1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

dimanche 22 avril 2007

SO SÁNH HAI VỤ NHƯỢNG ÐẤT CHO TRUNG HOA

SO SÁNH HAI VỤ NHƯỢNG ÐẤT CHO TRUNG HOA

Trần Gia Phụng


--------------------------------------------------------------------------------

Trung Hoa là một nước rộng lớn ở phía bắc nước Việt Nam . Trong lịch sử bang giao giữa hai nước từ khi lập quốc cho đến ngày nay, khi nào nước Việt Nam yếu, nội bộ chia rẽ, mà Trung Hoa mạnh, thì những nhà lãnh đạo Trung Hoa xua quân xâm lăng nước Việt. Tuy nhiên, khi những địch thủ bắc phương xuất hiện, người Việt lại đoàn kết để đẩy lui các cuộc xâm lăng, giữ vững nên độc lập nước nhà. Người Việt luôn luôn cương quyết bảo toàn đất tổ, nhưng trong lịch sử, cho đến nay, rất tiếc có hai lần nhà cầm quyền Việt đã ký kết văn bản nhượng đất cho Trung Hoa. Ðó là nhà Mạc vào giữa thế kỷ 16 và đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vào cuối thế kỷ 20.

I.- NHÀ MẠC NHƯỢNG NĂM ÐỘNG

Mạc Ðăng Dung đảo chánh năm 1527, lật đổ nhà Lê, tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (trị vì 1627-1530), lập ra nhà Mạc. Nhiều sĩ phu trung quân bảo thủ vẫn tưởng nhớ nhà Lê và chống đối nhà Mạc. Tại Sầm Châu (Lào), năm 1533, Nguyễn Kim tìm được người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lúc đó được 18 tuổi, lập lên làm vua tức vua Lê Trang Tông (trị vì 1533-1548), mở đầu công cuộc trung hưng nhà Hậu Lê. Lê Trang Tông đã cử hai phái đoàn sang nhà Minh cầu viện.

Phái đoàn thứ nhất do Trịnh Duy Liểu cùng hơn mười người đi bằng đường biển từ Chiêm Thành, theo thuyền buôn Quảng Ðông, mất hai năm mới tới kinh đô Trung Hoa, trình bầy việc Mạc Ðăng Dung lật đổ nhà Lê năm 1527ạ, và xin nhà Minh dấy quân hỏi tội họ Mạc.( 1)

Phái đoàn thứ nhì do Trịnh Viên cầm đầu sang Minh năm 1536 (bính thân). Viên đi đường núi, gặp quan chức nhà Minh ở Vân Nam , trình bày tình hình trong nước và thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc.

Trong lúc việc bang giao giữa nhà Mạc (Ðại Việt) và nhà Minh (Trung Hoa) diễn ra bình thường, thì hai phái đoàn cầu viện của nhà Hậu Lê trung hưng kêu gọi nhà Minh đem quân đánh nhà Mạc. Hành động của hai phái đoàn nầy cho nhà Minh thấy rõ sự chia rẽ trong nội bộ Ðại Việt, là cơ hội thuận tiện để họ mở cuộc xâm lăng. Vì vậy, sau khi nghe tường trình, triều đình nhà Minh kết luận “Ðăng Dung có mười tội to, không thể không đánh được.”( 2)

Như thế, nguyên nhân chính việc nhà Minh đem quân đến biên giới đe dọa nước ta vào giữa thế kỷ 16 là do sự thỉnh cầu của những kẻ đại diện nhà Lê Trung hưng. Vì lời cầu cứu của vua Lê, triều đình nhà Minh mới bàn tính chuyện sang xâm lăng nước ta. Lúc đó, vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải đang trị vì (từ 1540 đến 1546). Phụ vương của Hiến Tông là Thái Tông Mạc Ðăng Doanh (trị vì 1530-1540) đã từ trần. Nội tổ của Hiến Tông là Thái Tổ Mạc Ðăng Dung (trị vì 1527-1530) làm cố vấn cho nhà vua trong chức vụ Thượng hoàng.

Thượng hoàng Mạc Ðăng Dung sai Nguyễn Cảnh sang Trung Hoa kiếm cách dò la tin tức. Nguyễn Cảnh bị người Trung Hoa bắt cùng với tang vật là bài “Ðại cáo” do nhà Mạc soạn.( 3) Dựa vào lý do nầy, vua Minh quyết định sai Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, sửa soạn binh mã sang đánh nước ta năm 1537 (đinh dậu). Ðược tin trên, Mạc Thái Tông cử Nguyễn Văn Thái sang nhà Minh đưa biểu trần tình năm 1538 (mậu tuất).( 4) Vua Minh không chấp nhận, và thúc Cừu Loan cùng Mao Bá Ôn hãy mau tiến binh.

Cuối năm canh tý (1540), Cừu Loan và Mao Bá Ôn đem quân đến ải Nam Quan, là đoạn đường đèo hiểm trở giữa hai nước Việt Hoa tại Lạng Sơn. Ðể gây chia rẽ trong nội bộ Ðại Việt, tướng Minh truyền hịch sang nước ta nói rằng chỉ đánh dẹp cha con Mạc Ðăng Dung, buộc họ Mạc phải đến cửa ải nạp sổ sách về đất đai, dân số, thì mới khỏi bị giết.

Thượng hoàng Mạc Ðăng Dung đến ải Nam Quan thương thuyết vào tháng 11 năm canh tý (1540). Ở thế yếu, ông đành cắt nhượng cho Trung Hoa năm động biên giới là Ty Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng (Quảng Yên), để lệ thuộc vào Khâm Châu nhà Minh.( 5)

Sau cuộc gặp gỡ với Mạc Ðăng Dung, Mao Bá Ôn phúc trình lên triều đình nhà Minh, đại ý gồm các điểm: Mạc Ðăng Dung chịu quy thuận; nhà Minh sẽ ban phẩm trật mới cho cháu của Mạc Ðăng Dung là Mạc Phúc Hải theo lối nhà Hán, nhà Ðường trước kia đã làm, và buộc họ Mạc triều cống đầy đủ; lý lịch của Lê Ninh (tức Lê Trang Tông đang được Nguyễn Kim tôn phò ở Thanh Hoa) không rõ ràng, cần phải thẩm xét thêm.( 6)

Dựa vào bản phúc trình của Mao Bá Ôn, tháng 10 năm đó triều đình nhà Minh quyết định phong họ Mạc làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ, cấp ấn bạc và cho thế tập (cha truyền con nối). Toàn quốc chia thành 13 lộ như cũ, mỗi lộ đặt tuyên phủ ty, đứng đầu là tuyên phủ đồng tri, phó sứ, thiêm sự.( 6)

Ðây là quyết định về phía nhà Minh (Trung Hoa), thay đổi danh xưng khá nặng nề trên phương diện bang giao, nhưng trên thực tế, việc nầy không ảnh hưởng gì đến nền tự trị và độc lập của nước ta. Nhà Minh không gởi người qua Ðại Việt để cai trị hoặc giám sát việc cai trị của nhà Mạc, như nhà Nguyên đã làm đối với nhà Trần vào thế kỷ 13.( 7)

Các bộ sử trước đây đều viết rằng Thái Tổ Mạc Ðăng Dung đã lên ải Nam Quan, tự “trói mình” đầu hàng giặc Minh. Việc gọi là “trói mình” là nguyên văn trong phúc trình của Mao Bá Ôn gởi lên triều đình nhà Minh (Trung Hoa) ngày 20 tháng 10 năm tân sửu (1541), được sách Ðại Việt sử ký Toàn thư (phần do Phạm Công Trứ chép thêm cho đến năm 1656) ghi lại rằng: “Mạc Ðăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin kính theo chính sóc, xóa bỏ tiếm hiệu, trả lại đất bốn động đã chiếm, xin nội thuộc xưng thần, xin hàng năm ban lịch Ðại Thống và bù đủ lễ vật tiến cống hàng năm, cúi mình cung kính thuận phục...” (8) Lời lẽ của Mao Bá Ôn chỉ là những lời cường điệu tự cao tự đại theo cách viết văn trong các biểu tấu thời xưa. Trong khi đó, sự thật diễn tiến tại hội nghị Nam Quan tháng 11 năm canh tý (1540) giữa Mạc Ðăng Dung và Mao Bá Ôn như thế nào thì không sách nào viết đến.

Những lời cường điệu của Mao Bá Ôn hầu như là công thức văn chương cổ điển của kẻ chiến thắng ngày trước, mà thỉnh thoảng có thể gặp thấy trong các “truyện Tàu”. Những lời nầy không khác gì những lời của Nguyễn Trãi viết về quân Minh trong bài “Bình Ngô đại cáo” vào năm 1428 sau khi nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng quân Minh: “...Ðến nổi đứa trẻ con như Tuyên Ðức [chỉ vua Minh] nhàm võ không thôi; lại sai đồ dút dát Thạnh, Thăng đem dầu chửa cháy... Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi; Hoàng Phúc tự trói để ra hàng ... Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh... Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cổ ngựa, về đến Tàu còn đổ bồ hôi...”( 9)

Cần chú ý là Lê Lợi đã ba lần làm biểu xin Minh Tuyên Tông (mà Nguyễn Trãi gọi là “đứa trẻ con”) phong vương, nhưng “đứa trẻ con” không chấp thuận. Nguyễn Trãi còn cho rằng Mộc Thạnh, Liễu Thăng là “đồ dút dát”, các tướng Minh là “Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi; Hoàng Phúc tự trói để ra hàng”, và “Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội”. Hình ảnh “vẫy đuôi phục tội” hạ thấp giá trị các tướng nhà Minh ngang hàng cầm thú. Hình ảnh vua quan Trung Hoa qua lời Nguyễn Trãi còn tệ hại hơn hình ảnh Mạc Ðăng Dung qua lời Mao Bá Ôn

Trong khi phía Trung Hoa không khi nào chú ý đến lời của Nguyễn Trãi, thì các các bộ chính sử của các triều đại nhà Lê trung hưng khai thác lời của Mao Bá Ôn để kết án Mạc Ðăng Dung, chẳng qua vì Mạc Ðăng Dung lật đổ nhà Lê. Các sử quan nhà Nguyễn theo thuyết chính thống, chống lại việc Mạc Ðăng Dung cướp ngôi, nên cũng nên cũng theo đó mà kết án.

Trong biến cố nầy, vấn đề quan trọng là Mạc Ðăng Dung đã cắt năm động (sóc hay làng) giao cho Trung Hoa để nhà Minh lui quân. Những động nầy của các bộ tộc địa phương ít người, nằm giữa Trung Hoa và Ðại Việt, thường tự trị, chưa có ý thức quốc gia đầy đủ, nên họ không phụ thuộc vào nước nào nhất định; bên nào mạnh thì họ theo để khỏi bị đánh. Về phía Trung Hoa, nhà Minh cho rằng năm động đó là của họ nên họ đòi lại.

Lúc đó, nhà Lê đã trung hưng ở miền nam từ 1533, và cử hai phái đoàn sang cầu viện nhà Minh. Mạc Ðăng Dung biết rằng nội bộ phân hóa, lực lượng nhà Mạc khó có thể chống cự được nhà Minh, đất nước có thể sẽ rơi vào tay nhà Minh lần nữa, nên đành phải chịu nhượng năm động miền biên giới để đổi lấy hoà bình. Hành động nầy của thượng hoàng Mạc Thái Tổ bị nhiều người viết sử lên án gắt gao, nhưng chẳng có ai lên án những kẻ đã sang Trung Hoa cầu viện và thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc, nghĩa là đánh nước ta, mới xảy ra chuyện nhà Minh sách nhiễu cuối năm 1440.

Ở đây tưởng cũng nên thêm một sự kiện đặc biệt về họ Mạc. Nhà Mạc thất bại năm 1593, con cháu ly tán khắp nơi. Một trong những vị tướng cuối cùng của họ Mạc là Mạc Ngọc Liễn từ trần ngày mồng 2 tháng 7 năm giáp ngọ (1594). Trước khi qua đời vì bệnh, Mạc Ngọc Liễn để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung: ”... Họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội, mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được... Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không có gì nặng bằng.”( 10) Quả thật, phản ứng của nhà Mạc khác với những triều đại một thời huy hoàng là nhà Trần, nhà Lê và nhà Nguyễn. Nhà Mạc chấp nhận mất ngôi mà không nhờ người nước ngoài đem binh về đánh nước ta để phục nghiệp.

II.- ÐẢNG CSVN NHƯỢNG ẢI NAM QUAN VÀ 10,000 KM2 MẶT BIỂN

Việc nhà cầm quyền Việt Nam chính thức nhượng đất cho Trung Hoa tái diễn vào cuối thế kỷ 20. Sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, đảng Lao Ðộng Việt Nam đổi tên thành đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và đổi luôn quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Ðiều 4 chương 1 Hiến pháp năm 1992 của CHXHCNVN xác nhận vai trò lãnh đạo tối cao của đảng CSVN.( 11)

Về ngoại giao, CHXHCNVN không còn theo chính sách ngoại giao thăng bằng giữa Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH), như VNDCCH trong thời gian chiến tranh, mà ngã hẳn về phía Liên Xô. Ngày 27-6-1978, tại Bucharest, thủ đô Romania, CHXHCNVN gia nhập khối COMECON.( 12) Trong cuộc họp của khối nầy tại thủ đô Mông Cổ là Oulan Bator từ 27-9 đến 1-10-1978, các nước trong khối COMECON hứa hẹn sẽ giúp CHXHCNVN thực hiện những kế hoạch kinh tế và kỹ nghệ mà CHNDTH bỏ dở.( 13) Ngày 3-11-1978, Lê Duẩn (1907-1986, bí thư thứ nhất đảng Lao Ðộng từ 1960 đến 1975, tổng bí thư đảng CS từ 1976-1986) sang Liên Xô và ký với Leonid Brezhnev (1906-1982, bí thư thứ nhất đảng CSLX 1964-1966, tổng bí thư 1966-1982) , Hiệp ước Hai mươi lăm năm Hỗ tương và Phòng thủ giữa hai nước.

Dựa vào hậu thuẫn của Liên Xô, CSVN xua quân xâm lăng Cambodia , chiếm thủ đô Phnom Penh ngày 7-1-1979. Nhà cầm quyền Cambodia lúc đó do đảng CSTH đỡ đầu. Viện cớ Việt Nam xâm lăng Cambodia , CHNDTH quyết định trả đũa và “dạy” cho Việt Nam một bài học. Bài học nầy không phải thuần túy vì vấn đề Cambodia . Bài học nầy còn liên hệ đến ba việc: 1) Thứ nhất, Cambodia là cửa ngõ để CHNDTH tiến xuống Ðông Nam Á. Khi CHXHCNVN xâm chiếm Cambodia , tức đã chận đứng con đường bành trướng của CHNDTH xuống vùng vịnh Thái Lan. 2) Thứ nhì, khi bỏ CHNDTH, chạy theo Liên Xô và ký kết hiệp ước 1978, lãnh đạo đảng CSVN đã mặc nhiên bỏ luôn những cam kết ngầm với CSTH trong lúc nhận những viện trợ to lớn của Trung Hoa để tiến hành hai cuộc chiến 1946-1954 và 1954-1975, mà con số nầy lên đến 20 tỷ Mỹ kim.( 14) Thứ ba, CHNDTH muốn chận đứng tham vọng quá lớn của CSVN sau khi CSVN chiếm được toàn cõi Việt Nam năm 1975.

Ngày 17-2-1979, CHNDTH đưa trên 200,000 quân tấn công CHXHCNVN ở sáu tỉnh biên giới. Có nơi quân CHNDTH tiến sâu vào nội địa Việt Nam 40 cây số. Sau khi phá nát vùng nầy, quân Trung Hoa rút về ngày 5-3-1979. Ðiều đáng nói là trong khi đánh nhau, quân CHNDTH đã phá hủy những cột mốc biên giới có từ thời Pháp thuộc, rồi dựng lại những cột mốc biên giới mới. Trong khi dựng lại, quân CSTH đã dời nhiều cột mốc biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam .

Tình hình thế giới xoay chuyển mạnh vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Chế độ cộng sản tan rã vào các năm 1989 và 1990 ở các nước Ðông Âu như Ba Lan (Poland), Hung Gia Lợi (Hungary), Bảo Gia Lợi (Bulgaria), Tiệp Khắc (Czechoslovakia), Ðông Ðức (East Germany), Nam Tư (Yugoslavia). Sau đó, chế độ cộng sản Liên Xô (U. S. S. R.), hậu thuẫn vững vàng của CHXHCNVN, cũng sụp đổ vào năm 1991.

Lúc đó, các nhà lãnh đạo đảng CSVN mất hậu thuẫn của Liên Xô, phải thay đổi chính sách ngoại giao. Một mặt CHXHCNVN cầu thân trở lại với CHNDTH và mặt khác kiếm cách giao hảo với Hoa Kỳ. Tổng bí thư đảng CSVN là Nguyễn Văn Linh (giữ chức từ 1986-1991), cùng các ông Phạm Văn Ðồng (1906-2000), Ðỗ Mười, bí mật sang CHNDTH thương thuyết vào tháng 9-1990. Sau đó ông Ðỗ Mười (giữ chức từ 1991-1998), mới lên thay ông Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, cùng ông Võ Văn Kiệt, thủ tướng CSVN, sang Bắc Kinh ngày 5-11-1991 chính thức tái lập bang giao giữa hai nước. “Bài học” mà Ðặng Tiểu Bình đã “dạy” cho CSVN năm 1979 đến nay mới hiệu ứng.

Nhân cơ hội đảng CSVN lúng túng, CHNDTH gây sức ép càng ngày càng lớn đối với CHXHCNVN. Ở thế bí, ban lãnh đạo của đảng CSVN đành phải thuận nhượng đất và biển theo sự áp đặt của CSTH. Kết quả là hai hiệp ước về biên giới ra đời trong vòng một năm.

Ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN là Nguyễn Mạnh Cầm và bộ trưởng Ngoại giao CHNDTH là Ðường Gia Truyền (Tang Jianxuan) cùng ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Hiệp ước nầy được quốc hội Bắc Kinh thông qua ngày 29-4-2000 và quốc hội Hà Nội thông qua 9-6-2000.

Ngày 25-12-2000, tại Bắc Kinh, đại diện hai nước Việt Nam và Trung Hoa đã ký Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền lợi trên vịnh Bắc Việt, dưới sự chứng kiến của chủ tịch CHXHCNVN là Trần Ðức Lương và chủ tịch CHNDTH là Giang Trạch Dân (Jiang Zemin).

Vịnh Bắc Việt rộng 123,700 km2. So với cách phân chia lãnh hải ngày 26-6-1887 thời Pháp thuộc (Việt Nam được 62%, Trung Hoa được 38%), cách phân chia lãnh hải ngày 25-12-2000 (Việt Nam được 53,23%, Trung Hoa được 46,77%) đã làm cho Việt Nam mất trên 8% diện tích vịnh Bắc Việt, tương đương với khoảng trên 10,000 km2.

Ðiểm đặc biệt là các nhà lãnh đạo đảng CSVN đã giấu kỹ không cho dân chúng biết nội dung hai hiệp ước trên đây trước khi ký và trong khi ký. Một thời gian khá lâu sau khi ký, bị dư luận bàn tán phanh phui, nhà cầm quyền Hà Nội mới công bố hai bản hiệp ước mà cũng không tiết lộ bản đồ để cho dân chúng theo dõi, so sánh.

III.- SO SÁNH HAI VỤ NHƯỢNG ÐẤT CHO TRUNG HOA

Nhà Mạc vào thế kỷ 16 cũng như nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội vào cuối thế kỷ 20, đã hạ bút ký kết việc nhượng đất cho Trung Hoa. Dầu việc làm nầy hoàn toàn sai trái, nhưng cả hai việc nhượng đất đều do những kẻ đang cầm quyền thực hiện, nên dân tộc Việt Nam phải hứng chịu thiệt thòi. Hai hành động nầy có những điểm giống nhau, nhưng cũng có những điểm khác nhau.

1. NHỮNG ÐIỂM GIỐNG NHAU

a) Cả hai nhà cầm quyền đều cắt đất của tổ tiên để nhượng cho Trung Hoa. Việc nầy bị cấm ngặt theo điều 74 của bộ Quốc triều hình luật đã được ban hành từ thời vua Lê Thánh Tông, vào thế kỷ 15.( 15)

b) Cả hai đều tự quyền cắt đất mà không hỏi ý dân. Vào thế kỷ 16, khi thương thuyết với Mao Bá Ôn để quân Minh rút lui, Mạc Ðăng Dung đã tự ý cắt năm động thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng để nhượng cho Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ 20, nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã tự ý cắt đất và mặt biển để nhượng cho Trung Hoa, không tham khảo ý kiến bất cứ ai. Nói cách khác, cả hai chế độ quân chủ và cộng sản đều tập trung quyền lực cao nhất vào trong tay một người (vua trong chế độ quân chủ) hay một nhóm người (ban lãnh đạo đảng CSVN).

c) Những nhà lãnh đạo Trung Hoa, dầu là Trung Hoa quân chu,Ư hay CHNDTH, đều nuôi tham vọng bành trướng đất đai, sẵn sàng xâm chiếm Việt Nam.

2. NHỮNG ÐIỂM KHÁC NHAU

a) Tuy tập trung quyền lực cao nhất vào trong tay một người, hay một nhóm người, hai chế độ chính trị bắt nguồn từ hai nền văn hóa khác nhau. Quân chủ là sản phẩm của nền văn hóa Nho giáo. Chế độ CSVN là sản phẩm của chủ nghĩa Mác-xít. Một trong những điểm khác nhau căn bản giữa hai nền văn hóa nầy là Nho giáo tôn trọng đạo “nhân”, xem đạo “nhân” là đạo lớn nhất trong ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Trái lại, chủ nghĩa Mác-xít chủ trương tranh đấu giai cấp, làm tiêu diệt hẳn nhân tính nơi con người (sẽ trình bày phía dưới).

b) Về mặt pháp lý, dưới thời quân chủ chuyên chế, vua là con trời (thiên tử), thay trời hành đạo, làm chủ đất nước, đất nước là của vua. Vua độc tôn quyền lực cả hành pháp, lập pháp, lẫn tư pháp. Nói cách khác vua là luật pháp, nên không có luật pháp nào chế tài vua. Vua có quyền tự ý quyết định mọi việc quân quốc trọng sự, thương lượng và ký kết hiệp ước.

Ngược lại, thời đại ngày nay là thời đại dân chủ. Trên lý thuyết chế độ cộng sản có hiến pháp, có quốc hội. Chế độ nầy thường nói đến ý niệm “nhân dân làm chủ”, hay “làm chủ tập thể”. Từ ngữ “nhân dân” lại bàn bạc trong ngôn ngữ hành chánh của chế độ nầy, như “uỷ ban nhân dân”, “quân đội nhân dân”, “công an nhân dân”. Thế mà việc ký kết hiệp ước nhượng đất là một sự kiện trọng đại, nhà cầm quyền Hà Nội không tham khảo ý kiến của nhân dân như trưng cầu dân ý, hay tham khảo ý kiến của quốc hội. Ðây là một việc làm hoàn toàn vi phạm pháp luật.

c) Hoàn cảnh chính trị hai bên khác nhau. Nước Việt dưới thời nhà Mạc chia rẽ, vì nhà Mạc đảo chánh năm 1527, lật đổ nhà Lê, nên nhiều người vẫn còn hoài Lê. Nguyễn Kim lại trung hưng nhà Lê ở trong nam năm 1533. Trong nội bộ nhà Mạc, năm 1530, Thái Tổ Mạc Ðăng Dung nhường ngôi cho con là Thái Tông Mạc Ðăng Doanh, lên làm thượng hoàng. Thái Tông lại từ trần năm 1540, con là Hiến Tông Mạc Phúc Hải mới lên ngôi. Chính trong cùng năm nầy (1540), Mao Bá Ôn đem quân tới Nam Quan, đe dọa biên thùy. Nhà Mạc lúng túng vì vua mới lên ngôi, đành phải chấp nhận nhượng đất cầu hòa ở phương bắc, để lo đối phó với nhà Lê ở phương nam.

Trong khi đó, vào cuối thế kỷ 20, CSVN là một đảng chính trị rất kỷ luật, cai trị chuyên chế, nắm trọn quyền lãnh đạo đất nước, không có đối lập. Tại sao CSVN không vận dụng tổng lực dân tộc chống lại bắc phương? Tại sao CSVN dễ dàng đột qụy, ký liền hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển, trong khi việc thương lượỳng nầy có thể kéo dài hàng trăm năm cũng chưa giải quyết xong được? Bằng chứng là vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay, cứ giằng co giữa các nước trong nhiều năm rồi mà chưa có một kết luận rõ rệt.

d) Lý do cắt đất cũng hoàn toàn khác nhau. Vì đại diện của nhà Lê trung hưng hai lần qua triều đình Trung Hoa xin nhà Minh đem quân đánh nhà Mạc, nên nhà Minh mới quyết định đe dọa nước ta. Thái Tổ Mạc Ðăng Dung ở thế chống đỡ tự vệ, thấy sức mình yếu kém, nếu chống lại nhà Minh thì nước Việt sẽ bị thêm một lần Minh thuộc, nên đành phải tự ý nhượng năm động ở Yên Quảng. Nói cho cùng, việc làm nầy tuy là hạ sách, nhưng chẳng những cứu nguy nhà Mạc, mà còn cứu nguy đất nước khỏi họa ngoại xâm.

Ngược lại, vào cuối thế kỷ 20, rất nhiều người chống đảng CSVN đã ra đi sinh sống ở hải ngoại, kể cả qua Trung Hoa định cư, nhưng chẳng có một người Việt Nam nào dại dột nhờ CHNDTH giúp đỡ để đánh lại chế độ trong nước. Ngày nay, trong thế bang giao quốc tế khá chặt chẽ, việc nước nầy xâm lăng nước khác không thể dễ dàng thực hiện. Hơn nữa dân chúng Việt Nam không thể dễ dàng bị ngoại bang khuất phục. Vậy tại sao CSVN lại dễ dàng cắt đất nhượng cho CHNDTH? Ðây không phải vì sự cứu nguy đất nước như nhà Mạc đã làm. Ðây phải chăng là để cứu nguy đảng CSVN và cái giá phải trả về món nợ 20 tỷ Mỹ kim chiến phí trong thời gian từ 1950 đến 1978 mà CSVN đã thiếu của CHNDTH?( 16) Tự vay súng ống để gây chiến tranh, giết hại đồng bào, rồi dùng tài sản chung của đồng bào do tổ tiên để lại, để trả nợ riêng thì thật chẳng hợp lẽ chút nào.

đ) Diện tích đất đai đã bị nhượng dưới thời nhà Mạc chỉ có năm động (tức năm buôn, sóc hay làng) của các bộ tộc địa phương ít người tại châu Vĩnh An, thuộc Yên Quảng (Quảng Yên ngày nay). Năm động nầy không có vai trò gì đặc biệt trong lịch sử, cũng không có tài nguyên thiên nhiên quan trọng.

Trong khi đó, diện tích đất đai do đảng CSVN nhượng cho Trung Hoa không biết được, vì không có bản đồ biên giới để so sánh. Tuy nhiên, chắc chắn số đất đã mất phải rộng hơn năm động thời nhà Mạc. Trong số đất đã mất nầy, có cả vùng đèo Nam Quan, tức là đèo Pha Lũy. Ngọn đèo nầy là tiền đồn ngăn chận các cuộc xâm lăng của bắc phương, vừa có giá trị quốc phòng, vừa có giá trị lịch sử vì tổ tiên chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ, có tính cách thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Ngoài ra, đảng CSVN còn nhượng cho Trung Hoa 8% diện tích thềm lục địa vịnh Bắc Việt, tương đương khoảng 10,000 km2 mặt biển. Việc nầy chẳng những gây thiệt thòi về mặt giao thông, quốc phòng, ngư nghiệp, mà còn làm mất rất nhiều tài nguyên dưới lòng đất. Vừa qua, trong tháng 10-2004, báo chí loan tin một mỏ dầu mới được khám phá ở vùng biển cách Hải Phòng khoảng 75 cây số. Không biết mỏ dầu nầy có kéo dài đến vùng biển đã mất hay không?

e) Khả năng đòi lại đất lại càng khác nhau. Thời trước chưa có công pháp quốc tế. Ý niệm về biên giới với những đường ranh cố định chưa rõ ràng như ngày nay. Nhà Mạc nhượng năm động của các bộ tộc ít người trong một châu ở miền núi Yên Quảng. Những bộ tộc nầy không theo Trung Hoa, cũng không theo Ðại Việt. Họ chỉ dừng lại ở ý niệm bộ tộc, chứ chưa lên tới ý niệm quốc gia. Nước nào mạnh thì họ triều cống, đóng thuế. Do đó, khả năng đòi lại đất được bỏ ngõ, khi nào nước ta mạnh thì có thể kéo họ về với nước ta.

Ngược lại ngày nay, với công pháp quốc tế, một khi đã ký kết văn bản nhượng đất, thì rất khó lấy lại. Muốn lấy lại, phải thương thuyết lại, ký lại hiệp ước khác, mới có thể hồi hương những đất đã mất.

g) Tính chất bang giao giữa hai nước Việt Hoa trong hai thời đại không giống nhau. Ngày trước, Trung Hoa theo chế độ quân chủ. Các vua Trung Hoa luôn luôn nuôi mộng bá quyền, chờ sẵn cơ hội để xâm lăng nước ta. Ngày nay Trung Hoa theo chế độ Cộng hòa Nhân dân, là nước “xã hội chủ nghĩa anh em” với CHXHCNVN. Tình anh em nầy cũng nguy hiểm không khác gì quân chủ phong kiến ngày xưa.

IV.- KINH NGHIỆM LỊCH SỬ

1. PHẢI LUÔN LUÔN ÐỀ PHÒNG BẮC PHƯƠNG

Kinh nghiệm lịch sử lớn nhất rút ra từ hai vụ nhượng đất là phải luôn luôn đề phòng bắc phương, dù bắc phương theo bất cứ chế độ chính trị nào. Mỗi thời đại, bắc phương có mỗi cách xâm lăng khác nhau. Dưới thời đại quân chủ trước kia, Trung Hoa đã nhiều lần sử dụng võ lực, nhưng vô hiệu. Ngày nay CHNDTH cũng từng dùng võ lực để xâm lăng Việt Nam năm 1979, và cũng từng thất bại.( 17)

Không sử dụng được sức mạnh quân sự, CHNDTH quay qua dùng biện pháp chính trị để áp lực buộc CHXHCNVN ký kết các hiệp ước nhượng đất nhượng biển. Biện pháp chính trị tuy không có gươm đao súng ống, nhưng hết sức lợi hại và nguy hiểm.

Xưa kia, Ðức Trần Hưng Ðạo đã từng tiên liệu việc nầy. Trước khi từ trần năm 1300, Ðức Thánh Trần đã nói với vua Trần Anh Tông: “Nếu nó [quân Mông Cổ] dùng cách ăn dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng người giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tuỳ cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy, cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.” ( 18)

2. PHẢI GẠT BỎ CHỦ NGHĨA MÁC XÍT

Kinh nghiệm lịch sử thứ nhì là muốn thực hiện kế sách “tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc”, nói theo ngôn ngữ ngày nay, là làm cho dân giàu nước mạnh, xây dựng xã hội ổn định để chống lại bắc phương, thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là phải gạt bỏ chủ nghĩa Mác xít. Chủ nghĩa nầy dựa trên căn bản đấu tranh giai cấp, chẳng những đã đánh đổ toàn bộ những giá trị dân tộc truyền thống, mà còn tiêu hủy nhân tính nơi con người, vì đấu tranh giai cấp là đấu tranh sinh tồn, một mất một còn, tận diệt tất cả những giai cấp khác để độc quyền xã hội. Từ đó, tất cả những đức tính tốt đẹp nơi con người hoàn toàn bị tiêu diệt, từ tính tương trợ giữa người với người, lòng tự trọng công dân, đến tự ái quốc gia, hào khí dân tộc. Khi không còn hào khí dân tộc, thì người ta dễ dàng dửng dưng trước việc đất đai bị nhượng cho ngoại bang mà không có phản ứng gì cả.

Trong xã hội cộng sản, vì nhà nước chủ trương đấu tranh giai cấp nên con người luôn luôn đối kháng nhau, xâu xé nhau, giết hại lẫn nhau khiến cho xã hội trở nên bất ổn. Con người mất lòng tin nơi con người, cũng như mất lòng tin vào chế độ cai trị, thì không thể có chuyện “sâu rễ bền gốc” được. Trong cuộc Cải cách ruộng đất ở Bắc Việt kéo dài nhiều năm trong thập niên 50 vừa qua, có nhiều trường hợp con cái đấu tố giết hại cha mẹ, anh em vợ chồng đấu tố giết hại lẫn nhau. Tất cả chỉ để nhắm mục đích sinh tồn. Người ta có thể giết hại cha mẹ để sinh tồn, thì người ta cũng có thể xẻ đất của tổ tiên nhượng cho ngoại bang để sinh tồn. Do đó, có thể nói việc nhượng đất nhượng biển vừa qua của CSVN chính là di căn biến chứng của việc đấu tố cha mẹ trong cuộc Cải cách ruộng đất vào thập niên 50 xuất phát từ chủ nghĩa Mác-xít.

Ngày nay, tất cả mọi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước đều đồng ý một điểm: nói chung phong hóa Việt Nam hiện đang bị suy đồi, xã hội Việt Nam hiện đang bị băng hoại. Tác nhân chính của sự suy đồi và băng hoại nầy, nếu không phải là văn hóa Mác-xít thì còn ai vào đây nữa?

Cần chú ý là các chế độ quân chủ ngày trước, dầu chuyên chế, nhưng không chủ trương tranh đấu giai cấp, lại luôn luôn đề cao tính nhân bản, tôn trọng quyền làm người. Nhờ thế, xã hội không bị phân rã thành những tế bào nhỏ đối kháng nhau, thù hằn nhau, mà xã hội giữ được thế liên kết hài hòa, thăng bằng và ổn định, nên khi nguy biến, dân chúng dễ bỏ qua những khác biệt riêng tư và tập hợp thành tổng lực của dân tộc để chống ngoại xâm và bảo vệ tổ quốc.

3. “XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ANH EM” CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG

Kinh nghiệm lịch sử thứ ba là không có vấn đề “các nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Ý niệm “xã hội chủ nghĩa anh em” hoàn toàn là một ảo tưởng. Cũng không có vấn đề các nước ngoài viện trợ nước Việt Nam vô vị lợi. Người ngoại quốc đến Việt Nam là vì quyền lợi riêng tư của họ. Ðành rằng có một số người Việt Nam phản quốc, nhưng dầu sao chỉ có người Việt Nam mới thực sự yêu tổ quốc Việt Nam. Nền Ðệ nhị Cộng hòa Việt Nam sụp đổ là một bài học cay đắng cho chúng ta về đồng minh Hoa Kỳ. Hai hiệp ước vào cuối thế kỷ 20 của CHXHCN nhượng đất và biển cho CHNDTH là một bài học cay đắng khác của CSVN, mà toàn dân phải chịu thiệt thòi. CSVN là một đảng phái chính trị theo lý thuyết ngoại bang, thành hình từ ngoại bang, tổ chức theo mẫu mã ngoại bang, dựa vào ngoại bang để tiến lên. Từ đó mới nhượng đất để trả nợ cho ngoại bang.

KẾT LUẬN

Thử so sánh việc nhà Mạc nhượng năm động miền núi Quảng Yên, trong hoàn cảnh nội bộ chia rẽ và trong thế yếu, để mưu cầu an ninh cho đất nước, với việc đảng CSVN lãnh đạo một đất nước khoảng 80 triệu dân, tập trung quyền lực toàn diện và tuyệt đối vào trong tay đảng, nhưng chỉ vì quyền lợi riêng tư, mưu cầu sự sống còn cho đảng, đã nhượng biển, nhượng đất, và còn nhượng luôn cả chứng tích Nam Quan vang lừng chiến sử dân tộc, thì bên nào có tội hơn trước lịch sử?

Bộ Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội của đảng CSVN ấn hành năm 1971, “sách biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam” [nguyên văn ghi ở trang 2], đã nhận xét về nhà Mạc như sau: “Trước sự đe dọa của nhà Minh, Mạc Ðăng Dung đã đầu hàng và đem dâng một phần đất của Tổ quốc cho kẻ thù để mong được rảnh tay đàn áp nhân dân và đối phó với phe phái đối lập trong nước. Ðộc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thanh danh của đất nước, đó là những điều thiêng liêng đối với người Việt Nam tự ngàn xưa, nay bị xúc phạm vì sự bất lực và hèn nhát của tập đoàn thống trị họ Mạc...” ( tr. 291)

Những lời nhận xét trên đây thật là mạnh mẽ và đanh thép, nhưng nếu những lời nầy áp dụng cho giới lãnh đạo đảng CSVN hiện nay, thì phải chăng sẽ chính xác hơn?

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)

CHÚ THÍCH

1. Ðại Việt sử ký toàn thư, viết tắt Toàn thư, bd. tập 3 của Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 119.[ Chú ý: Ngô Sĩ Liên viết xong bộ Toàn thư năm 1479. Sau đó, Vũ Quỳnh (1452-1516), và Phạm Công Trứ (1600-1675) chép thêm cho đến năm 1656, vẫn gọi là Ðại Việt sử ký toàn thư.]

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, gọi tắt là Cương mục, bd tập 2, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr. 110.

3. Ðiều nầy được ghi lại theo tài liệu của nhà Minh (Cương mục, bd tập 2, tr. 110). Có thể nhà Minh muốn tạo ra một lý do để tiến quân qua đánh nhà Mạc.

4. Ðại ý tờ biểu được Cương mục, bd tập 2, tr. 112, tóm tắt như sau: “Tương Dực đế bị nghịch tặc Trần Cao giết hại, Ðăng Dung cùng người trong nước tôn lập vua Chiêu Tông. Không bao lâu, Chiêu Tông lại bị gian thần là bọn Ðỗ Ôn Nhuận và Trịnh Tuy dụ dỗ dời vào Thanh Hoa, Ðăng Dung lại tôn lập Cung Ðế làm vua. Liền đó, Ðăng Dung lại đón Chiêu Tông từ Thanh Hoa về. Rồi Chiêu Tông và Cung Ðế đều bị bệnh chết. Họ Lê không người kế tự. Cung Ðế, khi bệnh kịch, có bàn với quần thần, cho rằng cha con Ðăng Dung có công với nước, bèn vời vào, trao cho ấn chương để nối coi việc nước. Ðăng Dung bèn được người nước suy tôn. Còn lý do chưa dâng biểu và sai sứ sang cống, là trước vì Trần Cung chiếm giữ Lạng Sơn làm nghẽn đường, sau vì quan giữ biên cương đóng cửa ải không tiếp nhận. Ðến như người nhận là dòng dõi nhà Lê bây giờ chỉ là con của kẻ khác, chứ không phải là con của Chiêu Tông.” Cương mục cho rằng đây là tờ biểu đầu hàng. Dẫu rằng tờ biểu có nhiều điều không đúng sự thật vì đó là thủ thuật chính trị, nhưng lời lẽ tờ biểu nầy cũng giống như lời lẽ của Lê Lợi trước kia, chỉ có tính cách trần tình mà thôi.

5. Ðộng là một cái làng (buôn hay sóc) nhỏ của người miền núi, vây quanh bởi các dãy núi, chỉ có vài lối đi vào rất hiểm trở. Người miền núi sống trong đó để dễ bảo vệ an ninh. Năm động trên đây viết theo sách Cương mục (bd tập 2, tr. 115) vì Cương mục đã cẩn án cẩn thận các bộ lịch sử và địa lý của Ðại Việt và Trung Hoa.

6. Toàn thư, bd tập 3, tt. 122-123. Hiến Tông Mạc Phúc Hải được nhà Minh phong làm An Nam Ðô thống sứ ty ngày 15 tháng 12 năm nhâm dần (qua 1543).( Toàn thư, bd tập 3, tr. 123.)

7. Vào thế kỷ 13, nhà Trần (1226-1400) phải chấp nhận sự giám trị của nhà Nguyên. Năm 1266, Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278) xin vua Mông Cổ giữ Nạp Thích Ðinh làm đại diện dài hạn tại nước ta (Cương mục, bd. tập 1, tr. 494). Sau đó, cũng Trần Thánh Tông cử sứ giả sang triều đình Nguyên năm 1275 (ất hợi) đề nghị đổi danh xưng quan “Giám trị” thành “Dẫn tiến sứ”, lấy lẽ rằng nước ta không phải là nước man di mà cần giám trị. (Cương mục, bd. tập 1, tt. 502-503.)

8. Toàn thư, bd tập 3, tt. 122-123.

9. Bản dịch của Bùi Kỷ, do Dương Quảng Hàm đăng lại trong Việt Nam văn học sử trích yếu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1960, in lần thứ bảy, tr. 260. “Bình Ngô đại cáo” là một thiên anh hùng ca của dân tộc. Trong cơn say men chiến thắng, Nguyễn Trãi đã gọi vua Minh Tuyên Tông (trị vì 1425-1435) của Trung Hoa lúc đó, niên hiệu là Tuyên Ðức là “đứa trẻ con”.

10. Toàn thư, bd tập 3, tr. 189.

11. Sau đây là nguyên văn điều nầy: “Ðảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.”

12. COMECON: Council for Mutual Economic Assistance tức Hội đồng Tương trợ Kinh tế được thành lập năm 1949 tại Moscow, gồm Liên Xô và các nước cộng sản chư hầu. Khối kinh tế nầy sụp đổ năm 1990 cùng với sự sụp đổ của các nước cộng sản Ðông Âu.

13. Bùi Xuân Quang, La troisième guerre d’Indochine 1975-1999: Sécurité et géopolitique en Asie du Sud-Est, Nxb. L’Harmattan, Paris, 2000, tr 308.

14. Jacques Massu, Jean-Julien Fonde, L’aventure Viêt-Minh, Nxb. Plon, Paris, 1980, tr. 293, phần chú thích.

15. Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều hình luật (phiên âm, dịch nghĩa và chú thích), Việt Publisher Thư Quán, Hoa Kỳ, 1989, tr. 189.

16. Xin xem chú thích 14.

17. Cuộc tấn công năm 1979 của CHNDTH thất bại không phải chỉ vì sự chống cự của Việt Nam, mà còn vì phản ứng quốc tế. Bên cạnh hai nước Việt Nam và Trung Hoa lâm chiến, còn có các nước trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã đứng ra can thiệp và yêu cầu Trung Hoa rút quân.

18. Toàn thư, bd. tập 2, tr. 79. Năm 1300, khi Ðức Trần Hưng Ðạo (1226-1300) bệnh nặng, vua Trần Anh Tông (trị vì 1293-1314) đến hỏi kế sách chống quân Mông Cổ, thì Ðức Trần Hưng Ðạo trả lời như trên.

----

- Tầu Cộng: "Mở Rộng Không Gian Sinh Sống"
- Giọt lệ Sinh Tồn_Sin Cowe Island, Cho quần đảo Hội...

Aucun commentaire: