Nguyễn Văn Trấn và ''Viết Gửi Mẹ và Quốc Hội''
Minh Võ
Lời mở – Nhân dịp Nguyễn Văn Trấn, một cán bộ Cộng Sản cao cấp phản tỉnh, mất được 12 năm và cũng trùng vào dịp trong nước sắp tổ chưc bầu “quốc hội”, chúng tôi xin giói thiệu với độc giả DCV Online bài dưới đây viết đã lâu, để ôn lại một vài sự kiện đã qua.
Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay thật nói không hết (*)
Ngày 22/11/1995 chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Saigon Trương Tấn Sang ký một “quyết định Mật” cấm lưu hành và tịch thu quyển sách “Viết gửi Mẹ và Quốc Hội” của Nguyễn Văn Trấn. Cuối bản “quyết định” có ghi: “Không phổ biến trên báo chí”. Người ta hiểu rằng Trương Tấn Sang phải ký quyết định trên do chỉ thị từ trung ương. Vì không rõ bởi đâu mà đầu năm 1996 tại Mỹ thấy xuất hiện nguyên văn bản báo cáo mật số 6 đề ngày 30/10/1995, - nghĩa là trước cái quyết định Mật đó 3 tuần - của “nhóm công tác” gửi tổng bí thư Đỗ Mười và các ủy viên bộ chính trị Đào Duy Tùng và Lê Khả Phiêu nhận xét tác phẩm của Nguyễn Văn Trấn là một “cuốn sách độc hại” và “kiến nghị có biện pháp xử lý đối với việc lưu hành bất hợp pháp”. Trong báo cáo mật này nhóm công tác đã nói đến 4 nội dung xấu của tác phẩm. Một trong 4 nội dung đó là: “thứ 3, phản đối việc đàn áp tôn giáo, ca ngợi đạo Ki-Tô và kêu gọi trở về tôn giáo”.
Chúng tôi đã đọc hết tác phẩm thì không thấy có chỗ nào tác giả trực tiếp ca ngợi đạo Ki-Tô cả, mặc dầu ông có dịch đăng một đoạn dài trong sách “Sáng Thế” là cuốn đầu trong bộ Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo. Nhưng quả thật ông rất có cảm tình với linh mục Chân Tín và hẳn là cũng tán thành lập trường của ông này, nên đã đưa vào trong tác phẩm của mình toàn văn hai bài giảng về sám hối của linh mục Chân Tín. Dĩ nhiên hai bài giảng đó dựa trên Phúc Âm (hay Tin Lành) của Ki-Tô giáo.
Bây giờ chúng ta hãy xem Nguyễn Văn Trấn là người như thế nào và cuốn “Viết gửi Mẹ và Quốc Hội” nó “độc hại” đối với đảng ra sao.
Sơ lược tiểu sử Nguyễn Văn Trấn
Nguyễn Văn Trấn (1914-1995)
Nguồn: Mạng Ý Kiến
--------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Văn Trấn tự là Xồi, có tên Nga là Frigorne, Sinh ngày 21/3/1914 tại Chợ Đệm, Long An. Theo học trường Petrus Ký, Saigon cùng lớp với Trần Văn Lắm, cựu ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi tốt nghiệp trung học Pháp, ông ra làm báo và theo kháng chiến trong hàng ngũ những người cộng sản. Tờ báo đầu tiên của ông là “Le Peuple” (Dân Chúng) ra đời năm 1938. Ngay đầu cuốn sách ông đã khai mình “làm nghề viết báo và dạy học chính trị”. Ông làm báo là báo của đảng, mà những lãnh tụ cộng sản đầu tiên như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập đã bảo ông làm, và ông dậy chính trị là chính trị cách mạng, chính trị chống thực dân, phong kiến.
Chính ông là người lãnh đạo cuộc đảo chính cướp chính quyền thành phố Saigon ngày 25/8/1945. Nhưng ông thú nhận rằng ông chẳng làm gì nhiều, chỉ “nhờ cơ hội, điều kiện thuận tiện đó thôi”. Sau này ông là xứ ủy viên rồi phó bí thư Nam bộ (1), giám đốc công an Nam Bộ. Cũng có lúc ông làm bí thư khu 9. Vì có chuyện bất hòa với Lê Đức Thọ nên năm 1951 ông bị điều ra Bắc, “để làm đại biểu đại hội đảng “ (Đại hội II). Trong đại hội đảng ông làm tổ trưởng tổ 1, mệnh danh là tổ Nam bộ hay tổ quốc tế, vì có hai đại biểu của Lào và Kampuchia.
Tại miền Bắc, có thời ông làm giám đốc trường “đại học nhân dân” với chức “người phụ trách”. Ông cũng là đại biểu quốc hội “thứ nhất và duy nhất của vùng Saigon Gia Định”. Nhưng 26 năm ở miền Bắc quyền hạn và ảnh hưởng của ông càng ngày càng giảm sút. Sau 1975 ông trở về Nam sống thanh đạm như một người ngoài cuộc. Người ta thường gọi ông là “ông gìa Chợ Đệm”, vì Chợ Đệm là quê ông. Ông cũng có viết một cuốn sách nhan đề “Chợ Đệm quê tôi”, với lối văn đặc biệt miền Nam, như văn nói.
Ông cũng là tác giả một cuốn sách về Trương Vĩnh Ký là người mà ông trân trọng chứ không như một số đảng viên cộng sản khác cho Truơng Vĩnh Ký là tay sai của Pháp. Cuốn sách về Phan Thanh Giản của ông vừa hoàn thành chưa in thì nhà ông bị “trộm” lấy đi mất cùng với nhiều văn bản và tư liệu khác, trong đó có hàng trăm trang nhật ký của ông. Đó là chưa kể đến một vài cuốn ông viết khi ở miền Bắc như “Những bài nói chuyện về lo-gích”, “xây dựng đội ngũ trí thức mới của chúng ta” hay cuốn “Đóng góp nhỏ vào lịch sử Việt Nam”, đồng tác giả với Bùi Công Trừng.
Khi Nguyễn Hộ chủ trương tờ “Truyền Thống kháng chiến” ông có viết ít bài rất được hoan nghênh, nhưng tiếc rằng chỉ ra đuợc 3 số thì bị đóng cửa. Khi nữ ký giả Kim Hạnh còn coi tờ Tuổi Trẻ và cho ra tờ Tuổi Trẻ Cười, ông có viết cho tờ báo này với bút hiệu Hai Cù Nèo. Thỉnh thoảng ông gửi bài qua Pháp cho tờ Thông Luận đăng với những bút hiệu “Người Saigon, Năm Đòn Gánh, Mứt Gừng…” Ông cũng viết cho tờ báo chui “Người Saigon” ở trong nước.
Sau khi quyển “Viết cho mẹ và quốc hội” ra ra mắt công chúng rồi thình lình bị thu hồi, Nguyễn Văn Trấn đã bị theo dõi gắt, đôi lần công an có đến “thăm hỏi” và một ngày kia, khi ông đang đi dạo thì bị xe tông suýt chết. Từ đó ông thường năng phải đổi chỗ ở để tránh bị ám sát. Ông mất ngày 1/5/1995 sau khi bị chứng đau ruột kéo dài chỉ hai ngày.
Những điểm “độc hại” trong “Viết cho mẹ và quốc hội” ra
Theo “nhóm công tác viên” tường trình với Đào Duy Tùng và Đỗ Mười trong bản báo cáo mật về cuốn sách, thì tất cả những điểm “độc hại” đối với đảng trong cuốn sách dầy 544 trang (2) này qui về 4 điểm chính:
1- Lên án những sai lầm và tội ác của đảng cộng sản VN và bôi nhọ một số cán bộ chủ chốt của đảng.
2- Phản đối việc thống nhất đất nước và đề xuất tư tưởng về liên bang VN, về chính phủ miền Nam.
3- Phản đối việc đàn áp tôn giáo và ca ngợi đạo Ki-Tô và kêu gọi trở về với tôn giáo.
4- Phản đối bóp nghẹt tự do dân chủ, đòi tự do báo chí tuyệt đối, đòi cho ra lại tờ “truyền thống kháng chiến.”
Về điểm 1 bản báo cáo nêu ra 8 điều, trong số đó có kể đến những tội ác trong cải cách ruộng đất, chính huấn, và đàn áp trí thức trong vụ án “Nhân Văn - Giai Phẩm”. Chúng tôi chỉ trích dẫn một vài câu của tác giả liên quan đến những vấn đề này.
Trước hết tác giả nói đến báo cáo chính trị do chính Hồ Chí Minh đọc trước đại hội II. Ông trích nguyên văn: “Về lý luận, đảng Lao động VN theo chủ nghĩa Mác Lê-nin, lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.” (trang 150)
Khi gặp riêng ông Hồ, Nguyễn Văn Trấn đã có gan nói với ông ta: “Anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo cho đảng ta.”
Khi nói đến cố vấn Trung Quốc trong cải cách ruộng đất, Nguyễn Văn Trấn viết:
Cái loài cố vấn ấy còn dở sách ra (nói có sách mà) lấy lời của Mao Trạch Đông: “Kiểu uông tất tu quá chỉnh”, mà anh phiên dịch vừa nói vừa ra bộ “như cái cây nó cong về bên hữu, ta muốn uốn nó cho ngay thì tất nhiên là phải bẻ cong nó qua về bên tả, bên trái. Buông ra nó trở lại là vừa.” Cho nên không sợ quá trớn. Có quá trớn mới bớt lại mà ngay được. Đấu tranh ruộng đất là một cuộc cách mạng kinh thiên động địa. Trong một cuộc đảo lộn lớn lắm của cuộc sống, có người chưa quen họ kêu. Không có gì lạ cả. Ta đánh họ đau mà họ không kêu đó mới đáng lấy làm lạ chớ!
Đây mới là thí điểm, nó đòi ta làm hồ sơ trong từng xã. Một xã có từng này bần cố nông thì theo kinh nghiệm Trung Quốc, nhất định phải có bằng này địa chủ.
Độc giả ơi! Anh mà hỏi tôi (dầu cho hồi ấy) có tin những lời thánh thần ấy hay không là anh chửi cha tôi. Tôi giận trong lòng, sao họ khinh miệt dân ta đến như vậy.(trang 166-167)
Nhân nhắc lại chuyện Lê Văn Lương và Nguyễn Đức Tâm bị hạ tầng công tác, Nguyễn Văn Trấn đã để trong ngoặc đơn lời than đau đớn về cải cách ruộng đất:
(…Ôi bằng cải cách ruộng đất, các ngươi đã giết bao nhiêu mạng người!) (trang 197)
Một trăm trang sau ông viết: “Tội ác của cải cách ruộng đất thì nói sao cho xiết.” Và: “Mình phải thay trâu mà kéo cầy nhưng vẫn tin như thật: có cơm chan nước mắt mà lùa là nhờ ơn đảng, ơn Bác.” (Trang 268)
Ngoài cái tội giết người, cải cách ruộng đất còn bị Nguyễn Văn Trấn kết tội phá tan hoang kinh tế:
…Người nông dân đốt mía làm củi đem bán (ở Hà Đông, MV). Cải cách ruộng đất làm cho sản xuất như trẻ con đứng chựng. Rồi cải tạo tư sản đánh cái đòn của nó làm cho kinh tế hóa ra cái gì lúc ấy không có lời văn tả, vì nhân văn giai phẩm đã bị đánh quẹp.
Miền Bắc cứ nghèo, nghèo, nghèo.
Đã là cộng sản thì hết tình, mà còn là chệc nữa thì hảo hán, vậy nên Chu An Lai nói ngay khi ông sang thăm đất nước ta, một cách chí tình và hảo hán: “Ta phải biết làm ra mà ăn, chứ không lẽ cứ ngửa tay mà xin hoài.” “ (trang 211)
Vì ông là đại biểu quốc hội, luật cải cách ruộng đất có đưa ra quốc hội thông qua, nên ông nghĩ mình cũng có trách nhiệm về việc thông qua qua cái luật giết người đó. Nhưng ông níu gấu áo phó chủ tịch nhà nước Tôn Đức Thắng để bào chữa như thế này:
Nếu má tôi đội mồ ngồi dậy mà hỏi: “Tại sao con đồng ý cái luật ác nhân ác đức ấy?” Tôi sẽ thưa: - Luật ấy có ác nhơn, cũng tại người làm. Nè nghe má. Có lần anh chị em Nam Bộ “đại biểu” biểu tôi đến gặp ông già Tôn mà hỏi, tại sao ổng để cho cải cách ruộng dất giết người như vậy?” Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi và nói:
- Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mày biểu tao còn dám nói cái gì?” (trang 266-267)
Về chỉnh huấn, Nguyễn Văn Trấn kể:
Từ khi tôi mới ra miền Bắc, được nói chuyện với những đàn anh có Tây học nhiều, thì thấy ai nấy đều không tán thành cái lối chỉnh huấn mà Mao sáng tác… Ai nấy đều nói chỉnh huấn phản ánh sự cường bạo của bực vua chúa cách mạng “phương Đông”. Là một sự bày vẽ một cách phi nhân, thần thánh tư tưởng của đảng của giai cấp công nhân, rồi bắt người ta theo đó mà kiểm điểm mình…
Tôi nhìn quanh quất thấy có người viết bản kiểm thảo khổ sở. Họ nói khổ sở không phải là nói ra lỗi lầm, mà khổ sở là phải bịa ra lỗi lầm để bản kiểm thảo được coi là thành khẩn…
Thật ra sự học tập chỉnh huấn đã làm cho người cộng sản thơ ngây ngày xưa thấy: học rồi mình chẳng còn ra con người nữa.” (trang 172-173)
Về sự tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Quốc trong khoảng thập niên 60, Nguyễn Văn Trấn ghi nhận:
Ông Hồ chung thủy với Liên Xô mà đồng thuận với chiến lược hòa bình. Nhưng ông không đồng thuận được với đảng (đảng mà ông tổ chức và giáo dục). Nó đem ông ra mà làm tình làm tội. Cái đó ít ai biết. Tôi biết và sẽ nói đây….(trang 325)
Nhờ thân với Bùi Công Trừng, Ưng Văn Khiêm và Xuân Thủy mà Nguyễn Văn Trấn biết được rằng lúc đó đảng là chính Lê Đức Thọ. Thọ đã khống chế được cả ông Hồ, để đưa ra đường lối ngả hẳn về Bắc Kinh. Ai đi chệch bị ghép tội “xét lại”.
Với cái giọng “mẹ đời” Bùi Công Trừng nói với tôi:
- Cái thằng Lê Đức Thọ trước giờ họp, nó đi đi lại lại trong phòng, như thể đội truởng một tổ pháo đi kiểm tra đốc thúc pháo binh chuẩn bị. Nó không hút thuốc. Nhưng hôm nay nó cầm lon thuốc Đại Tiền Môn ở tay này, tay kia nó cầm bật lửa, thứ như chầy giã gạo. Nó đi lựa mặt mà chìa lon. Nguyễn Khánh Toàn, tay ăn hút, thấy thuốc lá Trung Quốc như lân thấy pháo. Nó mở hộp lấy một điếu, ngậm rồi chìa mồm ra. Thằng Thọ đánh bật lửa một cái “beng”. Đứng xa thấy thằng Toàn gật đầu. Thọ đi đến chỗ thằng Huy. Ce petit -thằng nhỏ này bợ hộp thuốc. Lê Đức Thọ cũng đánh bật lửa một cái “beng”. Thằng Huy khoát mồi lửa, chưa đốt thuốc, có lẽ nó đang còn tìm lời văn “Mao nhiều”. Ở một góc phòng thằng Hà Huy Giáp đứng, Lê Đức Thọ tới, nói cái gì, thằng Giáp nghiêm sắc mặt, gật gật đầu. Ba vị ấy được Lê Đức Thọ coi là ba tay có lý luận, mời - biểu- lên tiếng.
Mà trời ới, dưới triều đại Hồ Chí Minh ai được Lê Đức Thọ để ý có cảm tình là má thằng đó đẻ nó đêm rằm tháng bảy.
- Tao nói cho mày nghe nha, Bùi Công Trừng nói tiếp, về chuyện lão Hồ Chí Minh. Tao nghe thằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn Chí Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên nghiên cứu lý luận Mác-Lê-nin. Chuyện nước giao Nguyễn Chí Thanh. Việc đảng, statu quo- Lê Duẩn. (3) Cái thằng tự nhiên muốn làm Khổng Tử này, khó lật nó lắm. Vì nó có công trạng ở Nam Bộ, và mấy bà má ôm nó chum chủm trong lòng.
Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà day mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay, để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc-Hà: “Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà.”
Tao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc: Khi thương trái ấu cũng tròn. Khi ghét bò hòn cũng méo. Và ông nói xụi lơ: Thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra mà!
Bùi Công Trừng nói với tôi như vậy. (trang 328)
Còn Ung Văn Khiêm:
- Trước khi vào hội nghị, tao có tranh thủ nói riêng với ông cụ, là tao sẽ không đưa ra cái nháp bản tuyên bố chung của tao và Novotny, cho ông cụ yên tâm. Vì trong bản thảo ấy ông cụ có thêm mấy chỗ, còn mang tuồng chữ của monsieur Hồ Chí Minh rành rành. Tao nghĩ bản thảo ấy đưa ra không phân bua gì cho tao, mà chỉ làm thớt cho sáu Thọ băm ông cụ…
Hội nghị 9 này có thông qua cái “nghị quyết 9” và mấy anh ấy nói là cũng có trên 10 ủy viên trung ương không bỏ thăm.
Anh Khiêm lộ bí mật.
Tao có hỏi mí ông Cụ có bỏ thăm không. Ông Cụ làm thinh.
“Nghị quyết 9” tạo một cao trào trấn áp, khủng bố đảng viên. Nó cho lập ra ban xét tội và kết án trực thuộc bộ chính trị của trung ương đảng. Ban này có mấy ban viên tôi không nói. Chỉ nói người đứng thớt là Lê Đức Thọ, người làm heo là Trần Quốc Hoàn (tôi nói giọng thịt luộc Chợ Đệm)
Hai vị này toàn quyền quy kết tội: xét lại chống đảng, âm mưu lật đổ, phản cách mạng, tay sai đế quốc.
Nếu đứng về mặt đảng mà anh ra nghị quyết khai trừ 4 tên: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng và Lê Liêm, thì quyền anh trong nội bộ đảng anh.
Đàng này, hiến pháp, luật pháp anh coi như giẻ rách. Ôi! Nói làm chi đến nhân quyền cho xa xôi.” (trang 328-329)
Tiếp theo Nguyễn Văn Trấn đã nói đến trường hợp Hoàng Minh Chính bị bắt và danh sách rất nhiều người bị bắt tiếp theo mà ông chỉ nêu tên 22 người có chức vị, tên tuổi, trong số đó có những người bỏ xác trong tù như Phạm Việt, và có người về đến nhà thì chết như Phạm Kỳ Vân.
Nguyễn Văn Trấn còn đăng nguyên văn đơn khiếu nại của bà Vũ Đình Huỳnh (Phạm Thị Tề) trong đó có nói nặng về Lê Đức Thọ.
Ông Lê Đức Thọ đã nhân danh đảng hành động như nhà độc tài vô nhân đạo với ngay những người bạn, những người đồng chí đã cùng nhau chia sẻ gian lao trong nhà tù đế quốc, những đồng chí đã cưu mang chính bản thân mình trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chỉ vì họ đã suy nghĩ không giống mình và đã dám nói ra những suy nghĩ ấy. Thật là đau đớn và tôi nghĩ nỗi đau đớn ấy se lòng hàng triệu trái tim yêu tự do và công lý. (trang 332)
Sau khi trích dẫn “đơn khiếu nại” của Phạm Thị Tề, Nguyễn Văn Trấn cho rằng bà này làm một việc vô ích vì “chớ hiến pháp và pháp luật bị coi như không có thì thưa” với ai mà làm đơn”. Ông cũng cho rằng có lẽ trong thâm tâm bà ta có ý “viết một bản án, như Nguyễn Ai Quốc viết “bản án chế độ thực dân vậy.” (trang 333)
Nguyễn Văn Trấn đã lên án chế độ bằng những lời lẽ không kiêng nể:
“Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay thật nói không hết…” (trang 345)
Ông gọi những Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ trung Hiếu và linh mục Chân Tín là “tử nạn của chế độ khi vui thì bắt, khi buồn thì tha”. (trang 366)
Ông so sánh và thấy rằng ban đầu khi đảng cần đến người ngoài đảng hợp tác trong chính quyền, thì ít thấy những người đó bị khuyết điểm, Nhưng “đến nay thì từ chủ tịch xã, phường, đến chánh phó chủ nhiệm các khoa, trưởng, phó phòng hành chánh, tuyệt đại bộ phận đều là đảng viên. Mà buồn thay, trong cái quốc nạn tham nhũng hiện nay thì có thể nói thủ phạm hầu hết là đảng viên, vì chỉ có họ mới có quyền để mà tham nhũng.” (trang 368)
Về tình trạng tha hóa của giai cấp công nhân, Nguyễn Văn Trấn khẳng định kẻ trách nhiệm chính là đảng chứ không phải họ: “Chúng ta thường phê phán giai cấp công nhân tha hóa, nhưng quên rằng chính Đảng, Nhà nước vô sản của ta đã làm tha hóa giai cấp công nhân” (trang 384)
Vốn là một nhà báo có tài và năng nổ, Nguyễn Văn Trấn cho người đọc có cảm tưởng rằng mục đích chính của cuốn sách ông viết là nhằm tấn công đảng và nhà nước xhcn về quyền tự do báo chí mà điều 67 của hiến pháp đã quy định: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình…” Mặc dù cái điều ấy cho thòng thêm câu “phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội.” Ông viết:
“Đã nói tự do báo chí sao lại phải xin phép? Chúng tôi rất khó hiểu về quan niệm tự do của các anh. Đã xin phép thì không còn gì là tự do.” (trang 390)
Ông đã không ngần ngại làm một việc so sánh với chế độ thực dân trước kia:
Điều rất khó hiểu là trong chế độ xã hội thuộc địa cũ trước đây của xứ Nam Kỳ (Cochinchine), người cộng sản đã dựa vào quyền tự do báo chí của chánh quốc (Đế quốc Pháp) mà ra báo “L'Avant- Garde” (Tiền Phong) do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn phụ trách, báo Le Peuple và báo Dân Chúng năm 1938 do đồng chí Nguyễn Văn Trấn phụ trách mà không xin phép, chỉ có tờ khai báo đơn giản (simple déclaration) thôi. Còn ngày nay trong chế độ xhcn, -chế độ tự do- mà những người kháng chiến cũ không được quyền ra báo, làm báo, mặc dù hiến pháp đã quy định các quyền tự do của công dân trong đó có quyền tự do báo chí. Thật là kỳ quặc!” (tr.392)
Ông còn đi xa hơn nữa - và không biết sẽ dẫn tới đâu - khi viết:
Chế độ cai trị thuộc địa mở mang đầu óc cho dân tộc sống quá lâu dưới chế độ phong kiến lạc hậu. Và người Saigon cũ, dân Nam Kỳ, sống với chế độ thực dân, đã có sự giác ngộ chính trị đạt được trình độ chín muồi rất sớm.
(Ta tách hẳn cái gọi là “văn hóa ngu dân của thực dân Pháp” ra khỏi tư tưởng dân chủ của nền dân chủ khai sáng Pháp, là làm một việc vô nghĩa)
Đây tôi muốn bày tỏ một điều đáng tiếc là người ta genre (4) Bắc Hà như Trường Chinh, Lê Đức Thọ không thấy những giá trị dân chủ mà nước Pháp sớm đem cho “thần dân Pháp ở Nam Kỳ” và người ta lấy cái không dân chủ, vô luân thường mà đè đầu người đã tập nhiễm dân chủ cách mạng lâu đời rồi thì đè nén như ở các xứ lạnh, tuyết phủ, mặt trời lên, cỏ lại ngóc đầu.” (432)
Chẳng những ông so sánh tự do báo chí ông còn so sánh cả bầu cử và cũng dẫn chứng cho thấy thời Tây tương đối được tự do hơn ngay nay. (trang 433)
Còn việc xuất bản sách thì ông thưa với quốc hội trong ngoặc đơn như sau:
“(Dạ thưa quốc hội, ngày xưa, dưới thời Pháp thuộc việc xuất bản một quyển sách dễ như cơm bữa)” (trang 447)
Nơi đầu phần VI tức phần cuối của tác phẩm, trước khi trích đăng nguyên văn hai bài sám hối của linh mục Chân Tín, Nguyễn Văn Trấn đã nêu lên mấy nguyên tắc đạo lý của nhà triết học duy tâm E. Kant chủ trương lấy nhân vị làm cứu cánh mọi hoạt động, không được coi nhân vị là phương tiện. Ông giải thích lới của Kant như sau:
Nên cắt nghĩa trong vài dòng: nhân vị đem chất liệu lại cho bổn phận. Nhân vị là một cứu cánh tự nhiên do đó nó là tôn nghiêm và trong những điều kiện đó, luân lý chính là sự đối đãi với con người coi như một cưú cánh chứ không phải một phương tiện. (Trang 343)
Cảm nghĩ về tác giả và tác phẩm “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội”
Gấp cuốn sách lại, người đọc cảm thấy thương tác giả; và tiếc rằng ông đã để cả cuộc đời phục vụ một lý tưởng, tưởng rằng cao đẹp mà kết cuộc, như có lẽ chính ông cũng đã nhìn thấy rõ trong những ngày cuối đời ông, nó chỉ là ảo tưởng, “bánh vẽ”. Ông đã cố biện minh cho lựa chọn của ông trong quá khứ bằng cách nhắc lại “những phát kiến cách mạng xã hội “ của Mác, những “tư duy đầy sức sống” của Lê-nin, lòng “nhân ái, tinh thần dân tộc” của Hồ Chí Minh. Nhưng không úp mở ông lên án tư tưởng Mao Trạch Đông, và nhất là tư tưởng độc tài của"genre Bắc-Hà” như Trường Chinh, Lê Đức Thọ. Mọi tội lỗi của đảng xem ra ông muốn đổ hết lên đầu nhóm lãnh đạo miền Bắc. Không ai nghi ngờ ông chủ trương một nước riêng của miền Nam mà theo ông, những người lãnh đạo phải gồm những người đã từng được hấp thụ văn hóa của một nước Pháp tiên phong trong cách mạng dân chủ tư sản. Ông là người cộng sản, nhưng lại ước muốn - và có vẻ luyến tiếc - một nền dân chủ tư sản, dù chỉ là “tương đối.”
Riêng về Hồ Chí Minh ông trưng dẫn rất nhiều chỗ chứng tỏ ông mến phục vị lãnh tụ của ông. Ông muốn bắt chước người xưa khắc trên bia mộ của triết gia duy tâm Kant câu nói thời danh của ông này, để “khắc trên nắp mồ của Hồ Chí Minh, chôn trong lòng tôi câu: “Người ấy sống có luân thường”. Ông đã trích di chúc của ông Hồ mong các đảng anh em đoàn kết. Rồi gọi Phan Văn Khải: “Chú Khải ơi, … có đêm nào chú trằn trọc nghĩ mà thương cụ Hồ không?” Nhưng cũng có chỗ ông viết “lão Hồ Chí Minh” (trang 328). Chỗ khác ông trưng dẫn câu nói bất hủ của ông Hồ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…” và coi câu đó là lý do để đảng của nhóm Trường Chinh, Lê Đức Thọ vội vã thống nhất đất nước liền sau giải phóng (1976). Mà ông thì hoàn toàn phản đối việc thống nhất đó. Vì vậy tuy không dám nói ra, ông đã ngầm chê, nếu không nói là oán ông Hồ rồi vậy. Nhiều lần ông đã dùng câu: “Bác nói thì thôi” để cho thấy ông phục ông Hồ, hay ít ra cũng nể ông Hồ. Không có ý tranh luận làm chi. Ông cũng trả lời “dạ thưa, bác nói thì thôi” khi ông Hồ hỏi ông giải đáp về dân chủ tập trung “như vậy có đuợc không?” Ông đã thuật lại lời ông Hồ giải thích như sau:
Như các cô, các chú có đồ đạc, tài sản gì đó thì các chú các cô là chủ, đó là dân chủ. Các chú các cô không biết giữ, tôi giữ giùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa lại và bỏ chìa khóa vào túi tôi đây. Đó là tập trung.
Giải thích dân chủ tập trung như thế mà “Dạ thưa, bác nói thì thôi”, thì đúng là “thì thôi”. Dầu sao thì khi kể lại những mẩu chuyện mà Bùi Công Trừng và Ung Văn Khiêm nói về đại hội trung ương đảng để chuẩn bị đưa ra nghị quyết 9 vào cuối năm 1963 ông đã muốn bào chữa cho ông Hồ, coi như ông này bị đàn em khống chế mà phải quyết đánh miền Nam, chứ trong thâm tâm ông ta vẫn muốn theo đường lối sống chung hòa bình của Khrút-sốp vào thời gian ấy. (6)
Tôi dám chắc độc giả miền Nam - nhất là những người thuộc lớp “cựu kháng chiến” - khi đọc cuốn sách này sẽ rất thích. Vì nó đã được viết bằng một giọng văn đặc miền Nam, mà lại là giọng văn nói rất dễ đi vào lòng người. Nội dung của nó thì như đã trình bày ở trên, đúng như nhận xét của “nhóm công tác viên” đã báo cáo, gồm những điểm rất “độc hại” cho đảng. Ông đã kể ra không biết bao sự việc chứng tỏ đảng không sáng suốt, độc tài, bưng bít, mờ ám. Ông đã lên án nặng nề đảng đã tàn sát nhiều người, giam giữ bất hợp pháp nhiều đảng viên có phẩm chất tốt dám nói lên những sai lầm của đảng.
Ông cũng đã dành gần một trăm trang sách để ghi lại nguyên văn những lời phê bình, lên án đảng của những người như Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu và vợ là bác sĩ Đỗ Thị Văn, Nguyễn Mạnh Tường, Chân Tín, Hữu Loan, Phạm Thị Tề…
Ở phần kết luận ông đã viết: “Kết Thúc. Cái mà nói rằng viết cho quốc hội là đây. Viết thư làm đơn xin tự do báo chí….” (trang 463)
Câu trên nhắc người đọc nhớ lại có chỗ ông đã phê bình bà Phạm Thị Tề về việc làm đơn khiếu nại cho chồng, con và ông còn nói đáng lẽ bà Tề phải đề “bản cáo trạng chế độ” mới đúng. Thì đây tại sao ông lại cũng viết “làm đơn xin tự do báo chí"? Thực sự cuốn sách này không phải là đơn từ xin xỏ gì cả. Nó đúng là một bản cáo trạng chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay của chính một trong những ngưòi đã “có công” trong việc lãnh đạo đảng cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945. Cuốn sách của ông đáng lý phải có phần kiểm điểm những sai lầm của chính ông trong khi mù quáng theo cộng sản mà tàn sát những người chống cộng khi ông còn có quyền có thế ở miền Nam, trước khi bị điều ra miền Bắc.
Dầu sao thì cuốn sách của ông đúng là một đòn chí tử đánh vào sự lãnh đạo của đảng và gián tiếp vào cnxh của Mác. Vì vậy mà nhóm công tác đặc biệt, sau khi đọc kỹ và phân tích cặn kẽ tác phẩm đã trình lên cho Đào Duy Tùng nhận xét sau đây:
"Đây là một cuốn sách đả kích cay độc Đảng ta và tác động mạnh mẽ tâm lý tư tưởng của người đọc, một cuốn sách phản động nhất trong những cuốn sách phản động! Bởi vì nó đã bêu xấu, chửi bới và lên án Đảng ta một cách toàn diện và có hệ thống."
Có một điều khá thú vị là một người cộng sản theo thuyết Mác-xít duy vật kỳ cựu như Nguyễn Văn Trấn lại trưng dẫn Emmanuel Kant là nhà duy tâm học tổ bố. Hơn nữa lại nói đến “nhân vị” là điều tối kỵ đối với các nhà lãnh đạo miền Bắc. Người ta còn nhớ Tố Hữu và Trường Chinh đã lên án nhóm Nhân Văn Giai Phẩm năm 1957 rằng “Thấy kẻ thù nói Nhân Vị, bọn chúng cũng nói Nhân Văn."
--------------------------------------------------------------------------------
Bài do tác giả gởi đến. DCVOnline biên tập và minh hoạ
(*) “Viết cho mẹ và quốc hội” ra, Nguyễn Văn Trấn, Văn Nghệ (Cali) tái bản lần thứ nhất, trang 345.
(1) Lúc ấy là lâm thời, gọi là phó bí thư xứ ủy Nam Kỳ, dưới bí thư Bùi Công Trừng.
(2) Trong cuốn mà nhà xuất bản Văn Nghệ, California tái bản lần thứ nhất năm 1995 thì số trang là 504. Trong soạn phẩm này chúng tôi ghi theo số trang của nhà X.B. Văn Nghệ.
(3) Statu quo = giữ nguyên trạng (Latinh)
(4) Tiếng Pháp có nghĩa là “loại”, loài hay giống.
(5) Emmanuel Kant (1724-1804) triết gia duy tâm người Đức, tác giả cuốn “Critique de la raison pure” và “Critique de la raison pratique”. (Tạm dịch: Phê bình về thuần lý; và phê bình về thực lý)
(6) Viết đến đây chúng tôi tạm ngưng cầm tờ tuần san Saigon Nhỏ lên xem thì gặp Đào Nương, trong mục Phiếm Dị. Bà chìa cho xem bức thư của ông Đỗ Bồng Châu nào đó ở Virginia lên án các đảng viên cộng sản “phản tỉnh vì thất sủng”, trong đó có Bùi Tín và Nguyễn Văn Trấn. Bức thư có đoạn: “…Riêng về tên Nguyễn Văn Trấn, tác giả của tập sách được một số báo ở hải ngoại ca tụng “Viết cho mẹ và quốc hội” ra, thì đồng bào trong Nam còn ai xa lạ gì tội ác của tên này. Hắn giết hàng ngàn người vô tội bị hắn kết án là Việt gian đến nỗi hắn được đồng bào đặt cho hỗn danh là “hung thần Chợ Đệm”.
Chúng tôi ghi lại điều này để phản ánh một cái nhìn từ phía độc giả, hầu rộng đường phán xét.
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3394
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire