1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

samedi 24 mars 2007

Sử phi sử (I)

Sử phi sử (I)
Nguyễn Văn Lục


“Bây giờ trung thực phải đặt lên trước vì là cái thiếu nhất”
Lời TT Phạm Văn Đồng. NXBCTQG. Hànội 2002, trang 693



Trên đây là lời phát biểu của cựu TT Phạm Văn Đồng, người hơn ai hết hiểu cái bản chất chế độ cộng sản là gì? Trước khi chết, hẳn ông hiểu rõ chế độ ấy và cảnh báo tính chất thiếu trung thực, tính tuyên truyền trong hệ thống giáo dục dưới chế độ CS. Ông đã đề nghị như thế với ban khoa giáo trung ương và Bộ Giáo Dục và Đào tạo.

Nhưng rồi nước lã ra sông, mọi việc không thành. Và từ xưa đến nay, đã có hàng trăm, hằng ngàn những lời phát biểu nước lã ra sông như thế. Đôi khi càng nói càng tệ hại hơn. Ông nào lên cũng nói chống tham nhũng, nhưng tham nhũng càng nhiều hơn đến không có thuốc chữa.

Tôi vốn không khó tính, tôi chỉ mong muốn kiếm cho ra trong cái ban lãnh đạo nhà nước bây giờ một người tử tế, một người thôi, một người sống đàng hoàng, không lấy của dân.

Điều đó không thể tìm ra được. Đất nước này thế thì nó hỏng rồi, nó mục nát rồi.

Vì thế, Việt Nam chỉ có một con đường thoát: thay đổi cơ chế. Thay đổi cơ chế cũng chưa hẳn là xong. Phải thay đổi cả cái não trạng như những tế bào ung thư đục ruỗng cơ thể con người Việt Nam. Công việc vạn nan.

Cái não trạng đục ruỗng đó là sống thiếu trung thực, sống gian dối lừa phỉnh quen rồi do tuyên truyền mà ra.

Khốn thay, sự lừa phỉnh, sự gian dối lại bắt nguồn từ giáo dục, từ mẫu giáo, từ các mầm non, thiếu nhi, thiếu niên đến thanh niên.

Đến lúc trưởng thành vỡ lẽ ra được thì đã trễ rồi. Gian dối trở thành quán tính con người. Đến cả nước nói dối. Khốn thay để làm người Việt Nam mà không biết nói lời chân thật.

Cái lừa phỉnh man trá đủ loại mà nền giáo dục Việt Nam tạo ra rất nhiều khoảng tối.

Hai khoảng tối rất quan trọng là các kỳ thi tuyển sinh đại học và sự cải cách giáo dục trong các sách giáo khoa.

Riêng ông bộ trưởng giáo dục đã xin 10 năm, tức là vào năm 2010 để chấm dứt và nói Không với hai tiêu cực: Nói không với các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và nói không với bệnh thành tích trong giáo dục?

Nay đã bắt đầu 2007, hai cái không đó hình như vẫn còn nguyên vẹn?

Từ đó, ông chưa làm được điều gì cụ thể cả. Thời gian chẳng còn bao lâu nữa cho ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?

Về thi tuyển sinh — Nhiều bài báo đã nói về điều ấy như: Một đề thi khuyết tật... Tội nghiệp con tôi, Và mở ra những cuộc hội thảo về: giải pháp chống tiêu cực trong thi cử, phong bì cho thấy trước khi thi. Người ta gọi ông bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân là làm những cuộc phiêu lưu. Nói đổi mới nhiều quá đâm nhàm, ai đó đã sáng chế ra chữ mới hơn: “Bình minh thứ hai của đổi mới” . Rồi “nói Không với tiêu cực từ phổ thông Trung học đến đại học”.

Có người còn bi quan hơn nói rằng thà là trả tiền để có được bằng cấp sản phẩm dởm còn đỡ đau hơn là cố gắng học tập thật mà chỉ cho một sản phẩm giả.


Thật giả là nan đề của vấn đề giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

Những lời bình nghị đủ loại về thày dạy, trò học trong các kỳ thi tuyển như: “Cơm chấm cơm”. Đó là tình trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, thày trò ngang sức chấm nhau. Và ông Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra lời nhận xét: “Chấm 31 năm không sao, nhưng đến thời kỳ hội nhập là không bình thường, không thể kéo dài tình trạng này”. Nếu không đạt chất lượng thì tự an ủi:” Thiếu còn hơn yếu. Và để giải quyết vấn đề chất lượng bằng cách thị trường hóa, bằng cách liên kết với các đại học Quốc tế.

Và nay thì nhiều người ngỡ ngàng thẫn thờ: “Chỉ thế thôi ư? Chỉ làm những cuộc đổi mới ‘trên giấy’”.

Nhưng như một nếp sống văn hóa xã hội chủ nghĩa người ta đã tốn công với rất nhiều nghị quyết, họp Hội đồng. Chỉ riêng năm 2001—2002, Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức xây dựng “chương trình khung” và coi như một bước tiến đổi mới giáo dục. Có tất cả 12 Hội đồng khối và 106 Hội đồng ngành với tổng số 1.725 ủy viên. Từ tính thiếu trung thực nên hệ đào tạo đại học đã đẻ ra nhiều tiến sĩ “giấy” như nhận xét của ông Trần Văn Thọ, một giáo sư từ nước ngoài về nước giảng dạy. Ông cho biết đã tham dự 8 buổi thi Phó tiến sĩ, vậy mà văn bằng sau đó được chuyển tự động sang thành tiến sĩ?(1)

Bài viết sau đây của tôi giới hạn vào cái góc tối sách giáo khoa, trong đó đặc biệt là sách giáo khoa sử một vài lớp bậc trung học.

Tự nó, môn sử là bị người đời hiếp đáp nhiều nhất. Chân dung của nó có thể ví như chân dung của một cô gái con nhà lành bị hiếp dâm nhiều lần, bị làm nhục , bị mang ra bôi bẩn.

Mặc dầu vậy, có rất nhiều sử gia từ xưa đến nay răn dạy đủ điều hay lẽ phải về môn sử. Sử gia Ngô Sĩ Liên, viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Sử để ghi chép việc, mà việc hay hay dở dùng làm gương răn cho đời”. Lê Quý Đôn, trong bài tựa Đại việt thông sử thì viết: “Đại để phép làm sử là phải: mỗi sự kiện đều nhặt đủ không bỏ sót, để cho người ta sau khi mở ra xem, rõ được manh mối, biết được đầu đuôi, tuy không được mắt thấy tai nghe, mà rõ ràng như chính mình được thấy”.

Đấy là chuyện người xưa. Nay là chuyện sách giáo khoa sử


Về những nét lớn trong các sách giáo khoa sử lớp 10, 11, 12

Cảm tưởng chung khi tôi đọc các sách giáo khoa sử lớp 10, 11 là nội dung các sách sử này bàng bạc chủ nghĩa Mác mà không có Mác. Mang chủ nghĩa ấy một cách gián tiếp áp đặt lên các chế độ nông nô và phong kiến là một cách suy diễn bằng loại suy (analogic/analogie) phiến diện và ngụy tạo.

Chế độ nông nô là hình thức sơ đẳng của mối tương giao người–người, rất gần với các định luật thiên nhiên theo đó cá lớn nuốt cá bé, nhưng lại rất xa vời với ý thức về sự bóc lột, về ý thức tranh đấu giai cấp. Nó chưa có điều kiện chín mùi để hình thành một nhận thức đầy đủ về ý niệm bóc lột, về mối tương giao ông chủ-thằng ở theo nghĩa là một cặp đối kháng tranh đấu một mất một còn. Vì thế, không thể nào mang ý thức hệ Mác xít chín mùi, thành quả của nhận thức biện chứng, hiểu sâu xa bản chất sự bóc lột để giải thích tính cách tương tự hay tính cách *mở đầu* cuộc đấu tranh giai cấp giữa giầu nghèo.

Về điểm này, trước đây Đào Duy Anh cũng đã sai lầm khi xử dụng duy vật biện chứng, duy vật sử quan để giải thích về các chế độ xã hội trước Mác.

Phải xác định rõ ràng Mác là Mác, bắt đầu từ đó và dừng lại đó. Đi lui về trước Mác hay tham vọng đi xa về sau đều tỏ ra bất cập và lúng túng. Chủ thuyết Mác đã tỏ ra thất bại khi áp dụng vào các nền kinh tế đương đại và tỏ ra bất cập, hời hợt khi dùng để giải thích chế độ nông nô và phong kiến.

Sách giáo khoa Sử, lớp 10, lớp 11 đã dựa vào các chế độ xã hội để minh chứng cho những khung lý thuyết của mình. Vì thế, nó đã giản lược lịch sử con người vào lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp. Bằng chứng là đã có các cuộc đấu tranh trong các chế độ nông nô và các chế độ phong kiến, rồi phóng chiếu ý thức giai cấp bị bóc lột và từ đó đưa ra chiêu bài giải phóng con người ra khỏi các giai cấp bóc lột ấy.

Đó là một phóng chiếu phi thực không thích hợp cho chế độ xã thôn, gia tộc Việt Nam. Vì thế, nó không lột tả được tinh thần cũng như nếp sống bản địa của người Việt Nam.

Nó cũng không nêu bật được từng thời kỳ, từng bước đi gian nan dành lấy quyền sống của tổ tiên chúng ta trong việc bảo vệ đất nước và bảo vệ nếp sống Việt tính.

Nói trắng ra nó có thể sẵn sàng bỏ qua, bỏ quên, cố tình lờ đi tất cả các triều đại lich sử từ thời Bắc thuộc, rồi qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, rồi trải qua các đời Lý, Trần, Hồ và khởi nghĩa Lam Sơn. Tiếp đến là các thời Lê, Mạc,Trịnh- Nguyễn Tây Sơn. Vì thế, nó đã cố tình bỏ qua tất cả các khung xã hội với đơn vị làng xã, xã thôn, gia tộc, đơn vị gia đình từ đó có nếp sống văn hóa, luân lý, sinh hoạt làm ăn, sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục thật phong phú và sống động.

Con người Việt Nam đã không có mặt và xa lạ trong tất cả tiến trình từ xã hội nông nô đến phong kiến.

Đó là một thứ sử phi sử, một thứ sử chết.

Sự giải thích sử, cắt nghĩa hướng đi lịch sử dựa trên lý thuyết C. Mác (Kark Marx) đã tỏ ra hết thời, nông cạn và phiến diện. Ta không thể cứ tiếp tục dùng lý thuyết đó nhồi sọ vào giới trẻ Việt Nam nữa.

Chẳng ai có thể chứng minh cho chúng ta thấy rằng ý thức giai cấp bị bóc lột trong chế độ nô tỳ của Việt Nam nó như thế nào?

Ngược lại trong xã hội xã thôn, đơn vị là gia đình và làng xã, chỉ cho thấy sự hài hòa, sống trong tình thần xã thôn có trên có dưới, có tình người trong đó, chủ tớ không hẳn là một tương quan bóc lột, mà là một tương quan đùm bọc.(2)

Áp dụng chủ thuyết Mác xít trong tương quan chủ ông–thằng ở là một giải thích máy móc và phiến diện. Nó chỉ đúng trong các xã hội phương Tây ở vào thời kỳ phôi thai của xã hội tư bản và không liên quan gì đến xã hội xã thôn, lấy gia đình, họ tộc làm kim chỉ nam cho nếp sống văn hóa Việt.

Chính những yếu tố gia đình có nề nếp, có kỷ cương đã làm nên lịch sử con người Việt Nam qua các thờ đại. Xóa trắng như thế là xóa trắng nền tảng của Việt tộc.

Chính ở điểm này mà tội nghiệp cho giới trẻ của 83 triệu người Việt Nam đã không còn nhìn nhận ra tổ tiên, cha ông mình đã sống, đã tranh đấu để sống còn qua các thời kỳ lịch sử, đánh dấu bằng cái mốc các triều đại các vua chúa từ đời vua Hùng trở về sau như thế nào?

Học sinh bị nhồi sọ bằng một thứ sử không sử.

Tôi không tìm thấy bóng dáng con người. Bóng dáng của tổ tiên chúng ta trong những bài học sử đó.

Đó là thiếu sót không tha thứ được.

Sử là sử học về con người. Chính là nhừng con người có tên có tuổi, là tác nhân ra sử, chứ không phải là những phong trào, những đám đông vô danh.

Vì thế, tôi cũng không tìm thấy vết chân tổ tiên tôi trên những đoạn đường sử đó với đầy chông gai và khốn khổ, áp bức, tù đày, nghèo túng và khốn cùng, nhưng vẫn đầy lòng can đảm, sự trì trí và quyết tâm đi tới.

Tôi cũng không học được bất cứ điều gì, như tình yêu tổ quốc, yêu đất nước con người, yêu mảnh đất quê hương yêu dấu như xóm làng, bà con, hàng xóm.

Tóm lại về cơ bản, tôi không chấp nhận thứ sử đó, sử phi sử.

Sử lớp 12: Trong phần sử liệu của học sinh lớp 12, tôi xin chỉ giới hạn vào tập 2 và trong tập hai, chỉ xin giới hạn vào cuộc chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam và sau đó thời gian sau 1975.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1946/1954, tôi nhận ra những điều bóp méo, bẻ quặp đến kinh ngạc sau đây trong sách giáo khoa sủ lớp 12 này. Tôi không hiểu những người thường quan tâm đến những vấn đề thiết thân đến chuyện đất nước nghì gì? Như quý ông Phạm Vũ Hạc, Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Hoàng Tụy, Nguyễn Lâm Dũng? Nội dung cuốn sách sử lớp 12 ấy có những điều không nói sau đây:

– Không một chữ về khu tự vệ Phát Diệm vốn giữ một vai trò nhất định và quyết định: Khu tự vệ cầm chân người Pháp, đồng thời là rào lũy che chắn vùng kháng chiến. Và sau này, giữ vai trò trái đệm giữa vùng tề và vùng kháng chiến, cửa ngõ cung cấp thuốc men,vật dụng, ngay cả súng đạn qua cửa biển Cồn Thoi rồi đi suôi vào Thanh Hóa vào liên khu V của tướng Nguyễn Sơn.

– Không một chữ đả động đến các lực lượng Giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ở miền Nam vốn gây khó khăn cho người Pháp không ít.

– Nhất là không một chữ cho cuộc kháng chiến Nam Bộ, mở đầu cuộc kháng chiến trên toàn quốc trong suốt những năm bị người Pháp chiếm đóng. Không biết nếu Lê Duẩn còn sống sẽ nghĩ gì khi đọc cuốn sách sử này? Và nhất là những người từng sống chết với kháng chiến Nam Bộ Như Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thuần (anh của Pham Ngọc Thảo, ông Giàu thì còn ở Việt Nam, ông Thuần thì nay ở Pháp)(3)

– Phía chính quyền Quốc gia với Quốc Trưởng Bảo Đại, với các đời Thủ tướng như Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu... đã cộng tác chiến đấu bên cạnh quân đội Pháp, nhưng sách sử lớp 12 không hề nhắc tới, dù một dòng. 35 trang sách dành cho cuộc chiến tranh Việt Pháp Bảo Đại không được nhắc tới một lần nào.

Thật là hiếp đáp lịch sử quá đáng. Hầu như đây chỉ là cuộc chiến tranh giữa người Pháp và người Cộng Sản. Lịch sử Không phải được viết lại mà tái tạo theo ý muốn của những người lãnh đạo Hà nội.

Và cuối cùng, đó chỉ còn là cuộc chiến của họ và thắng lợi cũng đương nhiên là của họ.

Đấy là thứ sử của đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải sử của 80 chục triệu người Việt. Và rằng tất cả những lính bộ đội miền Bắc đã chết là chết cho đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh. Không phải chết cho dân tộc Việt.


(Đón đọc phần kết ngày 8/2/2007)


Copyright © 2006–2007 DCVOnline


--------------------------------------------------------------------------------
(1) Bàn lại vấn đề học vị tiến sĩ, Trần Văn Thọ, trích trong Một góc nhìn của người trí thức, tập 4, trang 289
(2) Xem chương Ý thức nô lệ trong sách Xã hội và con người, Trần Văn Toàn trang 171
(3) Phạm Ngọc Thuần với Nguyễn Mạnh Hà cùng sang Pháp du học năm 1942 và đến năm 1945, cả hai đều theo chính phủ Hồ Chí Minh. Những người trí thức như Phạm Ngọc Thuần chỉ có hai con đường lựa chọn: Hoặc hợp tác với Pháp hoặc vào bưng biền dể chống Tây.

Sử phi sử (Kết)

Aucun commentaire: