03.2002
Về việc công an CSVN sang Đức xác minh quốc tịch
Mặc nhân dân, Đảng bán bò với giá cao
Công an Việt Nam đang chính thức hoạt động dò xét tại nước Đức. Đó là một thực tế đang làm sống lại những kỉ niệm hãi kinh của người Việt Nam. Có là người tị nạn hay không, dù sao người Việt Nam ở Đức cũng đã chọn một cuộc sống tự do, bên ngoài con mắt cú vọ canh chừng của đám anh ninh nhân dân từng đã soi mói vào tận cùng những ngõ ngách của cuộc đời rất riêng tư của họ. Nay thực tế này đang lại đuổi kịp theo họ đến tận vùng đất tạm dung!
Trong khi cộng đồng người tị nạn ở hai tiểu bang miền Đông là Berlin và Brandenburg chưa hết bàng hoàng sau các cuộc thẩm vấn của công an Việt Nam xảy ra hồi cuối năm ngoái thì nay đến lượt người tị nạn ở vùng Bắc Đức, thuộc các tiểu bang Hamburg, Niersachsen, Schleswig-Holstein và Sachsen-Anhalt được mời vác chiếu lên gặp công an Việt Nam để xác minh quốc tịch. Không phải chỉ có những người đang nằm trong diện trục xuất mà cả những người có giấy tờ được phép ở lại Đức hẳn hoi cũng bị buộc phải lên gặp công an Việt Nam. Đối với thành phần đầu, người ta có thể đoán rằng công an Việt Nam muốn nắn gân những người mà Đức đang muốn trục xuất về Việt Nam. Đối với thành phần sau người ta có cảm tưởng rằng con bạch tuộc công an Việt Nam đang muốn với vòi đến cả những người đã được Đức cho ở lại theo diện nhân đạo nhưng không có hộ chiếu Việt Nam. Cần biết thêm rằng đối với nhiều người Việt Nam, vấn đề quốc tịch đã rất rõ ràng từ khi họ đã nộp hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hay khai sinh (lúc đó còn hiệu lực) cho Đức, nên nay – trên nguyên tắc - không phải xác minh lôi thôi gì nữa. Việc chính quyền Việt Nam nại lí do không xác minh được quốc tịch của họ để không nhận họ về là điều chỉ có ... chính quyền Đức mới tin. Vô lí nhất là việc chính quyền Việt Nam đòi hỏi phải xác minh quốc tịch cả đối với những người vừa mới được sứ quán Việt Nam cấp hộ chiếu đang còn hiệu lực. Vậy mà phía Đức đành cũng chịu ... chào thua.
Xác minh quốc tịch là một thủ tục thông thường trên thế giới. Đối với CSVN thì nó trở thành một phương tiện để dò xét, khống chế, quản lí, gây khó dễ cho công dân đang ở nước ngoài. Dưới chính quyền CSVN hiện nay, quốc tịch Việt Nam bây giờ không còn là một vinh dự mà là của nợ. Ai đi du lịch mà mang quốc tịch Việt Nam thì cũng gặp nhiều khó khăn hơn người nước khác. Ở nước ngoài mà vẫn mang quốc tịch Việt Nam thì tạo cơ hội cho sứ quán CSVN dễ làm nhục, làm khó dễ đủ điều - từ việc xin gia hạn hộ chiếu đến việc xin thôi tịch hoặc xin khai sinh cho con. Muốn xin phía chính quyền CSVN cái gì thì lúc nào cũng phải kê khai đủ mọi chi tiết trong đời, cả những việc riêng tư chả liên quan gì đến việc muốn xin cả. Trên bước đường tị nạn quốc tịch Việt Nam là cả một của nợ, cho dù tị nạn là một nhân quyền căn bản được nhiều công ước quốc tế bảo vệ. Chính quyền CSVN dựa vào vấn đề quốc tịch để gây khó dễ cho người tị nạn, dù họ đã được một quốc gia khác cho tị nạn chính trị như trường hợp ông Phan Kim Long ở Tiệp hay sắp bị đuổi về như những người Việt Nam ở Đức. Do đó nhiều người Việt Nam phải nhập tịch một quốc gia khác. Mặc dù trong tim họ vẫn tự xem mình là người Việt Nam. Tốt nhất họ chọn giữ song tịch, một cho trái tim và một cho đời sống.
Tạm cho rằng chính phủ Đức mời công an Việt Nam sang đây để xác minh lí lịch của người tị nạn Việt Nam theo tinh thần của cái “Hiệp định nhận trở lại công dân Việt Nam“ kí hồi tháng 7 năm 1995 (chiếu theo điều 6 về việc “xác minh trong những trường hợp nghi vấn“). Đây là những hồ sơ do phía Đức xin Việt Nam chấp thuận cho hồi hương mà trong 7 năm qua Việt Nam đã không chịu trả lời hoặc đã nhiều lần từ chối. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao bấy lâu nay Việt Nam cố tình trì hoãn việc thi hành Hiệp định mà nay bỗng nhiên lại chấp nhận hợp tác? Nên biết rằng việc trì hoãn trong thời gian qua của chính quyền CSVN cũng có một lí do thực tế rất dễ hiểu là chính quyền CSVN không muốn làm mất lòng những gia đình cán bộ đảng viên đang có con em ở Đức. Bất cứ một người nào có chút “quen biết“ với quan chức của đảng tại Việt Nam đều có khả năng trì hoãn việc trở về của con em họ. Trung thực mà nói, những người sống ở Đức đã giúp đỡ tài chính không ít cho thân nhân của họ ở Việt Nam. Họ còn là đầu cầu để giúp cho các thân nhân khác tiếp tục đổ sang Đức một khi những người này không giải quyết được những bế tắc tại Việt Nam. Việc bộ công an Việt Nam gửi người sang Berlin và Brandenburg để xác minh lí lịch hồi tháng 11 năm ngoái đã giúp cho phía Đức trục xuất nhanh chóng hơn một số lượng khá lớn những người tị nạn. Việc này đã gây bất mãn không nhỏ trong giới cán bộ đảng viên ở bên nhà vì họ cho rằng đảng và nhà nước đã phản bội quyền lợi của gia đình họ. Đối với họ, việc có con em tị nạn ở nước ngoài không còn là cái tội mà là cái lợi – đơn giản và thực tế. Trong vòng 4 tháng qua, nếu số người tị nạn bị trục xuất về Việt Nam trên toàn nước Đức đã tăng một cách đáng kể thì nay với sự mở rộng địa bàn hoạt động của công an Việt Nam sang các tiểu bang còn lại ở Tây Đức chắc chắn số người về sẽ nhanh chóng vượt qua khối lượng tổng cộng của các năm vừa qua. Rồi đây cả những người được tạm chấp nhận cho ở lại theo diện nhân đạo và tưởng rằøng đã yên thân cũng sẽ phải thấp thỏm lo cho số phận của mình. Suy nghĩ này không hoang tưởng chút nào, vi lâu nay chính quyền CSVN vẫn lợi dụng tối đa những kẽ hở trong luật quốc tế để sách nhiễu những người đã được chấp nhận cho tị nạn chính trị - một qui chế được quốc tế bảo vệ khá vững chắc. Trong thời buổi sợ khủng bố và muốn gia tăng an ninh, đề nghị của chính quyền CSVN rằng họ sẽ giúp các quốc gia khác khám phá các thành phần bạo động, khủng bố hoặc hình sự chắc chắn sẽ dễ được các quốc gia phương Tây hoan nghênh đón nhận.
Ai ngây thơ cho rằng đảng và nhà nước CSVN luôn tìm cách bảo vệ quyền lợi của công dân của mình thì cứ nhìn cung cách làm việc của các sứ quán CSVN là rõ. Không có một vụ việc nào gây thiệt hại cho quyền lợi của công dân Việt Nam ở Đức mà người ta thấy sứ quán CSVN lên tiếng bênh vực cho hữu hiệu. Sứ quán CSVN cũng không có một cố gắng nào để vận động chính quyền Đức giải quyết thuận lợi cho khoảng 60 đến 70 ngàn người Việt Nam đang chơi vơi trong vấn đề ở lại, từ khi có những qui định nhân đạo cho các trường hợp đã ở Đức lâu năm (Altfallregelung) trước đây đến cuộc thảo luận về di dân hiện nay. Các tờ báo của hay do sứ quán tài trợ cũng không bao giờ nói một lời về những khó khăn đầy rẵy của người Việt Nam sống ở Đức. Tóm lại chính quyền CSVN chả quan tâm gì đến chính sách ngoại kiều của Đức, hoàn toàn mù tịt về xu hướng dư luận Đức, chả có tí tị ảnh hưởng nào trên bình diện chính sách vĩ mô của Đức. Họa hoằn, nếu xảy ra việc sứ quán CSVN không chịu cấp hộ chiếu và nếu có ai cho rằng điều này phù hợp với nguyện vọng của người Việt Nam không muốn bị trục xuất, thì đó là vì quyền lợi của người dân Việt ngẫu nhiên trùng hợp với quyền lợi của đảng CSVN mà thôi. Khi đảng CSVN sợ phải nuôi dân thất nghiệp thì đảng không nhận, thế thôi. Khi ngân quĩ của đảng cạn kiệt, khi đảng cần ngoại viện, khi đảng cần kí hiệp định thương mãi với khối Liên âu – như trường hợp hiện nay - thì đảng sai ông Phan Văn Khải sang Đức đả thông việc nhận lại người Việt Nam tị nạn, thế thôi. Chính sách của đảng đối với người tị nạn từ bao lâu nay luôn luôn là một chính sách mù mờ, nhất thời biến đổi tùy theo nhu cầu trọng điểm của đảng. Những gì đảng tuyên bố chính thức không bao giờ là chuẩn mực, nên muốn suy ra chính sách nhất thời của đảng thì phải suy ra từ hành động thực tế của đảng. Hiện nay điều rõ ràng là quyền lợi của người tị nạn Việt Nam không trùng hợp với quyền lợi nhất thời của đảng, vì nó rẻ hơn so với món lợi mà đảng đang cần thu vào. Cho nên nó bị hy sinh, thế thôi.
Trong “cuộc buôn bán bò“ này (chữ mà ông Juergen Trittin, hiện là bộ trưởng liên bang về môi sinh của Đức, dùng trong bài phát biểu tại một cuộc biểu tình chống hồi hương của người Việt hồi đầu năm 1995), con người bị hạ thấp xuống hàng món đồ vô tri vô giác, dùng để đổi chác qua lại tùy theo giá cả thị trường. Khi chỉ là những lái buôn thì làm sao mà đảng và nhà nước CSVN lại có thể hiểu được ước vọng nhỏ nhoi của những NGƯỜI tị nạn Việt Nam, muốn có thêm một thời gian dăm ba tháng ở lại Đức, để gia đình họ có thêm cơ may được hưởng sự ở lại theo luật di dân có thể sắp ra, một cơ hội tuy có sắc xuất rất nhỏ nhưng vẫn tạo được niềm hi vọng le lói.
Mang nợ thì phải giải quyết nợ. Nguyên tắc này tuy đúng nhưng nghe vẫn nghịch nhĩ khi áp dụng vào món nợ “quốc tịch Việt Nam“, vì đây quả là món nợ tự nhiên mà ta không có sự chọn lựa. Vậy trên bình diện tổng quát thì người tị nạn Việt Nam, vì còn mang quốc tịch Việt Nam, và những thân nhân của họ, vì việc đi ở nước ngoài nhiều khi là một dự án đầu tư của cả gia đình, cần phải dùng quyền công dân của mình để đòi hỏi chính quyền CSVN phải minh bạch hóa chính sách đối xử với người tị nạn hoặc người di dân, trong đó có chính sách nhận người trở về. Không biết chính sách này đầu đuôi ra sao, người tị nạn Việt Nam dù muốn tính toán cũng không thể tính toán gì được - trước khi họ rời Việt Nam cũng như khi đang ở nước ngoài. Để đối phó cụ thể với việc xác minh quốc tịch của công an Việt Nam, người tị nạn Việt Nam có thể tham khảo phần ý kiến của ông Vũ Quốc Dụng được đăng trong số báo này. Riêng những người đã được tị nạn chính trị, đang hoặc sắp có thể bị gọi lên cho công an A18 thẩm vấn, cần kiên quyết phản đối biện pháp này và cần tố cáo mạnh mẽ trên truyền thông âm mưu soi mói những thành phần đối lập này của chính quyền CSVN.
Lý Liễu
______________
Những điều trong Hiệp định nhận trở lại Đức-Việt 21.7.1995 (HĐ 95) và trong Nghị định thư thực hiện Hiệp định ngày 21.7.1995 (NĐT 95) liên quan đến việc xác minh quốc tịch
Điều 5: Bằng chứng và cơ sở làm tin (HĐ 95)
1) Việc có quốc tịch Việt Nam có thể được chứng minh thông qua:
- Giấy chứng nhận quốc tịch hợp lệ
- Hộ chiếu thật các loại (Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông),
- Công hàm của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức.
Khi xuất trình những giấy tờ trên thì hai bên ký kết công nhận quốc tịch Việt Nam đã được chứng minh bằng cách đó.
2) Có thể làm cho tin được về quốc tịch Việt Nam thông qua các tài liệu thật, ví dụ như:
- Giấy chứng minh nhân dân,
- Giấy thông hành có ảnh,
- Giấy chứng minh biên giới,
- Giấy chứng minh quân nhân,
- Giấy khai sinh,
- Hộc chiếu chuyên viên,
- Giấy phép lái xe.
Trong trường hợp đương sự xuất trình những giấy tờ kể trên thì hai bên ký kết có thể tạm coi người đó là công dân Việt Nam.
Điều 6: Lấy lời khai của những người bị đưa trở về và xác minh trong những trường hợp nghi vấn (HĐ 95)
1) Nếu không chứng minh hoặc làm cho tin được về quốc tịch thì bên Việt Nam sẽ tiến hành ngay việc lấy lời khai của đương sự.
2) Thông qua việc lấy lời khai nếu đương sự là công dân Việt Nam thì bên Việt Nam sẽ nhận trở lại người đó.
3) Trong việc khẳng định quốc tịch Việt Nam có thể đặc biệt lưu ý những cơ sở tham khảo sau đây:
- Lời khai của nhânchứng
- Thông tin của bản thân đương sự
- Ngôn ngữ của đương sự.
Trên cơ sở của những thông tin này, các cơ quan Việt Nam sẽ tiến hành việc xác minh quốc tịch Việt Nam và thông báo kết quả cho các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan đại di dânện của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam sẽ giúp đỡ các cơ quan Việt Nam trong việc xác minh này.
Điều 9: Cung cấp và bảo mật dữ kiện (HĐ 95)
Những dữ liệu cá nhân phải chuyển giao để thực hiện Hiệp định này sẽ được liệt kê trong Nghi định thư thực hiện Hiệp định. Những thông tin này chỉ được liên quan đến:
1) Nhân thân của người bị dự định đưa trở về và nếu cần của thân nhân người đó (Họ tên và nếu cần cả tên cũ, tên phụ hoặc bí danh, ngày tháng năm và nơi sinh, quốc tịch trước kia và hiện nay).
2) Hộ chiếu, các giấy tờ có giá trị thay hộc chiếu và giấy chứng minh nhân dân (số, thời hạn, ngày và nơi cấp, cơ quan cấp v.v.).
3) Những thông tin cần thiết khác để xác minh bgười bị dự định đưa trở về.
4) Địa chỉ thường trú trước kia ở Việt Nam; thời gian, lý do và hành trình đến Đức và nơi cư trú ở Đức.
5) Giấy phép cư trú hoặc thị thực được các bên ký kết cấp.
Điều 1: Thủ tục yêu cầu tiếp nhận và thủ tục đối với trường hợp tự nguyện trở về (NĐT 95)
1. Để đưa công dân Việt Nam trở về thì cơ quan có thẩm quyền của Đức sẽ thông qua Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội chuyển cho Bộ nội vụ Việt Nam (Cục quản lý xuất nhập cảnh) yêu cầu về việc nhận người trở về.
2. Nhằm mục đích này và trong những trường hợp tự nguyện trở về, cơ quan có thẩm quyền của Đức hướng dẫn công dân Việt Nam sẽ trở về khai vào Bản khai theo mẫu H03 (Phụ lục I kèm theo). Mỗi người khai hai bản. Mỗi bản có hai ảnh loại làm hộ chiếu. Nếu bản khai này không được khai hoặc khai không đầy đủ, thì ít nhất phải liệt kê những dữ liệu phù hợp với mẫu “Đơn xin cấp giấy tờ thay hộ chiếu” (theo mẫu đơn xin cấp giấy tờ thay hộc chiếu của Cục bảo vệ biên giới – Phụ lục II kèm theo). Nếu điều này cũng không thực hiện được thì trong yêu cầu nhận người trở về phù hợp với những hồ sơ, tài liệu kèm theo cần có những dữ liệu cá nhân liên quan đến người trở về:
- Nhân thân của người sẽ trở về (Họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh cũng như nơi cư trú cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam; trường hợp có thể được thì cung cấp thêm dữ liệu về thân nhân gần của người trở về ở Việt Nam).
- Loại bằng chứng hoặc cơ sở làm cho tin được về quốc tịch hoặc những vật chứng khác có thể chứng tỏ quốc tịch Việt Nam.
- Ngày giờ dự định chuyển giao.
3. Những dữ liệu cần thiết và hồ sơ liên quan nếu ở khoản 1 và 2 trên đây sẽ được bên Đức chuyển cho cơ quan Việt Nam có thẩm quyền.
____________________
24.2.2002
Thư ngỏ Việc công an Việt Nam thẩm tra quốc tịch phải tôn trọng những nguyên tắc tối thiểu
Vũ Quốc Dụng
Sau khi dùng hai bang Berlin và Brandenburg làm thí điểm cho công an Việt Nam thẩm tra lí lịch của những người Việt Nam thì hiện nay các sở ngoại kiều Đức đang khai triển phương thức này đối với người tị nạn Việt Nam ở tại các bang Hamburg, Niedersachsen, Schleswig-Holstein và Sachsen-Anhalt. Trong trường hợp này, trước sau gì các tiểu bang khác cũng mời người tị nạn lên gặp công an Việt Nam. Do đó chúng ta nên lưu ý tìm hiểu vấn đề, thu thập thêm thông tin để tìm cách đối phó.
1. Thành phần và mục đích
Hiện có 2 thành phần nhận được giấy mời. Đông nhất là những người đã chấm dứt hoàn toàn thủ tục tị nạn và nằm trong diện phía Đức tìm cách đưa về Việt Nam; thứ đến là những người đã nhận giấy Befugnis, nhưng Befugnis này không được dán lên hộ chiếu Việt Nam mà lên căn cước du lịch (Reiseausweis) do chính quyền Đức cấp tạm thời.
Do đó mà việc xác minh quốc tịch của 2 thành phần này có thể nhằm tối thiểu là 2 mục đích khác nhau. Đối với những người thuộc diện trục xuất thì mục đích của việc xác minh quốc tịch rất rõ: nếu xác định được quốc tịch Việt Nam của đương sự thì phía chính quyền Việt Nam cũng chấp nhận luôn việc cho họ hồi hương. Như kinh nghiệm của 2 bang Berlin và Brandenburg cho thấy thì việc đưa họ về sẽ diễn ra rất nhanh, trong vòng từ 4 đến 6 tuần. Đối với những người đang có Befugnis thì hiện người ta chưa rõ mục đích cuối cùng của các sở ngoại kiều. Theo giấy mời của sở ngoại kiều thì mục đích mời là để kiểm tra hoặc xác nhận quốc tịch Việt Nam. Như vậy có thêm 2 giả thuyết. Trong trường hợp không xác minh được quốc tịch thì tình trạng của đương sự sẽ không có gì thay đổi. Nếu xác định được quốc tịch thì đương sự sẽ bị buộc phải lấy hộ chiếu Việt Nam, để sau này nếu Đức muốn trục xuất họ thì sẽ không gặp rắc rối với phía Việt Nam nữa. Nên lưu ý rằng việc cấp mới hoặc gia hạn Befugnis luôn luôn phụ thuộc vào những điều kiện về hội nhập tối thiểu, và nếu không hội đủ thì sẽ không được cấp mới hoặc gia hạn tiếp.
2. Cơ sở pháp lý
Tùy trường hợp cá biệt, có sở ngoại kiều viện dẫn 5 – 6 điều luật ngoại kiều để buộc đương sự phải đi gặp đại diện Việt Nam. Cho nên việc nhờ luật sư kiểm tra sự hợp pháp của những điều luật trích dẫn là cần thiết. Tuy nhiên tất cả các giấy mời đều có điểm chung là viện dẫn điều § 70 Abs. 4 AuslG (Luật ngoại kiều) để đe dọa người tị nạn rằng việc lên gặp đại diện Việt Nam là bắt bược và sở ngoại kiều có thể dùng biện pháp hành chánh để bắt buộc đương sự phải phải tuân theo lệnh mời này.
Dù không nói gì đến Hiệp định Nhận trở lại Công dân Việt Nam (HĐ 95) nhưng sự xuất hiện của công an Việt Nam tại Đức để xác minh quốc tịch hẳn nhiên dựa vào Điều 6 khoản 1 của HĐ 95.
3. Việc gặp đại diện Việt Nam
Việc gặp đại diện của Việt Nam cần phải tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm nhân quyền và nhân phẩm, luật pháp Đức và HĐ 95. Khi đi gặp đại diện Việt Nam, người tị nạn cần đòi hỏi phải có mặt của một đại diện chính quyền Đức, luật sư hay một người tín cẩn do mình chọn (nếu người biết cả tiếng Đức lẫn tiếng Việt để kiểm soát sự thông dịch là tốt nhất) và đòi hỏi lập biên bản cuộc nói chuyện. Người tị nạn có quyền từ chối những câu hỏi không liên quan đến mục đích được ghi trên giấy mời. Thí dụ nếu giấy mời ghi mục đích là để xác minh quốc tịch thì những câu hỏi về đời tư như hoạt động chính trị của bản thân ở nước ngoài, họ tên, nghề nghiệp và địa chỉ của anh chị em hoặc họ hàng ở nước ngoài, … là hoàn toàn trái phép. Những loại câu hỏi này có thể nhằm mục đích chính trị và cần được lưu ý với đại diện Đức. Về những câu hỏi chính đáng cần thiết cho việc xác minh quốc tịch thì người tị nạn có thể dựa vào những điều ghi trên HĐ 95, cụ thể là điều 6 khoảng 3, điều 9, hoặc dựa vào điều 1, khoản 2, gạch đầu dòng thứ nhất của Nghị định thư thực hiện HĐ 95. Trong trường hợp có nghi ngại trả lời thì người tị nạn có thể bàn với luật sư.
Trước và sau khi gặp phái đoàn Việt Nam, nếu gặp khó khăn, người tị nạn có thể liên lạc với: IGFM, Borsigallee 9, 60388 Frankfurt/M, Tel. 069 420 108 0 để bàn thêm chi tiết. Người tị nạn có thể gửi bài tường thuật về IGFM để IGFM nghiên cứu cách bảo vệ quyền lợi cho mình.
http://www.shcd.de/
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire