1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

mardi 10 avril 2007

Một nửa ổ bánh mì

Một nửa ổ bánh mì
(LÊN MẠNG Thứ sáu 6, Tháng Tư 2007)

Phan-Kiến-Quốc
(VNN)

Vào ngày 20/1½006, em Bùi Minh Trí, một học sinh lớp 12 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Long đã làm xôn xao dư luận khi xâm nhập website của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, thay hình bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bằng một hình thanh niên ở trần cũng như để lại một vài những lời nhắn đầy vẻ thách đố. Chỉ một thời gian ngắn sau, công an đã tìm ra địa chỉ của em và có ý định truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như đề nghị phạt em thật nặng.

Lập tức trên báo chí và các diễn đàn, rất nhiều người lên tiếng bênh vực cho Trí và không đồng tình với những áp lực đang đè nặng lên em và gia đình, nhất nữa là khi em đã viết một lá thơ gởi bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân với những lời lẽ vô cùng ân hận. Nhiều độc giả đã gắt gao lên án nhà cầm quyền, thậm chí có người còn đòi đứng ra thanh toán tất cả những biện pháp chế tài đối với Trí. Một chủ xí nghiệp đã có ý định tài trợ tất cả chi phí cho em ra nước ngoài du học vì đây quả là một tài năng tương lai...

Đùng một cái, vào ngày 3/1/2007, một chuyên gia về an ninh mạng của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội là ông Nguyễn Tử Quảng đã gởi một lá thư với những lý lẽ khá sắc bén chứng minh sự không trung thực của em Trí, thậm chí còn có những chỉ dấu trộm tiền trên mạng, và vạch ra cho mọi người thấy là hành động xâm nhập website này không thể coi được là một "tài năng cần khuyến khích" và ông Quảng đã kết luận phải phạt Trí thật nặng để làm gương. Kể từ sau thời điểm này, thì "gió đã đổi chiều với Trí". Bà con lại nháo nhào lên đòi phải có biện pháp với em. Nhiều người trước đây ủng hộ thì nay quay lại khiển trách em, nhiều người tỏ ra ân hận vì đã không hiểu chuyện nên đã có thái độ bênh vực thiếu suy nghĩ. Một giáo sư đã viết:"Tôi từng có 10 năm đi dạy Đại học Sư phạm, đồng thời bản thân cũng khá am hiểu về PC, nay tôi đã 50 tuổi, tự coi là cũng biết phân biệt đúng sai trong cuộc sống. Vậy mà tôi cũng đã "hết nghiêng lại ngửa" trong phán xét việc em Bùi Minh Trí tấn công trang web của Bộ GD-ĐT. Vì sao vậy? Theo tôi, báo chí có trách nhiệm có thể thông tin chưa đầy đủ, nhưng phải chính xác. Một số bài báo ứng xử theo cách nặng về cảm tính, tạo ra không khí kiểu như "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha", trong khi vấn đề chính ở đây là ý thức công dân, là pháp luật. Bài viết của ông Nguyễn Tử Quảng quả thật đã "mở mắt" cho tôi". Nói tóm lại bài viết của chuyên viên an ninh mạng đã làm thay đổi hoàn toàn dư luận và sau đó mọi việc chấm dứt.

Nếu đem em Trí lên bàn "mổ xẻ" thì có lẽ trong chúng ta mỗi người sẽ có những lý do riêng để phê phán hoặc bênh vực em. Chuyện đó chúng ta không bàn ở đây nhưng điều quan trọng chúng ta rút ra được là hiệu quả (hay hậu quả) của việc thông tin. Bài viết của chuyên gia mạng đã coi như đem phần lý về phía Bộ Giáo dục. Nhưng nếu chúng ta tự hỏi, nếu có một người nào đó, một chuyên gia về giáo dục sau đó cũng lại đưa một bài sắc sảo lên báo thì chưa chắc "phần thắng" đã thuộc về ai!

Vấn đề là ở chỗ ai được phép viết và đăng tải những ý kiến đó. Nhưng cũng chưa hết, quan trọng hơn cả là phải phổ biến cả hai mặt của vấn đề cho rộng đường dư luận. Không thể vì có cảm tình hoặc với một ý hoặc một tư tưởng nào đó mà để cho thông tin chỉ một chiều. Làm như thế có hại hơn là không đăng gì cả. Phương Tây họ có một câu rất hay: một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật.

Thế cái "một nửa sự thật" ở Việt Nam ở đâu?

Cách đây khoảng 1 tháng, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng VN đã có buổi "đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước", và cũng như mọi cuộc bầu cử, kết quả của buổi trả lời đã được biết trước và dĩ nhiên là rất "khả quan và đáp ứng được mong đợi của đông đảo quần chúng". Tôi tự hỏi trong hơn 20.000 câu hỏi, không biết có bao nhiêu câu "hơi tế nhị" đã bị loại? Dĩ nhiên là trong 3 tiếng ông ta không thể trả lời hết được, phải có sự chọn lọc, nhưng cứ xem danh sách 9 chủ đề được chọn thì các câu hỏi có tính cách chính trị, về dân chủ, nhân quyền chắc chắn sẽ vào sọt rác. Cả cái nước 85 triệu người này ai cũng biết nguyên nhân của tham nhũng là không có dân chủ, bốn đời Tổng bí thư từ ông Đỗ Mười đến ông Nông Đức Mạnh (2 nhiệm kỳ) ai cũng lớn tiếng nhắc lại câu nói trên, mà tham nhũng càng chống chúng càng mạnh thì rõ ràng là chúng ta không có dân chủ. Vậy thì giữa hai câu hỏi "chính phủ có biện pháp nào để chống tham nhũng hiệu quả?" với câu "chúng ta có nên dân chủ hóa chế độ để chống tham nhũng hiệu quả?" thì câu nào căn cơ, rốt ráo (và đúng chính sách của Đảng) hơn? Rõ ràng là câu thứ hai. Nhưng câu nào sẽ bị loại (vì không nằm trong 9 chủ đề kia)? Rõ ràng cũng là câu thứ hai.

Một nửa sự thật nằm ở đó. Người ta hô hào và mở rộng cửa cho 9 loại câu hỏi nhưng lặng lẽ loại bỏ những câu hỏi có màu sắc chính trị, về dân chủ, về nhân quyền. Chỉ một chút xíu đó thôi cũng làm cho người nghe có một cái nhìn hoàn toàn khác về tình hình đất nước.

Và trong lịch sử còn biết bao nửa ổ bánh mì khác. Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ xin nêu ra 3 câu chuyện tiêu biểu.

1. Chuyện Joan Baez, Country Joe và giải Âm Nhạc Vì Hòa Bình.

Hẳn mọi người đều nhớ vào năm 2004, nhà cầm quyền VN dự định tổ chúc một buổi hòa nhạc và trao giải âm nhạc vì hòa bình cho các nhạc sĩ có thành tựu trong lãnh vực này. VN hớn hở đăng cai tổ chức vì thứ nhất là để đánh bóng vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập và nhất nữa là trong số những người được trao giải có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Buổi lẽ dự trù tổ chức hoành tráng tại sân vận động Mỹ Đình với sức chức hàng chục ngàn chỗ với trực tiếp truyền hình khắp thế giới bằng vệ tinh. Nhưng chuyện bắt đầu phức tạp hơn khi trong danh sách người được trao giải lại có Joan Baez.

Joan Baez, 67 tuổi, là giọng ca vàng của dòng nhạc dân ca Mỹ những năm 1960 và đặc biệt nổi tiếng trong những năm 90 của thế kỷ trước. Bà là người tích cực đấu tranh vì hòa bình và tự do, chống chiến tranh và bất công và hỗ trợ hoạt động nhân đạo. Năm 1965, Joan Baez đã thành lập Viện nghiên cứu về phi bạo lực và tích cực hoạt động trong phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam, tham gia nhiều tổ chức chống chiến tranh và các cuộc biểu tình vì hòa bình. Năm 1973, bà sáng tác bài hát "Where are you My Son?" (Đâu rồi Mỹ Sơn?) lột tả những trận bom khủng khiếp do Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam.

Trên đây là nguyên văn bài nói về J.Baez trên website www.vnanet.vn của Thông Tấn Xã VN vào tháng 6/2004. Nhưng website này đã không biết đến một điều quan trọng là kể từ khi chứng kiến thảm trạng thuyền nhân VN, bà ta đã nhìn ra được bộ mặt thật của chế độ mà trước đây bà đã tích cực ủng hộ. Kể từ thời điểm ấy bà ta đã dùng tiếng hát của mình để nói lên những vi phạm nhân quyền tại VN và cái đáng nói là bà ta lại lựa chính những địa điểm như Sproul Plaza, U.C Berkeley nơi trước đây bà từng hát nhạc phản chiến. Chưa hết, Joan Baez đã cùng 100 nhà trí thức và văn nghệ sĩ Hoa Kỳ đồng ký tên vào một thư ngỏ, đăng trên 5 nhật báo lớn ở Hoa Kỳ, lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Thực tình mà nói, không phải ai cũng có can đảm nhìn nhận những sai lầm của mình và tìm cách sửa chữa. Ở đây cũng nên nói thêm một chi tiết nhỏ, khi nghe tin này Trịnh Công Sơn đã phản đối, gọi hành động của Joan Baez là "tiếp tay cho tư bản thọc sâu lưỡi dao vào vết thương của dân tộc Việt Nam chưa được hàn gắn."

Truyện đến đây cũng chưa hết, ngoài J.Baez còn một tượng đài nhạc đồng quê khác là Country Joe cũng dự kiến được vinh danh trong buổi trao giải tại Mỹ Đình lần này. Giống như J. Baez, C.Joe cũng có thành tích phản chiến và đã làm bài Fixin to Die Rag để phản đối cuộc chiến tranh tại VN trước 75, và cũng giống như J. Baez, sau ngày 30/4 Joe cũng đã nhìn ra sư thật và thẳng thắn trả lời trên tạp chí San Francisco Chronicle:"Chủ nghĩa cộng sản đang có khuynh hướng biến thành một chủ nghĩa độc tài. Cho dù là một ca sĩ hippi phản chiến, tôi không thể nào đến VN vào lúc này. Một đất nước đầy rẫy những vi phạm nhân quyền trầm trọng và đây là những thách đố để hoà nhập và cộng đồng quốc tế". Nên nhớ rằng cho dù thế nhưng C.Joe vẫn tiếp tục phản đối cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq và đả kích nặng nề chính sách của TT Bush. Một hành động can đảm không kém J.Baez. Viết đến đây chúng tôi không thể không nhắc đến những nhân vật VN, trước năm 75 đã to mồm tố cáo chính quyền ông Thiệu hiếu chiến, đòi thi hành hiệp định Paris (cho dù lính Bắc Việt vẫn còn nguyên trên miền Nam sau hiệp định), xuống đường đòi ngưng bắn, thức đêm "hát cho đồng bào tôi nghe"... nhưng sau ngày 30/4 lại câm như hến trước thảm cảnh tỵ nạn, tù cải tạo. Gọi là trí thức nhưng tư cách - thậm chí là nhân cách của họ so với dân hippi quần jean tóc dài như J. Baez, như C.Joe xem ra còn thua kém rất xa.

Vài ngày sau khi J, Baez và C.Joe lên tiếng và từ chối đến VN, danh sách các ngôi sao giờ chỉ còn Peter Yarrow và Trịnh Vĩnh Trinh (em gái của Trịnh Công Sơn), trưởng ban tổ chức giải Matt Taylor đã tuyên bố hoãn lễ trao giải, nhưng để giữ thể diện cho nhà nước VN, ông ta không nói hoãn đến khi nào và bồi thêm rằng lý do không phải đến từ nhà nước Việt Nam. M. Taylor đưa ra những lý do kỹ thuật bâng quơ và thô thiển như không có cáp quang để truyền đi khắp thế giới (cho dù chuyện này đã dư trù trước hơn 1 năm và mới trước đó 1 năm VN đã tổ chức thành công Sea Games 22 quy mô và phức tạp hơn nhiều) cũng như lý do nhà tài trợ là Vietnam Airlines giao vé trễ!!! (thiên bất dung gian, Vietnam Airlines không biết chuyện nội bộ nên đã lên tiếng thanh minh tức khắc).

Nhưng rồi cuối cùng mọi việc cũng xong. Lễ trao giải được hoãn...vĩnh viễn sau khi báo chí VN cho đăng tải vài bài biện minh một cách gượng ép. Chuyện đáng nói và ít người được biết là những tiếng nói ủng hộ cho chế độ ngày xưa đã nhìn ra sự thật và không còn có lý do gì để dùng lễ trao giải như một diễn đàn đánh bóng hình ảnh của mình nên phải dẹp, thế thôi. Nửa ổ bánh mì nằm chỗ ấy.

Nói đến J. Baez không thể không nhắc đến Jane Fonda, cô đào xinh đẹp đã sang Hà Nội trong những ngày Mỹ ném bom để kết án "cuộc chiến tranh phi nghĩa" do Washington chủ xướng. Về một khía cạnh nào đó, Jane còn nổi tiếng hơn Joan vì cô ta "bốc lửa" hơn, thành công trong điện ảnh hơn, và những lời tuyên bố cũng "máu"hơn. Hình ảnh thế giới không bao giờ quên là Jane đội nón cối, quần jean xắn quá gối, đứng trên đống gạch của nhà thương Bạch Mai và nhất là hình ảnh cô ta ngồi trên khẩu cao xạ chống phi cơ Mỹ. Sau năm 75, Jane Fonda quay trở lại Hà Nội, bế theo đứa con trai mới sinh, để tham dự buổi lễ vinh danh bà, vì những gì bà đóng góp cho miền Bắc Việt Nam. Buổi lễ đó cũng chính là lễ đặt tên cho con trai của bà. Cậu bé được đặt tên là Troy, theo tên của Nguyễn Văn Trỗi, người bị tử hình vì âm mưu đặt bom ám sát bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ khi ông đến thăm miền Nam Việt Nam năm 1963.

Và đó là lần chót bà trở lại VN, bà đã không trở lại - và con tim bà cũng thế.

16 năm sau cuộc du hành, chính bức ảnh đó đã khiến cho chủ nhân của nó phải đích thân công khai lên tiếng xin lỗi dân chúng vì những việc làm thiếu chín chắn của bà. Rồi gần 20 năm sau, người ta lại nghe thấy lời tạ lỗi ấy một lần nữa, khi cuốn hồi ký nhan đề "Cuộc đời tôi cho đến bây giờ" của Jane ra mắt tháng 4/2005. Trong cuốn tự truyện dài hơn 600 trang có đề cập đến cuộc hành trình tai tiếng ấy, Jane đã viết rằng bà không hề hối tiếc về chuyến thăm Hà Nội và chụp hình chung với các tù binh Hoa Kỳ ở đó, nhưng bà ân hận việc đã chụp ảnh khi ngồi trên mâm pháo cao xạ của quân đội Bắc Việt. Mới đây, khi trả lời phỏng vấn chương trình 60 phút của kênh truyền hình CBS, Jane đã nói rằng: "Tôi sẽ ân hận về điều này cho đến tận ngày xuống mồ. Hình ảnh Jane Fonda, Barbarella, con gái của Henry Fonda ngồi trên nòng súng cao xạ của quân đội Bắc Việt là một sự phản bội, giống như tôi đang trêu ghẹo đất nước đã dành cho tôi nhiều đặc ân vậy.. Đó là một hành động thiếu suy nghĩ nhất mà tôi có thể tưởng tượng. Tôi không quay lưng lại với xứ sở này. Tôi hết sức quan tâm đến những người lính Mỹ.

Trong khi đó khi nói về cuốn sách của Jane, báo chí VN vẫn tán dương bà ta như một người có công trong việc hậu thuẫn cộng sản trong chiến tranh. Ai chưa đọc chắc chắn cũng sẽ nghĩ như thế.

2. Chuyện ông Eddie Adams.

Ông là ký giả của AP, và là tác giả tấm hình chụp tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn cán binh việt cộng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Người ký giả tầm thường Adams bỗng một sớm một chiều trở nên nổi tiếng với giải Pulitzer 1969. Bức hình trở thành biểu tượng chống chiến tranh VN được chế độ cộng sản Bắc Việt khai thác tối đa cho đến ngày hôm nay. Người ta thấy ở khắp mọi nơi, trong các viện bảo tàng, trong các buổi triển lãm, thậm chí trong cả sách giáo khoa. Đối với chế độ cộng sản nó là biểu tượng cho sự thật của thù hận, của phi nghĩa, của tàn bạo.

Tuy nhiên điều ít người biết đến là tấm hình lại là những nhức nhối khôn nguôi cho chính tác giả của nó. Tấm hình đó có ở khắp nơi nhưng lại không có trong chính studio của E. Adams. Ngay sau khi tấm hình được gởi đi, ông đã đích thân đến gặp tướng Loan và được biết trước đó cán bộ việt cộng này đã tàn sát hết gia đình của một người phụ tá ông ta. Trong suốt hai năm sau đó Eddie không dám nhìn lại tấm hình và đến năm 1972 ông ta đã thố lộ "Đôi khi một tấm hình có thể lừa dối vì nó không nói hết câu chuyện (...) Tôi không nói điều ông ta (tướng Loan) làm là đúng, nhưng ông ta đang tham chiến và ông ta chống lại một số người xấu."

Kể từ năm 1977, ông ta đã chụp những tấm hình sống động về thảm trạng thuyền nhân VN, và những bằng chứng u buồn này đã được chuyển đến Quốc Hội để đưa ra quyết định nhận 200 ngàn thuyền nhân vào Mỹ. Sau này ông ta trở thành bạn thân của tướng Loan và có mặt trong đám tang của tướng Loan khi ông này qua đời năm 1998.

3. Chuyện bà Dương Quỳnh Hoa.

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Paris, bà đã về làm việc tại Sàigòn và trở thành đảng viên cộng sản vào cuối thập niên 50. Vào bưng sau thất bại Tết Mậu Thân, bà trở nên biêu tượng của giới trí thức miền Nam chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng sau gần 20 năm đi đấu tranh, niềm vui chỉ đến với bà chưa đến nửa năm. Sau khi chế độ cộng sản khai tử Mặt Trận Giải Phóng miền Nam năm 75, bà đã lần lần nhận ra bộ mặt thật của chế độ không phải là đấu tranh cho đất nước dân tộc mà chỉ làm nhiệm vụ của cộng sản quốc tế làm âm mưu nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á. Cuối thập niên 70 bà đã nói cùng Nguyễn Hữu Thọ:"tôi và anh chỉ là những kẻ bù nhìn và những món đồ trang sức rẻ tiền. Chúng ta không thể nào phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ". Sau đó bà tuyên bố trả lại thẻ đảng và từ chối mọi nhiệm vụ chính thức. Tuy nhiên đảng CS không ra tay thủ tiêu bà vì sợ đụng đến thành phần cán bộ gốc Nam nhưng yêu cầu bà giữ im lặng.

Giữa thập niên 90, trong chuyến viếng thăm VN của tổng thống Mitterrand, đài truyền hình Pháp đã làm một phóng sự về cuộc sống thường nhật của hai vợ chồng bà Dương Quỳnh Hoa(người chồng cũng là một trí thức tốt nghiệp tại Pháp nhưng đã sớm nhìn ra bản chất của chế độ ngay từ những năm 70 nên đã "mũ ni che tai" ngay từ thời ấy). Hình ảnh êm đềm của hai vơ chồng già đang bơi xuồng qua những con lạch nhỏ vói hàng dừa rủ bóng đã không che dấu được những nhận xét vô cùng chua chát về chế độ. Khi được phỏng vấn về các lãnh đạo bà trả lời lạnh lùng: "Đó là những kẻ ngu si đần độn, bởi vì họ là cộng sản". Trước đó bà đã trã lời đài CBS là:"Trong chiến tranh, chúng tôi sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, Đảng đã xem nhân dân như một kẻ thù tiềm ẩn". Hình ảnh sau cùng mà khán giả truyền hình Pháp thấy được là con thuyền nhỏ khuất trong đám dừa nước, để lại đằng sau một vệt nước dài như những mối u uẩn cho đến suốt cuộc đời của bà.

Ngày 25/2/2006, người cán bộ cộng sản đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng 1975 đã lặng lẽ từ trần. Không kèn không trống, không một lời phân ưu, cáo phó, không một mẩu tin trên các cơ quan thông tấn nhà nước.

***


Chỉ một bài viết của Nguyễn Tử Quảng đã làm thay đổi suy nghĩ của bao nhiêu người về em Trí. Thế có bao nhiêu người hiểu được bản chất của Giải Âm Nhạc vì hoà bình 2004, bao nhiêu người thấy lại được những lời nói, những bài viết, những giọi nước mắt ăn năn của Joan Baez, của Country Joe, Jane Fonda, Eddie Adams, Dương Quỳnh Hoa và còn biết bao nhân vật khác. Họ có thể đang sống nơi nào đó bên trời Âu, bên Mỹ, nhưng đó còn là biết bao nhiêu người khác sống trong khắc khoải, trong u uất ngay bên cạnh chúng ta, trên đất nước nhỏ bé này.

Chế độ cộng sản còn sống được đến ngày hôm nay chính là vì họ còn giấu được "nửa ổ bánh mì còn lại". Trái ngược với hình ảnh u uất của những nhân vật kể trên, hiện nay có hàng trăm, hàng ngàn cán bộ đảng viên sống trong những căn biệt thự "ngàn cây vàng", mở mồm ra là đạo đức, là luân lý nhưng lại sống trên bóc lột và công sức của nhân dân. Không biết có giây phút nào họ suy nghĩ đến những gì họ đang ra sức che giấu để đảm bảo cho cuộc đời họ và gia đình họ chăng? Rồi có những nhân vật được xưng tụng là anh hùng, được tạc tượng, được đặt tên đường khắp nơi nhưng sự thật có oai hùng như thế không? thậm chí chưa chắc họ đã muốn được xưng tụng như thế là đằng khác!

60 năm sau đệ nhị thế chiến, người ta vẫn tiếp tục truy lùng các tội phạm chiến tranh đồng thời vinh danh những người đã có công cứu giúp những người bị Phát xít bách hại, 15 năm sau ngày thoát ra khỏi chế độ cộng sảnGiáo hội Ba Lan cũng trừng phạt những giám mục đã từng cộng tác với mật vụ cộng sản.

Rồi sẽ có ngày ánh sáng của sự thật sẽ lan tỏa trên đất nước chúng ta. Tôi tin chắc là như thế.

Sàigòn, 15/3/2007
Phan-Kiến-Quốc (VNN)

Aucun commentaire: