ hiểu, phía Bắc Việt - những người tôi đã nhiều lần bày tỏ với Thủ Tướng, tôi rất kính trọng - đang phô trương bài thơ thiên anh hùng ca về cuộc đấu tranh giành độc lập qua nhiều thế kỷ và đặc biệt lại đang tái diễn những kinh nghiệm của 20 năm trước.

Thủ Tướng Chu: Nếu chúng ta kể từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, 27 năm, và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chết cho mục đích này trước khi hoàn tất. Chủ Tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, nhưng cũng là một người nhân đạo và ái quốc. Tôi quen biết thân tình với Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã biết ông ta 50 năm. Tôi đã gia nhập đảng cộng sản 50 năm và đã biết ông 50 năm.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi chưa hề gặp ông ta, nhưng tôi biết một người Pháp có nhà mà Hồ Chí Minh đã cư ngụ. Thực ra, tôi đã nhờ người Pháp này nói chuyện với Hồ Chí Minh năm 1967 -và do đó tôi đã liên hệ đến những sự việc tại Ðông Dương.

Thủ Tướng Chu: Ông Salisbury cũng đã ở Hà Nội. Nhưng là một ký giả địa vị của ông ta khác với ông.

Tiến Sĩ Kissinger: Ðó là một vị trí tôi không bí mật được.

Thủ Tướng Chu: Nhược điểm đó có thể là nguyên nhân sự việc vẫn chưa giải quyết được. Có thể nếu ông có hiện diện ông đã rõ ràng hơn về tình hình.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi rõ về tình hình. Nhưng giải pháp là điều tôi không được rõ.

Thủ Tướng Chu: Ông có một chuyên viên mới. Ông Smyser bị bệnh ruột.

Tiến Sĩ Kissinger: Nhưng ông ta phục hồi ngay trước khi Thủ Tướng đãi vịt Bắc Kinh. (cười)

Thủ Tướng Chu: Ông ta vẫn hợp tác với ông?

Tiến Sĩ Kissinger: Không, ông ta trở lại Ðại Học một năm, nhưng sẽ trở lại sau một năm.

Thủ Tướng Chu: Phương pháp này của quý quốc thật hay, cho cộng sự viên nghỉ để dự Ðại Học một năm rồi trở lại.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi không nghĩ rằng Smyser sẽ tái hoạt động về những vấn đề Việt Nam. Có thể sẽ không còn vấn đề Việt Nam để làm nữa.

Thủ Tướng Chu: Không nhất thiết như vậy. Vấn đề Sài gòn thực sự là một việc quá nhức đầu. Và đây là một trái đắng do Dulles lưu lại chưa giải quyết được. Ðó là một thảm kịch do Dulles tạo nên mà bây giờ chính ông cũng đang nếm mùi trái đắng đó.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi đồng ý với Thủ Tướng là những gì chúng ta đang phải đối phó ở Việt Nam là một thảm kịch.

Thủ Tướng Chu: Quý quốc có thể rửa sạch thảm kịch này.

Tiến Sĩ Kissinger: Không. Tùy thuộc vào Thủ Tướng có ý định gì với câu rũ sạch thảm kịch này. Việc triệt thoái chúng tôi có thể thực hiện; những đòi hỏi khác chúng tôi không thực hiện được. Xin để tôi trình bày trọn vẹn sự thẩm định tình hình của tôi.

Tôi công nhận khách quan mà nói vấn đề rất khó khăn, và tôi thú thực chúng tôi đã chứng minh trong 20 năm là chúng tôi không hiểu hoàn cảnh Việt Nam rõ lắm, nhưng chính quyền Bắc Việt cũng đã làm cho giải pháp vô cùng phức tạp.

Trước hết, tới giờ tôi đã thương lượng 13 lần và tám lần với Lê Ðức Thọ; năm lần với Xuân Thủy. Mục đích chính yếu khi tôi thương lượng là gì? Mục đích chính yếu của tôi là để có thể đi vào thực chất của vấn đề và để đạt những quyết định quan trọng - đó là mục đích chính yếu của tôi trong những buổi thương thuyết. Tôi hữu dụng trong những quyết định lớn, không phải để giải quyết một loạt những tiểu tiết. Những tiểu tiết nên để những nhà ngoại giao thi hành.

Trong 13 buổi họp với họ họ đã ràng buộc tôi vào những chuyện chiến tranh du kích lặt vặt trong đó chúng tôi hành sử như ở cấp luật sư trung cấp nhằm tìm kiếm những kẽ hở của những điều khoản trong những thành ngữ. Tôi lập đi lập lại với ông Lê Ðức Thọ - Tôi hiểu điều này làm ông buồn phiền tiện đây, thưa Thủ Tướng, và tôi biết ông là người của nguyên tắc luôn luôn sát cánh với đồng minh, nhưng tôi đang cố gắng giải thích - hãy để chúng tôi sắp đặt một mục đích, thí dụ trong 6 tháng chúng tôi sẽ thực hiện điều này điều nọ, và rồi chúng tôi sẽ tìm một giải pháp khôn khéo. Và lần nào họ cũng từ chối. Lần nào họ cũng làm vậy với hai lý do. Một là họ e ngại thủ đoạn gian trá nên dành thêm thời giờ tìm hiểu những kẽ hở của những điều khoản thay vì tìm hiểu những điều khoản chính của bất cứ sự thỏa thuận nào. Và họ ép buộc để đòi hỏi tức thời những gì chúng tôi có thể chuẩn bị để thực hiện trong thời gian vài năm.

Và thứ nữa là, tính chất chiến lược của họ. Chiến lược của họ là gì? Chiến lược của họ là theo đuổi một chiến dịch quân sự với ý đồ, một là, phá hoại chính quyền Sài gòn, mà tôi hiểu, và về phía khác, một sự phối hợp quân sự với chiến dịch tâm lý để phá hoại chính quyền Hoa Kỳ, và đó là điều chúng tôi không bao giờ chấp nhận. Họ không bao giờ quyết định được hoặc họ muốn thương thuyết với chúng tôi hoặc tiêu diệt chúng tôi, hoặc ít nhất đẩy chúng tôi vào một vị thế bị mất sự hỗ trợ của quần chúng. Và vì vậy, họ sẽ không nhượng bộ, hoặc cho tới hiện tại không chịu nhượng bộ, với tôi hoặc với bất cứ người điều đình Hoa Kỳ nào, vì họ e ngại nếu có một giải pháp hoặc ngay cả việc ít trở ngại nhất, chúng tôi sẽ có sự ủng hộ của quần chúng và do đó họ sẽ không đạt được mục tiêu chính là triệt ha sự ủng hộ của quần chúng đối với chúng tôi hầu làm tê liệt chúng tôi.

Ðây chính là nguyên nhân làm buổi họp giữa tôi và Lê Ðức Thọ thất bại. Khi họ nghĩ họ đang thắng thế, chiến lược thực của họ là trình diễn cho quần chúng Hoa Kỳ tình trạng vô vọng, và do đó ép chúng tôi vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan không còn sự lựa chọn nào ngoài sự nhượng bộ về những đòi hỏi của họ. Ðây là tại sao họ đối xử với chúng tôi về vấn đề những tù binh, không qua chính quyền hoặc Hội Hồng Thập Tự, nhưng qua những người Hoa Kỳ chống đối không hiểu tầm quan trọng của sự việc.

Thủ Tướng Chu: Nhưng cũng không chỉnh khi quý quốc đột kích trại giam tù binh của họ.

Tiến Sĩ Kissinger: Ðây, trước hết tôi nghĩ đó là một việc khác mà tôi rất vui lòng thảo luận với Thủ Tướng, nhưng tôi không nói rằng tất cả những hoạt động chúng tôi làm trong cuộc chiến đều nhất thiết là đúng cả. Tôi đang nói là chúng ta đang đối diện với một hoàn cảnh cần thiết một giải pháp. Nhưng tôi nhận - tuy không trong trường hợp này - nhưng chúng tôi đã làm nhiều lầm lỗi. Ðây là lý do tại sao họ đang làm lớn chuyện về việc triệu tập lại những phiên họp khoáng đại, và tuy vậy những ai chín chắn đều nhận ra là nó chẳng thay đổi được gì dù có phiên họp khoáng đại khi không có điều gì để thảo luận. Cho tới khi có một chương trình để thương lượng trong phiên họp khoáng đại, tất cả chỉ là tuyên truyền rỗng tuếch.

Chúng tôi đã chuẩn bị để tái nhóm phiên họp khoáng đại chỉ để kết thúc riêng vấn đề đó, nhưng chắc họ sẽ không đạt được nếu không có một nền tảng mói để thương lượng, và nếu họ không thay đổi sách lược. Chúng tôi cố gắng - và Thủ Tướng sẽ có nhận định riêng về việc này - chúng tôi tin rằng để thương thảo với các quốc gia khác nếu thiếu đạo đức và danh dự, dù có lợi về chiến thuật rồi về lâu dài cũng thất bại. Nhưng rất khó khăn để thương thảo với một quốc gia muốn phá hoại thẩm quyền của nhân vật đàm phán.

Giờ đây, chúng ta bàn về cuộc tấn công của Bắc Việt. Không có cuộc tấn công đó chúng tôi đã rút thêm quân và phi cơ nữa. Chúng tôi không có chút ý định nào để gia tăng mức độ hoạt động quân sự. Trái lại, chúng tôi sẽ giảm quân nhanh hơn. Nhưng cuộc tấn công của Bắc Việt đưa chúng tôi vào một vị trí mà họ muốn dùng sự việc của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ để làm khó và bắt chúng tôi phải chấp nhận đòi hỏi của họ mà chúng tôi không thể thỏa mãn. Chúng tôi có thể thỏa mãn tất cả các đòi hỏi khác, nhưng không phải điều đó.

Hiện tại tình trạng hôm nay ra sao? Tôi biết phải nói gì về tuyên truyền, nhưng với sự phán đoán của tôi thì cuộc tấn công của Bắc Việt bị ngăn chặn và không có một triển vọng quân sự nào trong năm nay. Họ đã không tạo được phong trào chống đối to lớn tại Hoa Kỳ, dù rằng có vài kẻ đi loanh quanh với cờ Viet Nam, mà cũng chẳng được bao nhiêu. Vào thời gian vụ Cam bốt đã có 200,000 người chống đối tại Hoa Thịnh Ðốn, và họ cũng không ngăn chặn được việc chúng tôi làm. Sau ngày 8 tháng năm họ cố gắng lôi kéo 200,000 và họ có được 5 ngàn.

Vậy tình trạng chúng ta ra sao? Hy vọng duy nhất của Bắc Việt là sự đắc cử của McGovern vào tháng mười một. Chúng tôi không nghĩ chuyện này sẽ xảy ra. Cuộc thăm dò chót cho thấy Tổng Thống trên McGovern 20 điểm.

Thủ Tướng Chu: Ngay cả nếu McGovern đắc cử, ông ta có thể loại Thiệu được không?

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi không chắc.

Thủ Tướng Chu: Không cần thiết.

Tiến Sĩ Kissinger: Không cần thiết.

Thủ Tướng Chu: Quan niệm của tôi giống ông.

Tiến Sĩ Kissinger: Và đừng quên chúng tôi còn tại vị (cầm quyền) bẩy tháng nữa.

Thủ Tướng Chu: Ðó lại là một vấn đề khác. Ngay cả nếu ông ta đắc cử liệu ông ta có từ bỏ hỗ trợ thể chế Sài gòn không?

Tiến Sĩ Kissinger: Nói thì dễ hơn làm.

Thủ Tướng Chu: Con đường chông gai quý quốc tạo nên làm khó khăn cho quý quốc thoát ra.

Tiến Sĩ Kissinger: Ðiều đó đúng.

Thủ Tướng Chu: Dù là Tổng Thống Nixon hay McGovern hoặc Ed Kennedy. Ngay cả nếu ông là Tổng Thống hoàn cảnh cũng khó khăn. Nhưng thật đáng tiếc, ông không có điều kiện.

Tiến Sĩ Kissinger: Chúng ta đề cử cô Tang.

Thủ Tướng Chu: Ngay cô ta cũng không thoát ra nổi.

Tiến Sĩ Kissinger: Nếu cô ứng cử và để tôi làm cố vấn, có lẽ cùng nhau chúng tôi có thể làm được việc gì đó.

Thủ Tướng Chu: Việc này ràng buộc vào việc khác và hầu hết đều bất lợi.

Tiến Sĩ Kissinger: Ðiều đó đúng. Nhưng những lực lượng bầu cho McGovern sẽ đem lại một định hướng mới trong chính sách Hoa Kỳ không những đối với Việt Nam, mà tất nhiên là liên quan tới Nga Sô, Ấn Ðộ, Nhật Bản, như Thủ Tướng đã thấy trong bài xã luận của tờ Nữu ước Thời Báo. Tôi không phải giải thích. Nếu Thủ Tướng thấy cái xu hướng của Nữu ước Thời Báo, thí dụ như lúc tôi đe dọa hủy bỏ buổi họp thượng đỉnh tại Mạc Tư Khoa hoặc trường hợp bên Ấn Ðộ mà không thể nhờ họ đăng bất cứ quan điểm nào khác, ngay cả trên những cột tin tức, Thủ Tướng sẽ có vài khái niệm của thực tế về những gì sẽ xảy ra nếu điều đó xảy ra. Tôi sẽ trình bày rất thực tế. Tất cả đều ủng hộ quan hệ Trung Hoa - Hoa Kỳ. Không còn có sự chống đối cơ bản nữa. Nhưng hậu quả thực tế họ chuẩn bị gặt hái và những quyết định thực họ muốn làm ngoài sự xác nhận tình cảm và trao đổi văn hóa, sẽ khác rất nhiều.

Và do đó, chúng tôi tin rằng phải ngưng chiến tranh ngay vì lợi ích chung. Nếu chiến tranh tiếp diễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chắc chắn sẽ thiệt hại thêm hơn là có thể có lợi. Thế tấn công quân sự của họ đã ngưng; tình trạng nội bộ khó khăn; và chúng tôi có thể bị cưỡng bách đối xử với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa những điều trên tất cả những gì tương xứng với mục đích của chúng tôi. Chúng tôi không muốn họ yếu kém. Và chúng tôi không nhìn thấy triển vọng họ có thể đảo ngược tình hình. Và chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh vì hiện nó đòi hỏi một nỗ lực không cân xứng với mục đích nhưng vì nó liên hệ chúng tôi vào cuộc thảo luận với những quốc gia mà chúng tôi có nhiều dịch vụ quan trọng hơn.

Nếu chúng tôi có thể thảo luận với họ như thảo luận với quý vị, thưa Thủ Tướng - tôi không muốn nói về ngôn ngữ mà về thái độ - tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể giải quyết chiến tranh. Như một sự việc thực tế, chúng tôi nghĩ cách thức nhanh nhất để chấm dứt là trên căn bản ngưng bắn, triệt thoái, và trao trả những tù binh. Ðó là giải pháp ít phức tạp nhất và tương lai tính sau. Chúng tôi sẵn sàng ngoài việc tuyên bố sự trung lập của chúng tôi trong mọi tranh chấp chính trị khi có và về chính sách đối ngoại chúng tôi chuẩn bị để thấy Nam Việt Nam thiết lập một chính sách đối ngoại trung lập.

Chúng tôi cũng có thể trở lại với đề nghị Tổng Thống trình bày ngày 25 tháng Giêng năm ngoái và được chính thức đệ trình ngày 27 tháng Giêng, và có thể sửa đổi điều khoản này hoặc điều khoản khác liên hệ tới thảo luận chính trị luôn. Nhưng trên thực tế, thảo luận chính trị kéo dài rất lâu. Và hậu quả thực tế của bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào là hoặc xác nhận sự hiện hữu của chính quyền Sài gòn thì không chấp nhận được với Hà Nội, hoặc lật đổ chính quyền hiện hữu tại Sài gòn thì chúng tôi không chấp nhận được. Và gần như vô vọng để nghĩ đến một biện pháp có thể tương nhượng giữa hai phe này.

Cho nên chúng ta cần tìm một phương thức để chấm dứt chiến tranh, ngăn chặn nó trở nên một vấn đề quốc tế, và để hoàn cảnh khai triển tới chỗ mà tương lai của người Ðông Dương được hoàn lại cho người Ðông Dương. Và tôi cam đoan với Thủ Tướng đó là mục tiêu duy nhất của chúng tôi tại Ðông Dương, và tôi không tin nó khác biệt với Thủ Tướng. Chúng tôi không đòi hỏi gì cho chúng tôi tại đó. Và trong khi chúng tôi không thể đưa một chính quyền cộng sản lên nắm chính quyền, nếu, do sự xoay vần của lịch sử mà nó xảy ra sau một thời gian, thì nếu chúng tôi sống chung được với một chính quyền cộng sản Trung Hoa, chúng tôi sẽ chấp nhận được ở Ðông Dương.

Thủ Tướng gặp được ngày tôi nói khá nhiều. (Cười)

Thủ Tướng Chu: Vậy chúng ta chấm dứt hôm nay. Còn về sáng mai, trước hết tôi sẽ tham khảo ông Phó Chủ Tịch Yeh Chien-ying, và rồi có thể sáng hôm sau ông sẽ thảo luận với ông ta. Tôi nghe ông muốn có một buổi tiệc ngoài trời tại Cung Ðình Mùa Hạ.

Tiến Sĩ Kissinger: Có người hỏi tôi muốn tham quan thêm chỗ nào ngoài Cung Cấm. Tôi trả lời Cung Ðình Mùa Hạ đẹp quá và tôi muốn thăm nữa. Nhưng ý kiến về buổi tiệc ngoài trời là một ý thêm rất đẹp nhưng không do tôi. Ðó là ý kiến của Ban Nghi Lễ. Nhưng công việc phải ưu tiên hơn tiệc tùng.


Tham khảo:

(1) New Perspective on Dien Bien Phu by Pierre Asselin. Volume 1, No. 2 Fall 1997.

(2) Apprentices of War - Memoir of a Marine Grunt by Gary L. Tornes. In 1967, base pay: $155.00. Combat pay: $75.00. Overseas pay: $45.00. Total gross:: $255.00. Trang 247. Căn cứ theo Global Finacial Data, hối xuất chính thức tại Nam Viet Nam August 1965: $1.00 US = $118.00 VN piastres. Như vậy lương tháng của một Hạ Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ độc thân năm 1967 = $26,550.00 đồng VN. Và một Thiếu Tá phi công Việt Nam Cộng Hòa lãnh khoảng $65,000 đồng VN trong đó có cả phụ cấp gia đình (vợ + 3 con) và phụ cấp phi hành.

(3) The Air War Against North Vietnam. USAF in S.E Asia 1961-1973 report 1984. Chapter IV.

“The President retained such firm control of the air campaign against the North that no important target or new target areas could be hit without his approval. Page 1.” And on page 4: “During the first two years of operations over the North, President Johnson periodically ordered bombing pauses in an effort to bring Hanoi's leaders around to discuss a political settlement of the war.”

(4) The White House - Memorandum of Conversation. Top Secret/Sensitive/ Exclusive Eyes Only.

Aucun commentaire: