Tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2008
Lê Diễn Đức - Dịch bài của Tuần báo Facts (*)
Tại Darfur (Sudan) số người bị giết và bị diệt chủng sắc tộc theo ước tính lên tới 200 ngàn, nhưng những tên sát nhân vẫn núp sau một một kẻ bảo hộ hùng mạnh, đó là Trung Quốc. Nên chăng tẩy chay Thế Vận Hội tại Bắc Kinh trong năm 2008?
Bằng cách nào đây để gây sức ép chính trị lên người Trung Quốc? Cái gì đích thực đụng chạm tới họ như thế?
http://www.danchimviet.com/php/images/042007/Bernard-Henri.jpg
‘‘Tại sao chúng ta không cảnh báo họ bằng việc tẩy chay Thế Vận Hội vào năm 2008” - Bernard-Henri Lévy.
Nguồn: images.salon.com
--------------------------------------------------------------------------------
Các câu hỏi trên đây do nhà triết học người Pháp Bernard-Henri Lévy đưa ra. Cuối cùng Bernard-Henri Lévy nghĩ ra một sáng kiến khá hấp dẫn: ‘‘Tại sao chúng ta không cảnh báo họ bằng việc tẩy chay Thế Vận Hội vào năm 2008”.
Lévy cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc là tòng phạm của những tên đao phủ ở châu Phi (Africa).
Sau thảm hoạ diệt chủng tại Rwanda, nơi mà vào năm 1994 người ta đã giết hại 800 ngàn người trong vòng một trăm ngày, các nhà chính trị trên toàn thế giới đã lúng túng và cầu khẩn rằng sẽ không còn một trường hợp nào tương tự như thế lặp lại.
Sự bình yên của những tên giết người
Thế nhưng điều mà các nhà chính trị cầu khẩn đang lặp lại – tại Darfur, nằm ở miền Tây Sudan (West Darfur), nơi mà từ 4 năm nay, du kích quân địa phương Guerilla nổi dậy chống lại chế độ. Từ 4 năm nay, những đội kỵ binh bán quân sự Ả Rập được quân đội của chế độ yểm trợ đang huỷ diệt sắc tộc da đen. Máy bay của quân đội Sudan bỏ bom dọn đường trước cho những đội quân này xâm nhập. Theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, số người chết đã tới 200 ngàn, gần 2,5 triệu người đã bỏ chạy khỏi nơi ở của mình.
Darfur, 5/2006 - Ảnh: Ramzi Haidar, AFP
--------------------------------------------------------------------------------
Trong tháng 8 năm 2006 Hội đồng Bảo Liên Hiệp Quốc quyết định gửi tới Sudan một đạo quân gìn giữ hoà bình với 17 ngàn binh lính. Trung Quốc, với tư cách thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An đã phủ quyết nghị quyết này, đưa ra lý do rằng, Trung Quốc chỉ đồng ý với kế hoạch gửi quân ‘‘mũ nồi xanh” với điều kiện phải được chính phủ Sudan chấp thuận. Đương nhiên là Sudan không đồng ý để quân đội nước ngoài có mặt trên lãnh thổ mình. Cho nên lò sát sinh các sắc tộc da đen vẫn tiếp tục hoạt động. Trung Quốc đã đảm bảo cho những tên giết người lá chắn an toàn.
Hành động của Trung Nam Hải xuất phát từ những nguyên do cụ thể: hãng China National Petroleum Company đang khai thác dầu mỏ tại Sudan. Trung Quốc cũng đã đầu tư xây dựng 1.600 km đường ống dẫn dầu từ miền nam Sudan tới Biển Đỏ (Red Sea). Sudan là nước bán cho Trung Quốc tới 65 phần trăm lượng dầu khai thác và mua lại hầu hết vũ khí cùng các thiết bị quân sự của Trung Quốc.
Nơi đâu người ta nhìn thấy quyền lợi, nơi đó nhân quyền chẳng có gì đáng nói tới.
Lặp lại Thế Vận Hội Moscow 1980
Đây là điều đang được xem xét tại Geneva (Switzerland – Thuỵ Sĩ). Hội đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đang thảo luận về hồ sơ khủng bố, diệt chủng tại Darfur. Trung Quốc đã đề nghị đưa vấn đề này ra khỏi nghị trình viện dẫn rằng Hội Đồng đã không hề tiến hành nghiên cứu tình hình tại Sudan. Thực tế mà nói thì toàn bộ thông tin mà Hội Đồng có là thu thập từ nguồn dân di tản từ Darfur qua Chad. Chính phủ Sudan đã không cấp thị thực nhập cảnh cho nhân viên của Hội Đồng.
Trong tháng 2 năm nay, Tòa án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court, ICC - DCVOnline) đã cáo buộc cựu bộ trưởng Bộ nội vụ Sudan và một người chỉ huy đội kỵ binh bán quân sự. Chính phủ Sudan tất nhiên đã từ chối dẫn độ hai kẻ giết người trên cho Toà án, chống lại lệnh truy nã của đại diện công pháp quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Sudan nhúng tay vào cuộc diệt chủng này. Chế độ tại Chartoum bao biện rằng, những bộ lạc da đen ở Sudan mâu thuẫn, hiềm khích nhau, họ có máy bay kiểu Antonov cũng như máy bay ném bom khác và họ sát hại nhau chứ chính phủ không hề can dự.
Vậy thì chúng ta có thể làm gì đây?
Tất cả mọi con đường đi tới sự can thiệp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế đều đi qua Bắc Kinh. Cho nên đề nghị của nhà triết học Paris Bernard-Henri Lévy là đe doạ Bắc Kinh bằng ngọn đuốc tẩy chay Thế Vận Hội 2008 – hoàn toàn không tệ một chút nào.
Trong năm 1980, 65 quốc gia đã tham dự vào cuộc tẩy chay Thế Vận Hội Moscow khi Liên Xô tiến quân xâm lược Afghanistan.
Cũng trong năm 1956, Thuỵ Sĩ đã không tham dự Thế Vận Hội Melbourne (Australia) để phản đối nhà cầm quyền cộng sản Hungary đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân. Lúc bấy giờ tại Hungary "chỉ" chết vài ngàn người.
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
DCVOnline:
- (*): Bài viết là của tác giả Thomas Schmid của tuần báo Thuỵ Sĩ Facts, xuất bản bằng tiếng Đức, có từ năm 1995, phát hành 60 ngàn bản cho mỗi số. Bài được đăng trên tuần báo Forum của Ba Lan, một tuần báo chuyên về những bài báo hấp dẫn nhất trong tuần của báo chí thế giới, số 14, 2/04 – 9/04/2007. Đầu đề nguyên văn là "Những giọt dầu đẫm máu". Đề bài trên DCVOnline là của người dịch. Những dòng chữ in đậm là của nguyên bản.
- Theo tin của RFI (Pháp) phát ngày 4/04/2007 thì 2 vị ứng cử viên tổng thống Pháp nặng ký nhất hiện nay là ông Nicolas Sarkozy và bà Sélene Royal đều tán thành tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 nếu Bắc Kinh không thay đổi thái độ trước thảm kịch Darfur. Chính phủ Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng có quan điểm rất cứng rắn trước thái độ vô trách nhiệm của Trung Quốc. Nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của Hollywood, trong đó có George Clooney và nhạc sĩ kiêm ca sĩ qua mọi thời đại của ban nhạc huyền thoại The Beatles Paul McCarney đang kêu gọi hưởng ứng mạnh mẽ cho chiến dịch này. Đề nghị của nhà triết học Pháp Bernard-Henry Lévy không còn dừng lại ở vấn đề thách thức nữa mà đang được vận động và như tờ Le Monde (Pháp) nhận định, nếu thế giới tẩy chay Olimpic Bắc Kinh 2008 thì đây sẽ là một quả bom nguyên tử chính trị giáng xuống Trung Nam Hải.
nguon
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire