1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

mercredi 14 mars 2007

Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài và báo Nhân Dân

Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài và báo Nhân Dân

Tưởng Năng Tiến

Trên báo Nhân Dân chỉ có… tin buồn, tin cáo phó là tin cậy được. — Bùi Tín (*)



Qua tác phẩm Miền Thơ Ấu, tôi có dịp quen biết với nhà văn Vũ Thư Hiên. Từ đó, mỗi khi có dịp, chúng tôi thường nói chuyện và trao đổi kinh nghiệm về… chim và cá.Những con chim sáo, chim ri, chim sẻ… nơi quê nội của ông – lạ thay – giống y hệt như những con chim sẻ, chim ri, chim sáo… hay quanh quẩn nơi sân trường tiểu học của tôi. Những chú cá rô, cá trê, cá giếc (xinh xắn) mà ông Vũ Thư Hiên bắt được trong những cái ao con – ở một thôn làng xa xôi, nơi châu thổ sông Hồng – cũng thế. Cũng giống y (trang) như những chú cá rô, cá trê, cá giếc… ở Hồ Xuân Huơng – khi tôi còn trẻ dại. Chúng giống từ cách lên tăm, đến cách ăn mồi, và cách vẫy vùng khi đã bị mắc câu. Những sinh vật bé bỏng, thân thiết của Miền Thơ Ấu (xa lắc, xa lơ đó) đã giúp cho chúng tôi sống qua được nhiều buổi chiều đông lạnh lẽo, và nhạt nhẽo – nơi xứ lạ – trong tâm cảm bồi hồi.Cũng có lúc chúng tôi cũng bị… lạc đề, nói (lộn) qua chuyện khác:
Có lần tôi vớ phải khúc sắn ôi trong suất cơm độn, nhựa sắn nhầy nhụa như tinh dịch. Tởm quá, giận quá, tôi quẳng nó xuống hầm trú ẩn. Thế rồi đêm đến, bụng quặn lên vì đói, chịu không nổi, tôi lại phải sờ soạng trong bóng tối tìm khúc sắn vứt đi, lấy miếng giẻ cũng chẳng sạch gì lau cái nhựa gớm ghiếc ấy đi mà nhai trệu trạo chút tinh bột lẫn đất cát. Nhai khúc sắn mà nước mắt ứa ra... (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, 2ed. Văn Nghệ, 1997, 565).

Cái gì chứ ở tù và chịu đói thì tôi cũng… có biết qua nên (sốt sắng) đáp lễ bằng chuyện những củ khoai sùng, vẫn thường được phân phát mỗi sáng, trong những trại cải tạo, ở miền Nam:– Phải ăn khoai sùng có lẽ đỡ tởm hơn sắn ôi nhưng cũng không dễ dàng gì. Cái khó là mình phải biết ăn đúng lúc. Nhận phần củ khoai cho bữa sáng, vừa để lên mũi đã biết là nó bị sùng thì đừng ăn ngay. Cứ cất đấy. Đợi lúc được giải lao, khi mà mặt trời đã lên độ hai sào, mồ hôi đã rơm rớm ra ở trán, và cơ thể đã sắp run lên vì quá đói thì… khoai nào cũng là khoai cả – kể cả khoai sùng! Tưởng vậy là kể như… huề nhưng không phải vậy. Sau cái đận đói khoai ấy, có hôm tôi đang say mê tả cảnh những con chim chào mào lông vàng – bận rộn ríu rít, tíu tít, và líu lo trên những cành mai đen thẫm và chín mọng, vào những trưa hè ở Đà Lạt – thì chả hiểu sao ông Vũ Thư Hiên bỗng rũ người ra, rồi băn khoăn nhắc đến một kỷ niệm buồn (thiu) ở Bất Bạt, Sơn Tây:


Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân
Nguồn: cinet.gov.vn


“Nơi tôi được đưa đến là một trại giam quân đội… Trên cái bàn gỗ mộc bụi bặm và mốc thếch lăn lóc mấy tờ Quân Đội Nhân dân nhàu nát. Tôi vồ lấy chúng, đọc ngấu nghiến để rồi thừ ra, thất vọng – tin tức trong báo chả nói với tôi điều gì mới”.

“Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Những tờ báo giống y như những tờ này tôi đọc hàng ngày, một năm trước. Chúng sẽ giống như thế một năm sau, hoặc nhiều năm sau. Thế giới đã mắc bệnh bại liệt”. (sđd, trang 527).

Cái cảm giác chán ngán – ngán, có lúc, đến muốn buồn nôn – khi phải đọc những tờ báo của nhà nước CHXHCNVN thì tôi cũng đã trải qua, và không phải chỉ một (hoặc đôi) lần. Tôi còn nhớ, báo Nhân Dân, số ra ngày 8 tháng 3 năm 2001, có một bài viết tựa là “Dư Luận Phê Phán Những Việc Làm Sai Trái Của Ông Nguyễn Văn Lý.” Chỉ cần đọc thử vài câu là sẽ ớn (chè đậu) lên tới óc:

“Sau khi báo Nhân Dân đăng bài viết về hành vi tiếp tay cho các thế lực thù địch của linh mục Nguyễn Văn Lý (số ra ngày 6/3), đông đảo bạn đọc cả nước đã gọi điện thoại, gửi thư hoan nghênh báo kịp thời phê phán luận điệu, hành động sai trái của linh mục Nguyễn Văn Lý, đồng thời vạch rõ bộ mặt giả nhân giả nghiã của linh mục này”.

“Phóng viên báo Nhân Dân xin ghi lại một số ý kiến của đồng bào giáo dân. Nội dung như sau:

“Gặp chị Bùi Thị Thìn là giáo dân trước cửa nhà thờ giáo xứ Ða Minh 190 Lê Văn Sĩ, phường I, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tôi hỏi chị biết chuyện một linh mục tên Nguyễn Văn Lý ở Huế gửi lời chứng cho quốc hội Mỹ tiếp tay cho các hoạt động của những kẻ thù địch can thiệp vào nội bộ của nước Việt Nam ta? Chị nói:

– Tôi có được nghe qua báo chí và giáo dân xì xào.

– Ý kiến của chị việc này thế nào?

– Tôi chẳng hiểu thế nào mà Quốc hội Mỹ lại cứ ‘xía’ vào việc của người khác. Còn ông linh mục Lý sao lại đi làm cái việc phản dân, phản nước như vậy? Cứ xem ở Sài Gòn này, Nhà thờ Ðức Bà ngay trước cửa Hội trường Thống Nhất có phải rào chắn gì đâu, có ai phá phách cấm đoán ai tự do tín ngưỡng gì…”.


Ðược hỏi về chuyện ông linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế gửi ‘lời chứng’ cho Quốc hội Mỹ, ông Mai Phúc Kiến, một giáo dân xứ Tân Việt, rất phẫn nộ cho rằng việc làm của ông Lý chẳng khác gì kẻ phản bội đất nước. ‘Lời chứng’ của ông Lý hoàn toàn xuyên tạc, xúc phạm đất nước, xúc phạm giáo dân, vì từ khi cách mạng đến giờ ở Việt Nam chưa bao giờ có chuyện nhà nước đàn áp, cấm đoán tôn giáo”.

Cũng báo Nhân Dân, gần đây, số ra ngày 26 tháng 2 năm 2007 có một bài viết khác, cũng về linh mục Nguyễn Văn Lý, và cũng với cái giọng điệu (dối trá và trơ tráo) tương tự:

“Vừa qua, cơ quan công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có đủ chứng cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lý theo tội danh được quy định tại điểm C, khoản 1, Ðiều 88 Bộ Luật hình sự, “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”

“Nguyễn Văn Lý sinh ngày 15/5/1946 tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được phong Linh mục năm 1974. Từ sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Văn Lý đã có nhiều hoạt động chống phá đất nước Việt Nam…”.

“Ðược Nhà nước mở lượng khoan hồng, nhưng Nguyễn Văn Lý không ăn năn hối cải, mà ngược lại, đã liên tiếp vi phạm pháp luật”.


Mười hôm sau, ngày 3 tháng 7 năm 2007, báo Nhân Dân lại xuất hiện một bài báo nữa – tuy đề cập đến hai người khác, nhưng vẫn cứ cùng một giọng (nhâng nháo và hàm hồ) cố hữu:

“Ngày 6/3, Phòng An ninh điều tra (PA24) Công an Hà Nội khởi tố vụ án, bắt tạm giam hai đối tượng Nguyễn Văn Ðài, 38 tuổi, Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Ân, kiêm Giám đốc Công ty TNHH dịch thuật và tư vấn Việt Luật, cùng luật sư Lê Thị Công Nhân, 28 tuổi, làm việc tại văn phòng luật sư này, vì đã vi phạm Ðiều 88 Bộ luật Hình sự, tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

“Theo Phòng PA24, Nguyễn Văn Ðài là kẻ chủ mưu, Lê Thị Công Nhân là đồng phạm. Bọn chúng đã tuyên truyền, lôi kéo tập hợp lực lượng, cấu kết với các đối tượng phản động trong và ngoài nước, chống phá Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng...”

Lúc mà Vũ Thư Hiên chuyển từ Hoả Lò lên trại Bất Bạt ở Sơn Tây, và vồ vập đọc ngấu nghiến mấy tờ báo Quân Đội Nhân Dân, rồi “thừ ra thất vọng,” là khoảng đầu năm 68. Vào thời điểm này, ông Trần Trung Việt, một người bạn khác của tôi, vừa mới chào đời. Bốn muơi năm sau, sau khi đọc lệnh bắt giam Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, ông bạn trẻ của tôi đã “phán” một câu – chắc nịch, như sau: “Vẫn là thứ ngôn ngữ của trình độ văn minh đấu tố, văn minh cải cách ruộng đất …”.Tôi e rằng Trần Trung Việt chỉ nói cho… đã miệng vậy thôi, chứ đương sự e chưa bao giờ có dịp (thực sự) thưởng thức cái thứ ngôn ngữ đấu tố của thời cải cách ruộng đất. Nhân tiện, xin ghi lại đây một đoạn ngăn ngắn, cũng trích dẫn từ báo Nhân Dân – phát hành vào thời điểm đó – ngày 11 tháng 5 năm 1958, để mọi người cùng… thưởng lãm:
“… Trần Dần vốn là một tay tự cho mình có nhiều thủ đoạn nhất trong việc xúi giục, lôi kéo đồng loã hoạt động phá hoại, vậy mà có lần phải nói về Nguyễn Hữu Đang: “Nếu không có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được!”. “Nhưng cũng chính vì vậy mà Nguyễn Hữu Đang rất thích hợp với vai trò chỉ huy của hắn trong nhóm phá hoại Nhân văn – Giai phẩm, vì phương pháp hành động của bọn phiến động này chủ yếu là gây chia rẽ nội bộ, lừa bịp dư luận, phỉnh phờ quần chúng để đi đến âm mưa rối loạn bằng cách làm áp lực trong và ngoài tổ chức… Toàn bộ hoạt động phá hoại của bọn đó đều mang dấu tích rõ rệt của bàn tay Nguyễn Hữu Đang”.

Từ Nguyễn Hữu Đang, đến Nguyễn Văn Lý, và Nguyễn Văn Đài đều bị báo Nhân Dân vu vạ, đe doạ một cách vô cùng trắng trợn và bỉ ổi. - Nguồn: DCVOnline

Từ Nguyễn Hữu Đang, đến Nguyễn Văn Lý, và Nguyễn Văn Đài là ba thế hệ người dân Việt. Cả ba đều bị báo Nhân Dân vu vạ, đe doạ một cách vô cùng trắng trợn và bỉ ổi.

Nhà hoạt đông văn hoá Nguyễn Hữu Đang, có thể, bị ảnh hưởng ít nhiều bởi “dư luận” của báo Nhân Dân nhưng linh mục Nguyễn Văn Lý thì không, và luật sư Nguyễn Văn Đài cũng không. Lâu lắm rồi, ở Việt Nam không còn ai đọc tờ báo Nhân Dân nữa – kể cả những người tù (biệt giam) thường xuyên đói ăn và thèm đọc, như ông Vũ Thư Hiên.

Thuở còn sinh thời – khi trả lời phỏng vấn của đài Radio France International – Nguyễn Ngọc Lan đã phát biểu rằng ở Việt Nam khi cả nước thiếu giấy, thiên hạ vẫn xếp hàng mua báo Nhân Dân nhưng không phải để đọc mà để dùng vào những việc gia dụng khác: “I was reminded of the time when there was a severe shortage of paper across the country. People literally lined up daily to buy the inexpensive Nhan Dan for household uses.” (Robert Templer, Shadows And Wind, Penguin Books, New York, 1988, 165). Dùng vô chuyện gì khác thì ổng (nhứt định) không chịu nói.

Người phương Tây không mấy khi nói năng úp mở hay “bóng và gió” theo kiểu đó. Tác giả cuốn sách vừa dẫn, ông Robert Templer – sau ba năm làm đặc phái viên cho Agence France–Press tại Việt Nam, từ 1994 đến 1997 – đã thản nhiên tuyên bố: ”Dân Việt mua báo Nhân Dân để dùng trong cầu tiêu, chớ còn tin tức thì họ nghe từ chương trình phát thanh tiếng Việt của đài RFA, BBC, RFI và VOA.” (Vietnamese may have found Nhan Dan useful in the bathroom, but for information they turned to their radios and the Vietnamese language services of RFA, BBC, RFI and VOA).

Những chuyện (thổ tả) đại loại như vậy, ai cũng biết. Kể cả những người đã rời Việt Nam khi còn trẻ thơ, và chỉ vừa trở về thăm lại quê hương độ một hai tuần:

“Như tránh người ăn mày, tôi cũng dần dần làm ngơ tin tức trên đài truyền hình. Trong vài ngày đầu tiên ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người vội tắt máy truyền hình đúng giờ có tin tức…để làm những công việc khác trong giờ tin tức buổi chiều. Họ có thể ăn uống, vào nhà vệ sinh…” (Hoàng Mai Ðạt, Giữa Hai Miền Mưa Nắng, Văn Nghệ, 1999, 200).

Vào nhà vệ sinh thiên hạ mới cầm đến tờ báo Nhân Dân nhưng không phải để đọc, mà để dùng vào chuyện khác!

© DCVOnline

DCVOnline (*): Cựu phó Tổng biên tập báo Nhân Dân

Aucun commentaire: