1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

lundi 11 juin 2007

Bệnh tự "bơm vá" cho mình và tệ sùng bái cá nhân

Bệnh tự "bơm vá" cho mình và tệ sùng bái cá nhân không phải căn bệnh mới mẻ với CNXH. Stalin, Mao, Hồ Chí Minh... đều mắc phải:

=============

Tệ sùng bái cá nhân sở dĩ đạt đến mức độ khốc hại là vì chính bản thân Stalin đã dùng mọi phương pháp để thúc đẩy sự tán dương cá nhân mình. Ðiều này đã được vô số sự kiện chứng minh. Một trong những thí dụ tiêu biểu nhất của sự tôn thờ bản thân và sự thiếu khiêm tốn ở mức cơ bản của Stalin là cuốn "Tóm lược tiểu sử Stalin" ấn hành vào năm 1948.(1)

Cuốn sách này là thứ xu nịnh ghê tởm nhất, là điển hình cho việc làm thế nào để biến một người - Stalin - thành một vị thánh sống, một hiền nhân không thể sai lầm, một "lãnh tụ vĩ đại nhất", một "chiến lược gia đại tài của mọi thời đại và mọi dân tộc". Cuối cùng, người ta không tìm nổi từ ngữ để tâng bốc Stalin lên tận mây xanh.

Chẳng cần nói dài dòng về sự tôn sùng thần tượng ghê tởm đầy rẫy trong cuốn sách. Chỉ cần nói rằng tất cả những thứ nói trên đã được Stalin chấp thuận và biên tập, thậm chí chính đồng chí ấy còn tự tay bổ sung vào bản in thử của cuốn sách.

Trong cuốn sách ấy, Stalin coi điều gì là mấu chốt? Ðồng chí ấy có muốn giảm bớt nhiệt tình của những kẻ xu nịnh biên soạn cuốn Tóm lược tiểu sử ấy không? Hoàn toàn không! Stalin đã có những nhận xét ở chính các đoạn, mà theo đồng chí ấy, người ta khen ngợi chưa đầy đủ công trạng của mình.

Vài thí dụ sau đây có thể cho ta thấy tính chất của những phần "bổ khuyết" do Stalin tự tay viết:

Sau khi Lênin rời chiến trường, trong cuộc đấu tranh chống bọn nhu nhược và bọn đầu hàng, bọn trốt-kít và bè lũ Dinôviép, bọn Bukharin và bọn Kamênép, đã hình thành vĩnh viễn nhóm hạt nhân lãnh đạo đảng. Bảo vệ ngọn cờ vinh quang của Lênin, nhóm này đã đoàn kết đảng quanh di chúc của Lênin và dẫn dắt nhân dân Liên Xô trên con đường rộng mở của công nghiệp hóa và hợp tác hóa nông nghiệp. Ðồng chí Stalin là người lãnh đạo nhóm hạt nhân ấy, là động lực lãnh đạo đảng và nhà nước.

Chính Stalin đã tự mình viết ra những câu trên! Rồi đồng chí ấy còn chua thêm:

Stalin thực hiện một cách tài tình những nhiệm vụ của người lãnh đạo đảng và dân tộc và được sự ủng hộ toàn diện của nhân dân Liên Xô, tuy thế, đồng chí không hề cho phép mình kiêu ngạo, khoe khoang hay tán tụng cá nhân.

Ðã ở đâu và khi nào, người ta thấy một lãnh tụ tự tán tụng mình như thế chưa? Thử hỏi điều ấy có xứng đáng với một người lãnh đạo mác-xít - lê-nin-nít hay không? Không! Chính Mác và Ăngghen đã cương quyết chống lại việc đó. Lênin cũng luôn luôn lên án nghiêm khắc những hành động như thế.

Trong bản thảo cuốn Tóm lược tiểu sử nói trên, có một câu như sau: "Stalin là Lênin của thời đại ngày nay." Có điều Stalin thấy nhận định ấy còn quá nhẹ, vì vậy đồng chí ấy đã tự tay sửa lại: "Stalin là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của Lênin, hoặc - như người ta thường nói trong đảng - Stalin là Lênin của thời đại ngày nay." Câu nói thật hay, nhưng không phải từ nhân dân mà tự Stalin đã nói ra.

Ta có thể đưa ra nhiều thí dụ do chính tay Stalin viết - nhằm tán dương mình - trong bản thảo cuốn Tóm lược tiểu sử đó. Stalin đặc biệt hào phóng khi tự tặng cho mình những lời khen ngợi về thiên tài quân sự, về tài năng cầm quân, v.v...

Tôi xin kể thêm một đoạn bổ sung do Stalin tự tay chêm vào về thiên tài quân sự của mình:

Ðồng chí Stalin tiếp tục phát triển khoa học quân sự xô-viết, vốn đứng hàng đầu. Ðồng chí Stalin đã thảo ra luận đề về những yếu tố thường xuyên quyết định vận mệnh chiến tranh và hàng loạt học thuyết khác: về sự phòng thủ tích cực và các quy luật của phản công và tấn công, về sự cộng tác giữa các binh chủng quân đội và kỹ thuật quân sự cạnh những điều kiện của chiến tranh đương đại, về vai trò của những đoàn chiến xa và phi cơ trong chiến tranh hiện đại, về vai trò của pháo binh - binh chủng hùng mạnh nhất của quân đội. Trong mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc chiến, thiên tài Stalin luôn tìm ra những giải pháp đúng đắn, hoàn toàn căn cứ vào các đặc điểm của tình hình. (Phòng họp xôn xao)

Rồi Stalin tiếp tục:

Nghệ thuật cầm quân của Stalin đã được thể hiện trong phòng thủ cũng như tấn công... Bằng sự sáng suốt anh tài, đồng chí Stalin đã nhận biết và làm thất bại những kế hoạch của địch. Những trận giáp chiến - khi đồng chí Stalin điều khiển quân đội Liên Xô - là những bài học xuất chúng của nghệ thuật quân sự.

Stalin tự tâng bốc bản thân như một lãnh tụ quân sự. Và ai đã làm tất cả những việc này? Chính Stalin, không phải trên địa vị một thống soái mà như một tác giả kiêm chủ biên, như tác giả chính của cuốn tiểu sử đầy rẫy những lời ca tụng bản thân.

Thưa các đồng chí, những sự thật là như thế. Và tôi phải nói một cách chắc chắn rằng đó là những sự thật đáng hổ thẹn.

Và còn thêm một sự kiện nữa từ cuốn Tóm lược tiểu sử này. Như mọi người đều biết, cuốn Tóm tắt lịch sử đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô đã được một ủy ban của Ban chấp hành trung ương thảo ra.(2)

Một nhóm tác giả đã được lựa chọn để viết cuốn sách này, họ cũng bị tác động của tệ sùng bái cá nhân. Sự kiện này được thể hiện trong đoạn sau đây của bản in thử của cuốn Tóm lược tiểu sử:

Một ủy ban của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô - dưới sự lãnh đạo và tham gia tích cực nhất của cá nhân đồng chí Stalin - đã soạn thảo cuốn "Tóm tắt lịch sử đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô".

Tuy vậy, nhận định trên vẫn không làm Stalin thỏa mãn. Nó được Stalin bổ sung như sau trong bản in cuối cùng của cuốn sách:

Năm 1938, cuốn "Tóm tắt lịch sử đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô" được phát hành. Cuốn sách do đồng chí Stalin viết(3) và được ủy ban đặc biệt của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô thông qua.

Thử hỏi ta còn có thể nói thêm được điều gì nữa? (Phòng họp ồn ào)

Như các đồng chí có thể thấy, một sự sửa đổi lạ lùng đã biến một công trình tập thể thành cuốn sách do Stalin viết. Thiết tưởng không cần phải nói là sự sửa đổi này đã diễn ra như thế nào và tại sao.

Muốn hay không, một câu hỏi được đặt ra: nếu quả thực Stalin là tác giả cuốn sách, tại sao phải tán tụng cá nhân Stalin đến thế, tại sao phải biến đổi toàn bộ giai đoạn lịch sử sau cách mạng tháng Mười của đảng cộng sản vinh quang của chúng ta thành sự nghiệp của riêng "thiên tài Stalin"?

Thử hỏi cuốn sách này có phản ánh một cách đúng đắn những cố gắng của đảng ta trong công cuộc biến đổi xã hội, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, công nhiệp hóa và công cộng hóa đất nước, cũng như những biện pháp khác do đảng chủ trương theo đúng con đường Lênin đã vạch ra? Cuốn sách này chủ yếu chỉ nói về Stalin, về những bài diễn văn, những bản báo cáo của đồng chí ấy. Không hề có một ngoại lệ, dù nhỏ mọn nhất: mọi sự việc đều gắn liền với tên tuổi Stalin.

Và khi bản thân Stalin tuyên bố chính mình đã viết cuốn Tóm tắt lịch sử đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô, người ta không khỏi ngạc nhiên. Một người mác-xít - lê-nin-nít có thể đề cao cá nhân mình lên tận mây xanh như thế được không?

Hoặc chúng ta hãy xem xét những Giải thưởng Stalin. (Phòng họp xôn xao)

Ngay cả các Nga hoàng cũng chưa bao giờ lấy tên mình để đặt cho các giải thưởng như thế.

Stalin đã chọn, coi như hay nhất, một bản quốc thiều cho nhà nước Liên Xô, trong /1 không có một câu nào nói đến đảng cộng sản, ngược lại, có một đoạn vô song về Stalin như sau:

Và Stalin dạy dỗ chúng ta trung thành với nhân dân. Ðể trong công việc cũng như trong chiến trận, chúng ta thành người anh hùng.(4)

Trong những vần thơ này của bản quốc thiều, toàn thể sự nghiệp của đảng lê-nin-nít trên các lĩnh vực giáo dục, chỉ đạo và động viên đều thuộc về Stalin. Cố nhiên, điều này sai lạc hẳn với học thuyết Mác-Lênin, là sự coi thường và hạ thấp rõ rệt vai trò của đảng. Tôi xin thông báo với các đồng chí là Ðoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương đã thông qua một nghị quyết về việc viết lời mới cho bản quốc thiều, phản ánh vai trò của nhân dân và của đảng. (Vỗ tay rầm rộ và kéo dài)

Phải chăng Stalin không hề biết gì về việc người ta đã lấy tên đồng chí ấy đặt cho nhiều nhà máy và thành phố lớn? Phải chăng Stalin không hề biết gì về việc người ta đã xây đắp trong toàn quốc những tượng đài Stalin - những đài kỷ niệm cho một người còn sống? Một điều ai cũng biết là chính Stalin - ngày 2-7-1951 - đã ký quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về việc xây dựng bức tượng Stalin đồ sộ bên bờ kênh đào Vônga-Ðôn; ngày 4-9 cũng năm ấy, Stalin hạ lệnh nấu chảy 33 tấn đồng để xây dựng bức tượng kỳ vĩ đó. Ai có dịp đến thăm vùng Stalingrát, chắc chắn đều thấy pho tượng khổng lồ, dù nó được xây đắp ở một nơi không mấy ai qua lại. Những khoản tiền khổng lồ bị tiêu phí trong việc xây dựng đài kỷ niệm này trong khi dân chúng vùng đó - từ hồi chiến tranh - còn sống trong lều tranh vách đất(5). Các đồng chí hãy nghĩ xem, Stalin nói thật hay không khi đồng chí ấy viết trong cuốn tiểu sử của mình:

Ðồng chí không hề cho phép mình kiêu ngạo, khoe khoang hay tán tụng cá nhân mình.(6)

src
------

Chúng ta thường biết tới Stalin như người có công tiêu diệt Phát Xít Đức trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II:

Khi xem các tiểu thuyết, phim ảnh và những công trình "khoa học" về lịch sử của chúng ta, ta thấy Stalin có vai trò hầu như không thể tưởng tượng nổi trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Theo đó, Stalin đã tiên đoán tất cả. Quân đội Liên Xô theo kế hoạch chiến lược do Stalin định sẵn từ lâu, đã sử dụng chiến thuật "phòng ngự tác chiến" (nghĩa là chiến thuật cho phép lính Ðức tràn vào tận Moskva và Stalingrát). Áp dụng chiến thuật này, hình như chỉ nhờ thiên tài của Stalin, quân đội Liên Xô đã chuyển thế thủ thành thế công và đánh bại quân thù. Chiến thắng mang tầm quan trọng lịch sử do các lực lượng vũ trang xô-viết và do nhân dân Liên Xô anh dũng đạt được, đã bị coi là kết quả thiên tài quân sự của Stalin(1) trong những thứ sách vở, phim ảnh và các "công trình khoa học" như thế.

Vậy sự thật ra sao? Khrushốp cho biết:

Trong và sau cuộc chiến tranh, Stalin đã đưa ra ý kiến cho rằng thảm trạng mà nhân dân ta phải trải qua trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh là hậu quả cuộc tấn công "bất thình lình" của quân đội Ðức chống Liên Xô. Nhưng thưa các đồng chí, điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Ngay khi Hítle nắm quyền chính ở Ðức, y đã tự đặt cho mình sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa cộng sản. Bọn phát-xít đã tuyên bố một cách thẳng thừng về điều đó, không hề giấu giếm những ý đồ của chúng.

Ðể đạt được mục đích xâm lăng, chúng đã thiết lập đủ các loại hiệp ước và khối trục. Thí dụ: "trục" Berlin - Rôma - Tôkiô khét tiếng. Nhiều sự kiện xảy ra ở thời kỳ trước chiến tranh chứng tỏ Hítle chuẩn bị ráo riết cuộc tấn công chống nhà nước xô-viết và y đã tập trung những lực lượng quân sự lớn (trong đó có các quân đoàn thiết giáp) ở dọc biên giới Liên Xô.

Nhiều tài liệu mới công bố hiện nay cho thấy từ ngày 3-4-1941, Sớcsin (Churchill) - thông qua ông Cripps, đại sứ Anh ở Liên Xô - đã nhắc Stalin việc nước Ðức Quốc xã bắt đầu tổ chức lại quân lực nhằm mở cuộc tấn công Liên Xô. Dĩ nhiên, Sớcsin hành động như thế không phải vì ông ta có thiện cảm với nhân dân xô-viết. Những mục tiêu đế quốc của cá nhân Sớcsin đã dẫn dắt ông trong việc này: xô đẩy nước Ðức Quốc xã và Liên Xô vào cuộc chiến đẫm máu, từ đó củng cố cho địa vị đế quốc Anh.

Tuy vậy, Sớcsin kể lại trong hồi ký của mình là ông cố gắng "yêu cầu Stalin chú ý đến hiểm họa đang đe dọa"(2). Sớcsin nhấn mạnh điểm này trong các điện tín gửi ngày 18-4 và những ngày sau đó. Nhưng Stalin không hề để ý, thậm chí còn hạ lệnh cho mọi người đừng tin vào những thông tin kiểu ấy để tránh "gây ra những cuộc hành quân".

Chúng ta cần nhận định rằng những thông tin về việc nước Ðức đang chuẩn bị một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ Liên Xô, cũng đã được các nguồn tin quân sự và ngoại giao của chúng ta đưa ra. Nhưng như chúng ta thấy, ban lãnh đạo đã nhận được lệnh không được tin vào những tin đó. Cho nên, với một nỗi lo âu nhất định, các tin này chỉ được gửi đi cùng những nhận định rất dè dặt về tình thế lúc bấy giờ.

Chẳng hạn, trong báo cáo gửi từ Berlin ngày 6-5-1941, tùy viên quân sự Liên Xô, đại úy Vôrônxốp viết:

Một công dân Liên Xô tên là Bôde đã báo cho phó tùy viên phụ trách hải quân: như một sĩ quan Ðức - làm việc ở Tổng Hành dinh của Hítle - được biết, nước Ðức chuẩn bị tấn công Liên Xô vào ngày 14-5 từ hướng Phần Lan, các nước Bantơ và nước Lítva. Cùng một lúc, không quân Ðức sẽ tấn công ồ ạt Moskva và Lêningrát, và quân nhảy dù sẽ chiếm cứ các thành phố dọc biên giới...

Trong báo cáo ngày 22-5-1941, phó tùy viên quân sự ở Berlin, Khlôpốp thông báo:

Cuộc tấn công của quân đội Ðức đã được ấn định vào ngày 15-6, nhưng cũng có thể sẽ diễn ra trong những ngày đầu tháng Sáu.

Bức điện tín từ tòa đại sứ của ta ở Lônđơn gửi về ngày 18-6-1941, viết:

Cripps tin chắc rằng đụng độ vũ trang giữa Ðức và Liên Xô là không thể tránh khỏi, và cuộc chiến tranh này sẽ xảy ra chậm nhất là vào khoảng giữa tháng Sáu. Theo Cripps, quân Ðức hiện đang tập trung 147 sư đoàn (kể cả không quân và các lực lượng trợ ứng) dọc biên giới Liên Xô...

Phó mặc những lời nhắc nhở nghiêm trọng như thế, không có một biện pháp thiết yếu nào được đưa ra để nước ta có thể chuẩn bị một cách thích đáng công cuộc tự vệ và chống trả cuộc tấn công bất ngờ(3).

Chúng ta có đủ thì giờ và khả năng thực hiện công cuộc chuẩn bị này không? Tất nhiên, có! Chúng ta có thì giờ và đủ khả năng. Nền công nghiệp của chúng ta đã phát triển đến mức có thể cung cấp mọi nhu cầu cho quân lực Liên Xô. Ðiều này được chứng minh bởi thực tế sau: trong những năm đầu thời chiến tranh, mặc dầu chúng ta bị mất phân nửa nền công nghiệp cùng những vùng công nghiệp và nông nghiệp quan trọng ở Ukraina và phía Bắc Kápkadơ và những vùng miền Tây đất nước do sự chiếm đóng của quân thù, nhà nước xô-viết vẫn tổ chức được việc sản xuất quân nhu ở các vùng nông thôn phía Ðông, vẫn đưa vào hoạt động những thiết bị được chuyển từ các khu công nghiệp miền Tây và đã cung cấp cho quân đội mọi nhu cầu thiết yếu để tiêu diệt kẻ địch.

Nếu nền công nghiệp chúng ta được vận động kịp thời và đúng mức để cung cấp quân đội ta những khí cụ cần thiết thì các tổn thất của ta trong thời chiến hẳn đã giảm bớt rất nhiều. Nhưng cuộc vận động này không được thi hành đúng lúc. Ngay trong những ngày đầu chiến tranh, rõ ràng là quân lực ta được vũ trang tồi tệ, không đủ đại bác, chiến xa và phi cơ để đẩy lùi quân địch.

Ngay từ thời kỳ trước chiến tranh, nền khoa học và kỹ thuật Liên Xô đã phát triển các loại chiến xa và đạc bác tuyệt diệu. Có điều việc sản xuất hàng loạt những loại vũ khí này đã không được tổ chức kịp thời và trong thực tế, ta chỉ bắt đầu hiện đại hóa vũ khí trước ngày chiến tranh bùng nổ mà thôi. Thành thử, khi quân thù tấn công lãnh thổ xô-viết, chúng ta chẳng có những thiết bị cũ - không còn được sử dụng trong công nghiệp quân sự -, và cũng chưa có những thiết bị mới, khi ấy mới bắt đầu được chế tạo trong các xưởng khí cụ. Ðặc biệt, pháo binh của ta rất yếu; ta cũng chưa tổ chức sản xuất đạn dược chống xe bọc thép. Nhiều vùng chiến lược được phòng thủ kiên cố, nhưng rút cục không đương đầu nổi sức tấn công của quân thù vì những loại vũ khí cũ đã bị loại bỏ, nhưng vũ khí loại mới chưa được sản xuất.

Sự kiện này, đáng tiếc, không chỉ xảy ra với chiến xa, pháo binh và phi cơ. Ðầu cuộc chiến, ta còn không đủ cả súng trường để cung cấp cho số binh lính mới được điều động. Tôi còn nhớ trong những ngày đó, tôi đã gọi điện thoại từ Kiép cho đồng chí Malenkốp(4) và nói: "Nhiều chiến sĩ tình nguyện xin nhập ngũ và họ đòi cấp súng đạn. Yêu cầu gửi vũ khí cho chúng tôi."

Ðồng chí Malenkốp trả lời: "Chúng tôi không thể gửi vũ khí cho đồng chí được. Chúng tôi đã gửi tất cả súng trường cho Lêningrát. Các đồng chí phải tự vũ trang lấy." (Cả phòng họp xôn xao)

Tình trạng về vũ khí là như thế.

Liên quan đến vấn đề này, chúng ta không nên quên sự kiện sau đây. Ít lâu trước khi quân Hítle mở cuộc tấn công chống Liên Xô, đồng chí Kóocpônốp - thời ấy là Tư lệnh Quân sự Ðặc biệt Quân khu Kiép (sau này hy sinh ở trận tuyến) - báo cáo cho Stalin biết quân Ðức đang dừng chân ở bờ sông Bugơ và đang chuẩn bị lực lượng, chắc chắn chúng sẽ mở cuộc tấn công trong những ngày gần tới. Do đó, đồng chí đề nghị phải thiết lập một hệ thống phòng thủ lớn, di tản khoảng 800 ngàn dân sự khỏi các vùng giáp biên giới và xây dựng hàng loạt những đầu mối phòng ngự bằng cách thiết lập những công sự chống chiến xa, những chiến hào, v. v...

Moskva trả lời rằng những biện pháp như thế là một hành động khiêu khích, không nên khởi sự bất kỳ hành động phòng thủ gì dọc biên giới để quân Ðức mượn cớ mở cuộc hành quân chống lại ta. Do đó, các vùng biên giới của ta không được chuẩn bị đầy đủ để đẩy lùi cuộc tấn công của quân địch

Khi quân đội phát-xít thực sự xâm lấn lãnh thổ xô-viết và những cuộc hành quân của chúng đã khởi đầu, Moskva vẫn ra lệnh không được bắn trả những cuộc pháo kích của quân đội Ðức. Thử hỏi tại sao? Vì Stalin, mặc dầu sự việc đã rành rành, vẫn cứ tưởng chiến tranh chưa xảy ra, tất cả những điều này chỉ là hành động khiêu khích của vài đơn vị binh lính vô kỷ luật trong quân đội Ðức, đòn giáng trả của chúng ta sẽ là cái cớ cho người Ðức làm bùng nổ cuộc chiến.

Sự thật sau đây cũng được nhiều người biết đến. Ngay trước khi quân Ðức xâm chiếm lãnh thổ Liên Xô, một công dân Ðức đã vượt biên giới và cho biết quân Ðức được lệnh tấn công Liên Xô vào lúc 3 giờ sáng ngày 22-6. Tin này được thông báo ngay cho Stalin nhưng Stalin vẫn hoàn toàn bỏ qua.

Chúng ta có thể thấy Stalin đã khinh thường những lời nhắc nhở của một số lãnh đạo quân sự, những thông báo của lính Ðức đào ngũ và ngay cả những hành động thù địch lộ liễu. Thử hỏi đó có phải là tinh thần cảnh giác gương mẫu của một lãnh tụ đảng và nhà nước trong một khoảng khắc lịch sử nghiêm trọng như thế?

Thái độ thản nhiên, khinh thường những sự kiện rành rành ấy đã đem lại hậu quả ra sao? Kết quả là ngay trong những ngày giờ đầu cuộc chiến, ở các vùng biên giới, kẻ thù đã phá hủy phần lớn không quân, pháo binh và các trang bị quân sự khác của chúng ta. Chúng đã sát hại một phần đáng kể các cán bộ quân sự và phá hoại Bộ Tham mưu Quân sự của ta. Tất cả những điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta không ngăn nổi quân thù tiến sâu vào nội địa đất nước.(5)

Những hậu quả rất đáng buồn, nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, xảy ra do việc Stalin - do bản tính đa nghi và dựa trên những lời buộc tội bịa đặt - đã thủ tiêu nhiều người trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quân sự và chính trị vào thời kỳ 1937-1941. Trong những năm đó, các cuộc đàn áp đã triệt hạ những tầng lớp cán bộ quân sự nhất định: hầu như từ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng đến những lãnh đạo quân sự cấp cao nhất. Trong thời kỳ đó, các nhà lãnh đạo quân đội - từng kinh qua chiến trận ở Tây Ban Nha và Viễn Ðông - đã bị thủ tiêu gần hết.(6)

Những cuộc khủng bố trên diện rộng lớn đối với các cán bộ quân sự đã phá hủy kỷ luật quân sự, vì trong mấy năm liền, người ta đã gợi ý sĩ quan các cấp, thậm chí cả binh lính trong đảng và trong đoàn Thanh niên cộng sản (Komsomol), phải "vạch mặt" chỉ huy của họ như kẻ thù giấu mặt. (Phòng họp náo động).

Tất nhiên, chính sách này đã làm tan vỡ kỷ luật quân đội trong giai đoạn đầu của chiến tranh.

Và, cũng như các đồng chí đã biết, trước chiến tranh chúng ta có nhiều cán bộ quân sự lỗi lạc, họ là những người trung thành tận tụy với đảng và với Tổ quốc. Chỉ cần nói: những người sống sót qua những vụ tra tấn tàn bạo trong ngục tù đã tỏ ra là những người yêu nước chân chính và đã anh dũng chiến đấu cho vinh quang của tổ quốc, từ những ngày đầu của chiến tranh. Tôi muốn nói đến đồng chí Rôkôsốpsky(7) (như các đồng chí biết, đã bị giam cầm trong tù), đồng chí Gôrơbatốp, Marétskốp (là đại biểu ở Ðại hội này), đồng chí Pốtlát (một tư lệnh tuyệt vời đã bỏ mình nơi trận tuyến) và nhiều, rất nhiều đồng chí khác. Tuy nhiên, nhiều tướng lĩnh chỉ huy đã bị thiệt mạng trong các trại lao động khổ sai hoặc trong nhà tù, và quân đội ta không bao giờ gặp lại họ nữa.

Tình trạng ấy đã diễn ra vào đầu cuộc chiến và tạo nên mối hiểm họa lớn cho tổ quốc chúng ta.

Chúng ta không nên quên rằng sau những thất bại và những tổn thất khốc hại đầu tiên ở chiến trường, Stalin đã mất lòng tin và tưởng rằng nước ta đã lâm vào đường cùng.(8) Trong một bài diễn văn hồi đó, Stalin tuyên bố: "Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn tất cả những gì Lênin tạo ra".

Sau đó, trong một thời gian dài, trong thực tế Stalin không điều khiển các cuộc hành quân, nói chung đồng chí ấy không làm gì cả. Stalin chỉ nắm lại quyền chỉ huy quân sự sau khi một số ủy viên Bộ Chính trị tới gặp đồng chí ấy yêu cầu thi hành cấp tốc một số biện pháp để cải thiện tình hình ngoài trận tuyến. Như thế, mối nguy hiểm khôn lường đe dọa tổ quốc chúng ta trong thời kỳ đầu chiến tranh, phần lớn bởi Stalin đã thực hiện những phương pháp sai lầm trong việc lãnh đạo đảng và nhà nước.

Cố nhiên, chúng ta không thể chỉ nói đến những hoàn cảnh khi cuộc chiến tranh mới nổ ra, đã phá hủy trầm trọng quân đội và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho chúng ta. Về sau này, sự mất bình tĩnh và chuyện Stalin can thiệp loạn xạ vào công việc chỉ đạo quân sự cũng làm quân đội ta bị thiệt hại nhiều.

Stalin hoàn toàn không hiểu những sự kiện diễn ra ở trận tuyến. Và cũng không thể ngạc nhiên về điều này, nếu chúng ta để ý là trong suốt thời kỳ chiến tranh vệ quốc, Stalin không hề đi kinh lý một trận tuyến nào, hay một thành phố nào vừa được giải phóng, ngoại trừ một cuộc thăm viếng đoạn đường ngắn trên quốc lộ Môgiaisk, khi tình thế đã ổn định trên trận tuyến. Nhiều tác phẩm văn học đã đề cập kỹ lưỡng về chuyến đi này, thêm thắt mọi thứ chuyện bịa đặt; đây cũng là đề tài cho lắm tác phẩm nghệ thuật tạo hình.

Cùng lúc đó, Stalin can thiệp vào việc thực hiện những cuộc hành quân, đưa ra các mệnh lệnh không căn cứ vào tình hình thực tế của trận tuyến, đem lại rất nhiều tổn thất có thể tránh khỏi cho quân đội ta.

Liên quan đến vấn đề này, tôi xin kể một trường hợp điển hình, chứng tỏ Stalin đã điều khiển những cuộc hành quân ngoài trận tuyến như thế nào. Tham dự Ðại hội hôm nay có nguyên soái Bagramian(9), chỉ huy các cuộc hành quân ở Tổng hành dinh mặt trận phía Tây Nam, và đồng chí có thể chứng thực những điều tôi sẽ nói sau đây.

Năm 1942, khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng cho quân đội ta ở vùng Kháckốp, chúng tôi đã có quyết định đúng đắn: ngừng cuộc hành quân nhằm bao vây Kháckốp, tình thế thực tế hồi đó cho thấy tiếp tục chiến sự có thể gây tai hại thảm khốc cho quân đội ta. Chúng tôi đề xuất ý kiến này với Stalin, lập luận rằng tình hình hiện tại đòi hỏi phải xét lại kế hoạch hành quân, chớ để quân thù có khả năng phá hoại các cứ điểm quân đội của ta.

Trái với lý trí thông thường, Stalin bác bỏ đề nghị của chúng tôi và ra lệnh tiếp tục cuộc hành quân bao vây Kháckốp, mặc dầu lúc đó nhiều nơi tập trung quân đội ta đang bị đe dọa bao vây và tiêu diệt.

Tôi gọi điện thoại và đề nghị với đồng chí Vassilépsky(10) như sau: "Alếchsanđrơ Mikhailôvích (đồng chí Vassilépsky có mặt trong phòng họp này), đồng chí hãy cầm lấy bản đồ và chỉ cho đồng chí Stalin biết thực trạng tình hình."

Tôi lưu ý là Stalin bày kế hoạch hành binh trên bề mặt một quả địa cầu dùng cho học trò. (Phòng họp xôn xao)

Ðúng như vậy các đồng chí ạ, Stalin kiếm một quả địa cầu dùng cho học trò thông thường và theo dõi tình hình các mặt trận trên đó. Tôi nói với đồng chí Vassilépsky: "Ðồng chí hãy chỉ tình hình cho đồng chí Stalin trên một chiếc bản đồ; trong điều kiện hiện nay chúng ta không thể tiếp tục cuộc hành quân như dự định. Phải thay đổi quyết định cũ cho hợp với thời cuộc."

Vassilépsky trả lời vấn đề này đã được Stalin nghiên cứu và đồng chí không muốn thảo luận với Stalin nữa vì Stalin không muốn bàn cãi thêm nữa.

Sau khi nói chuyện với Vassilépsky, tôi gọi điện về nhà nghỉ Stalin. Nhưng Stalin không trả lời. Malenkốp đến nhấc điện thoại. Tôi nói với đồng chí Malenkốp là tôi gọi điện từ mặt trận và muốn nói chuyện trực tiếp với Stalin. Qua Malenkốp, Stalin bảo tôi hãy bàn bạc với với đồng chí Malenkốp. Lần thứ hai, tôi nhấn mạnh là tôi muốn báo cáo trực tiếp với Stalin về tình hình nguy cấp của chúng tôi ở mặt trận. Nhưng Stalin cho rằng không cần cầm lấy ống nghe và một lần nữa, Stalin cho biết tôi phải nói chuyện với đồng chí ấy thông qua Malenkốp, mặc dầu lúc đó Stalin chỉ đứng cách điện thoại có vài bước.

Sau khi đã "lắng nghe" đề nghị của tôi bằng cách ấy, Stalin trả lời: "Cứ để nguyên mọi thứ như cũ".

Và kết quả ra sao? Ðúng như chúng tôi dự tính. Quân Ðức đã bao vây các khu tập trung quân đội ta và chúng ta đã bị thiệt hại hàng trăm hàng ngàn quân lính. Thế đấy, một thí dụ về "thiên tài" quân sự của Stalin và nó đã mang lại hậu quả cho chúng ta như thế nào! (Cả phòng họp xôn xao)

Sau chiến tranh, một bận Stalin gặp gỡ các ủy viên Bộ Chính trị, Anastasi Ivanôvích Mikôian(11) có nhắc đến chuyện Khrushốp đã có lý khi đồng chí ấy gọi điện báo cáo về vấn đề hành quân vùng Kháckốp, và thật đáng tiếc ý kiến của Khrushốp đã không được chấp thuận.

Các đồng chí hãy tưởng tượng Stalin nổi khùng như thế nào! Làm sao có thể giả thiết là Stalin không có lý? Bởi Stalin là một "thiên tài", mà một "thiên tài" luôn luôn phải có lý! Bất kỳ ai đều có thể sai lầm, nhưng Stalin tự cho mình không bao giờ sai lầm, đồng chí ấy luôn luôn có lý. Stalin không bao giờ nhận mình sai, sai lớn hoặc sai nhỏ, mặc dầu đồng chí ấy đã mắc nhiều sai lầm cả trong những vấn đề lý thuyết cũng như về mặt thực hành. Sau khi Ðại hội bế mạc, chắc chắn chúng ta cần khảo sát lại nhiều cuộc hành quân và trình bày nó dưới ánh sáng thích hợp.

Các sách lược dính líu đến Stalin, người vốn không hề để tâm đến những điều căn bản của nghệ thuật lãnh đạo quân sự, đã làm chúng ta hao tổn nhiều xương máu, cho đến lúc chúng ta ngăn chặn được quân thù và chuyển sang phản công.

Các nhà quân sự đều biết ngay từ cuối năm 1941, đáng lý phải đẩy mạnh cuộc tổng hành quân đánh chặn ngang quân địch để tiến vào hậu tuyến của chúng, Stalin lại ra lệnh đánh trực diện để chiếm từ vùng này sang vùng nọ. Chiến thuật này gây cho chúng ta nhiều tổn hại nặng nề, cho đến khi các đại tướng của ta - hai vai mang mọi gánh nặng của chiến tranh - đã biến đổi tình hình và chuyển sang những cuộc hành quân mềm dẻo hơn, mang lại những thay đổi lớn tức thì, có lợi cho chúng ta.

Bởi vậy, thật là nhục nhã khi sau những chiến thắng lớn, phải trả bằng giá rất đắt, Stalin lại đặt dấu hỏi về công trạng của nhiều nhà chỉ huy quân sự, những người đã có công đánh bại quân thù; đồng chí ấy không thể nào coi những công lao ở mặt trận lại lại có thể do người khác làm nên.

Stalin rất muốn biết sự đánh giá của mọi người về đồng chí Giukốp(12), nhà lãnh đạo quân sự của ta. Nhiều lần đồng chí ấy hỏi ý kiến tôi về đồng chí Giukốp. Khi ấy tôi đáp: "Tôi biết Giukốp từ lâu. Ðồng chí là một vị tướng có tài năng và một lãnh đạo quân sự giỏi."

Sau chiến tranh, Stalin bắt đầu gieo rắc nhiều tiếng xấu về Giukốp, chẳng hạn: "Ðồng chí đã khen ngợi Giukốp, nhưng đồng chí ấy có gì đáng được khen ngợi đâu. Người ta kể, trước mỗi cuộc hành quân, đồng chí ấy vớ một nắm đất, đưa lên mũi ngửi rồi nói: "Chúng ta có thể tấn công" hoặc ngược lại: "Chưa thể thực hiện kế hoạch dự định!"

Hồi đó, tôi đã trả lời Stalin như sau: "Thưa đồng chí Stalin, tôi không biết ai đã bịa đặt điều đó, nhưng không phải là như thế."

Có thể chính Stalin đã bịa đặt ra những chuyện kiểu ấy để hạ thấp vai trò và tài năng quân sự của nguyên soái Giukốp.

Cùng lúc đó, Stalin rất sốt sắng tự tỏ ra mình là một tướng lĩnh giỏi; bằng những phương cách khác nhau, Stalin đã gieo rắc trong đầu óc quần chúng ý nghĩ rằng mọi chiến thắng của đất nước Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đều do lòng quả cảm, sự can đảm và thiên tài lỗi lạc của Stalin. Chẳng khác anh chàng Kryuchkốp(13) huyền thoại, chém một nhát kiếm chết bảy kẻ địch. (Phòng họp xôn xao)

Cũng trong phạm vi vấn đề này, chúng ta thử xem các phim ảnh lịch sử và quân sự và một vài tác phẩm văn học của chúng ta. Thật là chán ngấy: mục đích thực sự của chúng là tụng ca thiên tài quân sự của Stalin. Chúng ta hãy thử nhớ lại cuốn phim Berlin thất thủ(14). Trong đó, Stalin là nhân vật duy nhất hành động; đồng chí ấy ra lệnh trong một gian phòng có nhiều ghế bỏ trống, chỉ có một người đến gần Stalin và báo cáo gì đó. Người đó là Pôskrêbưshép(15), kẻ hầu cận trung thành của Stalin. (Tiếng cười trong phòng họp)

Còn ban chỉ đạo quân sự ở đâu? Bộ Chính trị ở đâu? Chính phủ ở đâu? Họ làm gì và đang bận việc gì? Cuốn phim không đả động tới. Stalin đã hành động thay tất cả mọi người, chẳng quan tâm đến ai, chẳng hỏi ý kiến ai. Trong cuốn phim này, mọi việc đã bị bịa đặt trước mắt nhân dân. Vì sao ư? Bởi, không thèm để tâm đến thực tế và sự thật lịch sử, người ta muốn trình bày Stalin trong vầng hào quang.

Một câu hỏi được đặt ra: những người lính vác trên hai vai mọi gánh nặng chiến tranh ở đâu? Họ hoàn toàn vắng mặt trong cuốn phim; Stalin không chừa cho họ một chỗ đứng nào.

Trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, chiến thắng không phải là sản phẩm của Stalin, nó thuộc về toàn đảng, toàn chính phủ Liên Xô, thuộc về quân đội anh hùng, những tướng lĩnh tài ba và những người lính quả cảm, thuộc về toàn thể nhân dân Liên Xô. (Vỗ tay kéo dài)

Các ủy viên Ban chấp hành trung ương, các Dân ủy, các nhà lãnh đạo kinh tế, các đại diện xuất sắc của nền văn hóa xô-viết, những người đứng đầu tổ chức đảng và xô-viết địa phương, các kỹ sư và các chuyên viên - mỗi người trên cương vị của mình, đã mang hết sức lực và khả năng của mình để làm nên chiến thắng.

Hạt nhân của xã hội chúng ta đã tỏ ra anh dũng khác thường: giai cấp công nhân vinh quang, nông dân tập thể, giới trí thức Liên Xô - dưới sự lãnh đạo các tổ chức của đảng - đã vượt qua những khó khăn khôn lường của thời chiến và đã mang hết sức bình sinh bảo vệ tổ quốc.

Những phụ nữ xô-viết - nhận về mình gánh nặng của công tác sản xuất trong các nhà máy, các nông trang và các ngành kinh tế và văn hóa - cũng đã làm nên những chiến công hiển hách và vẻ vang. Nhiều phụ nữ đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu ở tiền tuyến. Giới thanh niên chúng ta cũng đóng góp vô biên ngoài mặt trận cũng như ở hậu phương, trong công cuộc bảo vệ đất nước xô-viết và dẹp tan quân thù.

Những người lính xô-viết, những tướng lãnh và các chiến sĩ chính trị ở mọi cấp đã có những công lao bất diệt. Sau các thiệt hại đáng kể của quân đội ta trong những tháng đầu của cuộc chiến, họ vẫn bình tĩnh chỉnh đốn hàng ngũ trong quá trình chiến đấu, họ đã tạo ra và củng cố trong thời chiến một đạo quân hùng mạnh và chiến đấu anh dũng, chẳng những đã đẩy lùi kẻ thù hùng mạnh và xảo quyệt mà còn đập tan bọn chúng.

Những chiến tích tuyệt vời của hàng trăm triệu dân chúng ở miền Ðông và miền Tây trong cuộc đấu tranh chống họa nô lệ phát-xít sẽ còn sống mãi trong ký ức của nhân loại biết ơn, hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ sau này. (Vỗ tay kéo dài)

Vai trò và công trạng chính của chiến thắng vĩ đại này thuộc về đảng cộng sản ta, thuộc về các lực lượng vũ trang xô-viết, thuộc về hàng chục triệu nhân dân Liên Xô do đảng đào tạo.
-------
Nikita Khrushchev, trong “Báo cáo mật ( http://www.talawas.org/talaDB/Lo%E1%BA%A1t%20b%C3%A0i:%20K%E1%BB%89%20ni%E1%BB%8 7m%2050%20n%C4%83m%20B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20m%E1%BA %ADt )” đọc tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, gọi là “quỉ dữ” và tên tuổi bị xoá bỏ.

Stalin (1878–1953): Mặt trái chiếc huân chương

Aucun commentaire: