1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

samedi 19 mai 2007

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nuôi dưỡng tham nhũng

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nuôi dưỡng tham nhũng
Nguyễn Mạnh Sơn

Đành rằng tham nhũng là biểu hiện thoái hoá, biến chất của một bộ phân cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhưng ở mức độ quá tải và có hệ thống như nước ta thì phải nhìn nhận rằng tham nhũng là một quốc nạn. Vì vậy, ta thử đi sâu phân tích xem tham nhũng vì sao đã phát triển để trở thành nguy cơ.

Cũng cần xác định ngay là ngày hôm nay mọi người đều dễ dàng đồng thuận rằng, muốn nhân dân có hạnh phúc và xã hội phát triển thì chỉ có một con đường là công nghiệp hoá và chấp nhận kinh tế thị trường.

Ðề cập đến kinh tế thị trường cũng cần đánh giá rằng mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kết quả của sự vận dụng “sáng tạo” của Đảng ta. Tuy nhiên, với một hình thái kinh tế xã hội mà hạ tầng là kinh tế thị trường và thượng tầng là xã hội chủ nghĩa thì xã hội phải chịu cùng một lúc sự chi phối của hai cơ chế ngược nhau. Trong trường hợp “tốt” nhất thì hai cơ chế này lúc nào cũng “rình” để phủ định nhau. Trong tình thế “xấu” nhất thì chúng sẽ biết kết hợp với nhau.

“Xấu” hay “tốt” thì người dân nghèo thấp cổ bé họng sẽ bị cả hai cơ chế ràng buộc và trắng trợn bóc lột. Kẻ có quyền, có tiền sẽ lợi dụng được cả hai cơ chế để móc nối và chơi trò “bật tường” hoặc trò “ú tim”, khi thì núp dưới cơ chế này, lúc thì núp dưới cơ chế kia. Hệ lụy dĩ nhiên là không có luật pháp nào quản lý nổi . Sự phân hoá giàu nghèo, việc hình thành giai cấp tư sản, nạn thất nghiệp và bóc lột lao động… nghĩa là tất cả những cái mà “Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học” muốn tránh… lại đang lù lù tiến đến mặc dù ta không muốn công nhận.

Người lao động nghèo sẽ có cảm giác mình là đối thủ bị đặt vào thế yếu vì bị “trọng tài” giữ tay. Chúng ta đang đứng trước tình trạng mà người đứng ra đại diện cho công nhân lại trở thành tay chân ngoan ngoãn của chủ nhân (đây là chủ thực sự còn công nhân chỉ là chủ danh nghĩa).

Với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng đã bị đánh tráo và giai cấp vô sản tay trắng là giai cấp bị phản bội trước tiên.

Điều rất đúng với qui luật biện chứng là khi chúng ta định dùng chuyên chính vô sản để đánh tư bản mà không đánh đổ được thì con người lại dùng ngay chuyên chính vô sản làm phương tiện để tránh cửa ải tự do cạnh tranh để ngang nghiên thành tư, một thứ tư bản lưu manh và bệnh hoạn.

Điều này đã giải thích vì sao chỉ sau 15 năm năm đổi mới, các vị lãnh đạo từ địa phương đến trung ương lại giàu đến như vậy : Cho dù ban đầu một nhân viên nhà nước không có tư tưởng tham nhũng, nhưng nếu anh được đặt vào vị trí “thơm” thì “lộc” do địa vị đem lại cũng làm cho anh nhanh chóng giàu có . Và cuộc cạnh tranh để có một chỗ ngồi “thơm” này thật quyết liệt và sôi động. Tình trạng này không như ở các nước tư bản, nơi mà muốn lấy lòng dân phải trình bày được các mục tiêu phấn đấu có lợi cho quốc kế cho dân sinh ; phải đề xướng những chương trình hành động nếu như được trúng cử ; phải giữ mình để mọi người thấy mình là trong sạch …. Tức mình phải thể hiện được mình là người tài đức. Ở ta , xã hội dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản thì dân không là cái “đinh” gì cả . Điều quan trọng là phải lọt vào các cặp mắt xanh của các ban tổ chức huyện uỷ, quận uỷ, thành uỷ, ban tổ chức trung ương ; lọt được vào mắt xanh của các đồng chí bí thư.

Như vậy là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là miếng đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng phát triển. Mô hình này sẽ phát sinh mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt, song song với một quá trình “diễn biến hoà bình”. Cái ruột kinh tế thị trường ngày càng lớn mạnh sẽ làm rách cái vỏ xã hội chủ nghĩa (Tồn tại xã hội quyết định ý thức tư tưởng). Chỉ đến lúc đó kinh tế xã hội nước ta mới hòa chung với kinh tế xã hội thế giới.

Nhưng từ giờ cho đến khi sự kiện này xẩy ra, chắc chắn rằng tốc độ phát triển của ta sẽ rất chậm so với bước tiến chung của nhân loại vì những cản trở của cái vỏ xã hội chủ nghĩa.

Hải Phòng ,15 tháng 9 năm 2006
Nguyễn Mạnh Sơn

http://www.danchu2006.com/PageHtm/ChuyenMuc/HoSoThamNhung/HoSoThamNhung.htm

Aucun commentaire: