1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

vendredi 16 mars 2007

Giáo dục Việt Nam hiện tại: Căn nguyên suy thoái - 1

Giáo dục Việt Nam hiện tại: Căn nguyên suy thoái


Trần Gia Phụng

Căn nguyên suy thoái của nền giáo dục Việt Nam hiện tại – (Phần 1)



Nền giáo dục Việt Nam hiện tại đang suy thoái trầm trọng. Sự suy thoái nầy không phải chỉ một sớm một chiều, mà đã bắt đầu khá lâu, có thể mấy chục năm nay, từ khi chế độ cộng sản xuất hiện ở Việt Nam. Nền giáo dục cứ đi xuống từ từ, khó nhận biết. Người ta nói đi xuống theo hình trôn ốc. Nghĩa là càng xuống thì sự yếu kém của nền giáo dục càng rộng ra, từ thế hệ nầy qua thế hệ sau. Kém đến nổi vào đầu năm 2007, hai giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Bình đã phát biểu rằng Tự Lực Văn Đoàn là một đoàn Cải lương và Nhất Linh là một tài tử cải lương.(1) Giảng viên ĐHSP mà như thế thì những người học trò của họ, những giáo sinh ĐHSP, tức những người thầy tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào?

1. Chính sách Văn hoá Giáo dục qua các Hiến Pháp

Để tìm căn nguyên suy thoái của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, có lẽ cần phải bắt đầu từ đầu, tức đi thẳng vào chính sách giáo dục của chế độ cộng sản Việt Nam.

Hiến pháp năm 1946 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, được Quốc hội đầu tiên thông qua ngày 9/11/1946, gồm 7 chương với 70 điều, trong đó điều 15, mục B, chương II, ghi rằng:

Nền sơ học cưỡng bách và không học phí ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước.


Đó là điều duy nhất trong hiến pháp năm 1946 quy định về nền giáo dục. Cần chú ý là lúc đó, tình hình khá căng thẳng, sắp xảy ra chiến tranh, nên tất cả mọi người đều chú trọng vào việc kháng Pháp, việc ngọai giao, quốc phòng… Việc giáo dục chẳng được chú ý là chuyện bình thường, ai cũng lo “xếp bút nghiên theo việc đao cung”.

Sau năm 1954, đất nước bị chia hai. Đảng Lao Động và Hồ Chí Minh cầm quyền ở phía bắc vĩ tuyến 17, tiếp tục chế độ VNDCCH. Hiến Pháp thứ hai của nước VNDCCH gồm 10 chương với 112 điều, được Quốc hội Bắc Việt thông qua ngày 31/12/1959, trong đó các điều 33, 34, 35 thuộc chương III nói về chủ trương văn hóa giáo dục, cũng chỉ trình bày chủ trương tổng quát gần như hiến pháp năm 1946. Có thể vì lúc đó, nhà cầm quyền Hà Nội đang chuẩn bị tấn công miền Nam, nên tránh việc quá lộ liễu “tính đảng” trong văn hóa giáo dục.

Sau khi đánh chiếm toàn bộ miền Nam năm 1975, nhà nước Hà Nội tổ chức bầu cử Quốc hội trên toàn quốc ngày 25/4/1976. Quốc hội họp phiên đầu ngày 24/6/1976 tại Hà Nội. Trong phiên họp hơn một tuần sau đó, ngày 2/7/1976, Quốc hội tuyên bố đổi tên nước thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), thủ đô là Hà Nội. Về phía đảng Lao Động, nay không còn phải tránh né dư luận trong và ngoài nước, đảng Lao Động tự đổi thành đảng Cộng Sản Việt Nam trong Đại hộI IV, từ 14 đến 20/12/1976. Lê Duẩn tiếp tục giữ chức tổng bí thư.

Ngày 27-6-1978, tại Bucarest (thủ đô Romania), CHXHCNVN gia nhập khối COMECON (Council for Mutual Economic Assistance tức Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế) tức khối kinh tế do Liên Xô đứng đầu. Sau đó, ngày 3/11/1978, Lê Duẩn sang Liên Xô ký với Leonid Brezhnev, tổng bí thư đảng CSLX, “Hiệp ước hai mươi lăm năm hỗ tương và phòng thủ” giữa hai nước.

Nói một cách khác, từ nay, CSVN không cần ẩn danh dưới một hình thức chính trị nào và để lộ hẳn bản chất của một chế độ cộng sản toàn trị. Việc nầy thấy rõ trong chính sách văn hóa giáo dục của nhà nước Hà Nội trong hiến pháp năm 1980. Bản hiến pháp nầy gồm 7 chương với 147 điều, được Quốc hội Hà Nội thông qua ngày 18/12/1980, trong đó chương III nói về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật.

Về văn hóa, điều 37 ghi rằng:

Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đầy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới có nội dung xã hội chủ nghĩa…”

Điều 38 nguyên văn như sau:

Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; chống các tư tưởng phong kiến, tư sản và ảnh hưởng của văn hóa đế quốc, thực dân; phê phán tư tưởng tiểu tư sản; xây dựng nếp sống xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nếp sống lạc hậu, bài trừ mê tín, dị đoan.


Về giáo dục, điều 40 ghi rằng:

Nền giáo dục Việt Nam không ngừng được phát triển và cải tiến theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất…” Điều 41 thêm vào: “Sự nghiệp giáo dục do Nhà nước thống nhất quản lý…Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình và xã hội cùng với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.


Về văn học, điều 44 viết:

Văn học nghệ thuật Việt Nam được xây dựng trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và theo đường lối văn nghệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam…


Sau đó, từ năm 1989 đến năm 1991, các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa Mác-Lênin hoàn toàn bị phế thải ở Âu Châu, nên CHXHCNVN chẳng đặng đừng phải thay đổi hiến pháp. Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua ngày 15/4/1992, gồm 12 chương và 147 điều, trong đó, chương III nói về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bỏ bớt những từ ngữ liên hệ đến chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng cũng mang tính toàn trị, đại khái như “nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa…” (điều 30), “nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung…” (điều 36).

Như thế, chỉ có bản hiến pháp năm 1946 chấp nhận hệ thống tư thục, còn từ hiến pháp năm 1959 đến hiến pháp năm 1992, là “nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục…”. Tuy rất tổng quát, nhẹ nhàng, nhưng “thống nhất quản lý” là ngôn ngữ hành chánh, ngôn ngữ chính trị, có nghĩa là độc quyền quản lý, hay nói cách khác việc giáo dục thuộc độc quyền của nhà nước, không có hệ thống tư nhân, không có các trường của các tôn giáo hay các hội đoàn. Giống như nhà nước độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế, độc quyền tài chánh, độc quyền ngọai thương, độc quyền báo chí…


2. Chủ trương Giáo dục phục vụ chính trị

Trong bài nói chuyện tại lớp học tập chính trị khoảng 3.000 giáo viên cấp 2 và cấp 3 miền Bắc (dạy từ lớp 6 đến lớp 12), do bộ Giáo Dục tổ chức tại Hà Nội ngày 13/9/1958, Hồ Chí Minh nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” (Báo Nhân Dân ngày 14/9/1958.) Câu nầy, Hồ Chí Minh dịch của Quản Trọng thời Xuân thu (722-479 TCN) bên Trung Hoa (thập niên chi kế tại ư thụ mộc, bách niên chi kế tại ư thụ nhân). Như thế, Hồ Chí Minh và đảng CSVN thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của việc giáo dục.

Do đó, ngay từ đầu, khi một mình đảm trách nền giáo dục toàn quốc từ sau năm 1946 cho đến nay, bộ Giáo dục nhà nước cộng sản không những chỉ quản lý chặt chẽ nền giáo dục, mà còn thi hành chủ trương giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng.

Theo những nhà giáo lớn tuổi, lúc mới chiếm được chính quyền vào tháng 9/1945, nhà nước VNDCCH vẫn còn theo chương trình giáo dục lập ra từ thời chính phủ Trần Trọng Kim. Vị bộ trưởng giáo dục trong chính phủ Việt Minh đầu tiên ngày 2/9/1945 là ông Vũ Đình Hòe. Ngày 3/11/1946, Hồ Chí Minh cải tổ nội các, một tuần trước khi hiến pháp đầu tiên được thông qua. Ông Nguyễn Văn Huyên được đưa lên thay ông Vũ Đình Hòe, giữ chức bộ trưởng giáo dục. Ông Nguyễn Khánh Toàn làm thứ trưởng.

Tuy là thứ trưởng, nhưng mọi quyền hành nằm trong tay ông Nguyễn Khánh Toàn, vì ông là đảng viên cộng sản lâu năm. Nguyễn Khánh Toàn dạy tiếng Việt ở Moscow từ năm 1927, có tên Nga là Minin, có vợ Nga, vào học ở Học viện Thợ thuyền Đông phương (Université des travailleurs d’Orient) từ năm 1928 đến năm 1931. Sau đó, Toàn ở lại Liên Xô. Năm 1939, Nguyễn Khánh Toàn cùng Nguyễn Ái Quốc qua Trung Hoa, cùng đến Diên An, căn cứ của CSTH, năm 1941. Toàn ở lại Diên An, đến năm 1946 mới trở về Việt Nam.(2)

Tất cả những thay đổi trong nền giáo dục bắt đầu khi Nguyễn Khánh Toàn trở về Việt Nam, ứng dụng triết lý giáo dục của Liên Xô, do bộ trưởng giáo dục Liên Xô là Kalenikov (?) đưa ra. Đó là “Giáo dục phục vụ chính trị”, tức giáo dục phải phục vụ chế độ do đảng Cộng Sản điều hành, hay nói cách khác, giáo dục phải có tính đảng và những nhà giáo, giáo viên, phải có lập trường đảng thật vững vàng.

Trong lúc chiến tranh tiếp diễn, Nguyễn Khánh Toàn ra lệnh tổ chức những trại huấn luyện cho giáo viên trong khu vực do Việt Minh cộng sản chiếm đóng, phổ biến nền giáo dục mới tại các liên khu. Trại huấn luyện liên khu 3 tổ chức tại Yên Mô (Ninh Bình) và liên khu 4 tại Cổ Định (Nông Cống, Thanh Hóa).(3) Sau khi được huấn luyện, các cán bộ nòng cốt trở về tỉnh của mình, tổ chức truyền đạt lại cho giáo viên cấp tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện.

Chính sách giáo dục phục vụ chính trị là chủ trương cốt lõi của chế độ cộng sản, được đảng Cộng Sản (đổi thành đảng Lao Động từ năm 1951, rồi đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976) và nhà nước do đảng nầy lập ra, thực hiện hết sức nghiêm chỉnh trong các vùng do Việt Minh kiểm sóat từ năm 1948 đến năm 1954, ở miền Bắc Việt Nam (bắc vĩ tuyến 17) từ năm 1954 đến năm 1975, và trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1975 cho đến nay.

Chính sách giáo dục nầy gần đây được củng cố thêm bằng luật số 11/1998/QH10 của Quốc hội Hà Nội, áp dụng từ ngày 2-9-1998, theo đó: “…Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân…lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.”


3. Ứng dụng chu> trương “Giáo dục phục vụ chính trị”

Từ chủ trương chính trị hóa giáo dục, tất cả chương trình học các cấp đều phải theo nhu cầu chính trị của đảng Cộng Sản và của nhà cầm quyền cộng sản. Tiêu chuẩn chọn lựa giáo viên là “hồng hơn chuyên”, có lập trường theo đảng vững vàng hơn là giỏi chuyên môn. Sách giáo khoa do Ban Tu thư Trung ương gồm đảng viên biên sọan, ban Văn hóa tư tưởng đảng duyệt xét, in ấn, trở thành pháp lệnh, bắt buộc giáo viên phải tuân theo.

Nhiều khi sách giáo khoa được viết sai. Ví dụ không ai có thể tưởng tượng nổi sách giáo khoa môn Văn lớp 10, khi bình luận bài “Bình Ngô đại cáo”, đã viết rằng Nguyễn Trãi là nhà bảo vệ môi trường.(Người Việt Online, 7/8/2006, “Sách giáo khoa lớp 10 ở Việt Nam”.)

Dầu vậy, dầu sách giáo khoa viết sai thế nào, giáo viên cũng phải tuân theo, không được dạy khác sách giáo khoa, ngoài sách giáo khoa. Giáo viên và cả học sinh không được suy nghĩ hay phát biểu bất cứ ý kiến gì mới lạ, ngoài những gì cộng sản chủ trương, ngoài những điều đã học ở trường lớp và sách giáo khoa. Nhà nước và nhà trường không chấp nhận cái gì mới ngoài những sách giáo khoa của nhà nước, chủ trương của đảng CSVN. Ai có ý kiến gì khác liền bị quy chụp là xét lại, phản động, chắc chắn sẽ được đưa đi cải tạo, nghĩa là vào tù.

Sách giáo khoa phải luôn luôn đề cao tính ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ca tụng đảng Cộng Sản Việt Nam, ca tụng các lãnh tụ đảng. Không phải chỉ ca tụng đảng Cộng Sản Việt Nam, mà cả các đảng Cộng Sản trên thế giới, từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Hoa… Và ca tụng toàn thể các lãnh tụ các đảng CS nằm trong hệ thống Đệ tam Quốc tế.

Trong lãnh vực khoa học, sách giáo khoa cộng sản luôn luôn cho rằng chỉ có những nhà khoa học cộng sản, các nước cộng sản là ưu việt, dầu những lý thuyết của các tác giả Liên Xô hay Đông Âu cộng sản đã quá cũ, đồng thời chê bai, đả kích những nhà khoa học của các nước tư bản, đế quốc.
Có một câu thơ điển hình về việc nầy:


Người ta dạy tôi
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ,
Tôi đã sống một phần hai thế kỷ
Để hôm nay làm đĩ với tâm hồn.


Trong lãnh vực địa lý, theo sách giáo khoa của CSVN, chỉ có những nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là thực sự phát triển dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng CS, trong khi các nền kinh tế tư bản, tự do là bóc lột, phồn vinh giả tạo.

Trong lãnh vực văn chương, người cộng sản chỉ ca tụng những tác giả xuất hiện từ thời cộng sản, ở Liên Xô, ở Đông Âu, ở Trung Cộng. Riêng ở Việt Nam, thì những tác giả cổ điển bị sách giáo khoa cộng sản cho là mang đầy tư tưởng phong kiến, hưởng lạc trong khi nhân dân đau khổ. Thậm chí, Nguyễn Du vẫn còn tư tưởng lạc hậu, phản động, và thân phận nàng Kiều là một bản cáo trạng đanh thép đối với chế độ phong kiến.(4) Văn học sử Việt Nam dưới chế độ cộng sản luôn luôn đề cao Hồ Chí Minh, Sóng Hồng (Trường Chinh), Tố Hữu…Đề thi trung học quanh quẩn giữa các tác giả cộng sản.

Về lịch sử, thì lịch sử đất nước hay lịch sử thế giới đều được sách của chế độ Hà Nội giải thích theo quy trình của chủ nghĩa công sản, từ xã hội nguyên thủy cho đến ngày nay. Lịch sử được vo tròn bóp méo theo nhu cầu của đảng CS. Người ta còn sáng tác những chuyện hoang tưởng rồi đưa vào lịch sử, và bắt học sinh phải học. Như chuyện Lê Văn Tám, chuyện Tôn Đức Thắng ở Hắc Hải, chuyện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Trần Huy Liệu là người đã sáng tác chuyện Lê Văn Tám trong sách giáo khoa Việt sử của cộng sản. Trước khi chết, ông Liệu hối hận vì mình đã bịa chuyện Lê Văn Tám, nên ông Liệu nhờ ông Phan Huy Lê cải chính. Phan Huy Lê đã công khai cải chính trong một cuộc họp của hãng phim truyền hình Việt Nam tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2005, bảo rằng chuyện Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật (Người Việt Online, Chủ Nhật 20/3/2005). Tuy nhiên, hiện nay học sinh trong nước vẫn phải học “anh hùng Lê Văn Tám”(?). Tại Sài Gòn vẫn còn công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng.

Ở bậc trung tiểu học, các em học sinh Việt Nam phải học “Năm điều bác Hồ dạy”. Đó là: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt. Lao động động tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.” Trong năm điều nầy, không có điều nào dạy cho trẻ em có hiếu với cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, biết kính nễ người lớn tuổi. Người ta còn buộc học sinh học tập theo gương “đạo đức Hồ Chí Minh”(?). Điều nầy làm cho các bậc phụ huynh rất lo ngại, vì các phụ huynh và cả học sinh hiện nay ở trong nước, qua báo chí sách vở hải ngọai, qua internet, đều đã biết Hồ Chí Minh là người như thế nào?

Như thế, ngay từ căn bản, giáo dục dưới chế độ cộng sản đồng nghĩa với giáo dục nhồi sọ, giáo dục giáo điều. Học sinh chỉ biết vâng lời chứ không tập suy nghĩ, không được phê phán, không học suy luận. Từ đó, óc sáng tạo của học sinh bị xơ cứng, dần dần đi đến chỗ thui chột. Sau đây là lời phát biểu của tiến sĩ sử học Phạm Ngọc Tùng, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội:

Quan niệm giáo dục và thực hành sư phạm phổ biến hiện nay vẫn là truyền thụ, “nhồi” một chiều chứ không phải trao đổi kiến thức. HS hiếm khi phải tư duy, khi đến lớp chủ yếu là... chép bài. Đến lúc gặp phải đề thi có chút tổng hợp, liên kết là lúng túng, không biết lắp ráp thế nào.”(báo Tuổi Trẻ, ngày 28-7-2006) (còn tiếp)

Toronto, 11/3/2007

© DCVOnline


--------------------------------------------------------------------------------
(1): Trong chương trình “Ai sẽ là triệu phú?”, đài VT3 của Hà Nội ngày 9-1-2007, khi được hỏi về liên hệ giữa các nhân vật trong Tự Lực Văn Đoàn, ứng viên Nguyễn Thị Tâm, giảng viên trường ĐHSP Thái Bình trả lời rằng TLVĐ là một đoàn cải lương, Nhất Linh là một tài tử cải lương. Người bạn của ứng viên nầy, cũng là một giảng viên ĐHSP Thái Bình, được giới thiệu là rất giỏi về văn học, cũng trả lời không đúng.(Chương trình nầy được đưa lên Internet.)
(2): Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản [nguyên bản Anh văn], Mặc Định dịch, Paris: 1962, tt.79-81.
(3): Theo lời kể của giáo sư N.Đ.N. ở San Diego, một người có tham dự trại huấn luyện ở Thanh Hóa.
(4): Hà Huy Giáp, “Giới thiệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, trong Truyện Kiều, Hà Nội: Nxb. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973, tt. XXXV và XLI.


nguon
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/03/16/VnEducationFacesIncreasingNegativeCases_TQuang/

Giáo dục VN: Nguyên nhân và hậu quả Nguyệt Anh — Bài dự thi viết về Giáo dục Việt Nam

Aucun commentaire: